11/12/2013 08:16 GMT+7

TP.HCM tăng viện phí từ 1-6-2014

MAI HƯƠNG - QUỐC THANH
MAI HƯƠNG - QUỐC THANH

TT - Trong ngày làm việc thứ hai (10-12) kỳ họp thứ 12, HĐND TP.HCM thông qua 13 dự thảo nghị quyết và dành một buổi cho phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội...

QDoqZ0XC.jpgPhóng to
Đại biểu Đào Thị Hương Lan, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, trình bày một số vấn đề liên quan đến việc tăng viện phí - Ảnh: Quang Định

Trong số các tờ trình của UBND TP được thông qua tại kỳ họp lần này, có ba tờ trình liên quan đến phí, đó là tăng thu phí xa lộ Hà Nội và tại cầu Bình Triệu, tăng viện phí và giảm thu phí trước bạ đối với ôtô 10 chỗ ngồi. Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường vào buổi sáng về kinh tế - xã hội TP, các đại biểu tiếp tục bày tỏ sự bất an khi trộm cướp gia tăng, những thời cơ và thách thức của kinh tế TP trong giai đoạn mới.

Tăng phí sử dụng đường bộ và viện phí

Với sự tán thành của HĐND TP, kể từ ngày 1-6-2014, giá viện phí mới ở TP sẽ được áp dụng và cũng là thời điểm bắt đầu lộ trình tăng giá trong ba năm (2014-2016) để đạt mức tối đa khung giá do Bộ Y tế quy định từ ngày 1-6-2016. Cụ thể, từ ngày 1-6-2014: áp dụng viện phí mới (tăng) đối với các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá giường bệnh/ngày; các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm (477 dịch vụ) với mức bằng 75% của khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định. Giá dịch vụ của nhóm này sẽ tiếp tục tăng thêm từ ngày 1-6-2015 với mức bằng 85% của khung giá do Bộ Y tế quy định và tăng đến mức bằng 100% khung giá của bộ từ ngày 1-6-2016. Đối với nhóm các phẫu thuật, thủ thuật thực hiện lộ trình tăng: từ ngày 1-6-2014 áp dụng mức giá bằng 65%, từ ngày 1-6-2015 bằng 75% và từ ngày 1-6-2016 bằng 100% khung giá quy định của Bộ Y tế - Bộ Tài chính.

Giải thích vì sao chọn thời điểm áp dụng viện phí mới từ ngày 1-6-2014, giám đốc Sở Tài chính TP Đào Thị Hương Lan nói nếu áp dụng ngay từ đầu năm như một số ý kiến đề xuất, đây là thời điểm rơi vào dịp tết nên lãnh đạo TP cân nhắc. Nếu không áp dụng mức viện phí mới ngay từ đầu năm mà chọn thời điểm từ ngày 1-6 thì ngân sách TP không phải chi khoảng 100 tỉ đồng.

HĐND TP nhất trí với đề nghị của UBND TP kể từ ngày 1-1-2014 ba nhóm xe (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn; nhóm xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn) chạy qua các trạm thu phí xa lộ Hà Nội và tại cầu Bình Triệu sẽ phải trả một mức phí cao hơn mức đang áp dụng, đồng thời không tăng phí đối với hai nhóm xe (xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, container 20 feet; xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet).

HĐND TP cũng nhất trí kể từ ngày 1-1-2014, TP sẽ giảm tỉ lệ thu lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe), cụ thể là áp dụng mức thu lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu đối với loại xe này là 10%, thay vì 15% như hiện nay (giảm 5%).

HĐND TP còn thông qua dự thảo nghị quyết bổ sung Quỹ tên đường của TP với 1.070 tên đường.

Ngành công an hi vọng có cái tết bình yên

Thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Văn Thiện cho biết cử tri TP rất quan tâm đến tình hình tội phạm trong năm qua. Ông Thiện thắc mắc: “Lực lượng của ta chính quy hiện đại, được Nhà nước và nhân dân ưu ái đầu tư nguồn lực và phương tiện vậy tại sao tội phạm không giảm mà còn có xu hướng tăng? Trong khi đó, chúng ta chỉ điều tra, phá được 63% số vụ, theo tôi là rất thấp”.

Trả lời thắc mắc của đại biểu Thiện, đại tá Ngô Minh Châu - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết tình hình phạm pháp hình sự năm 2013 có tăng so với năm 2012, trong 13 loại án thì có bảy loại giảm và sáu loại tăng. Trong số các án tăng thì có án trộm tài sản tăng trên 10,5%. Ông Châu dẫn ra những nguyên nhân của tình hình trên là do TP.HCM có địa bàn rộng, lượng dân cư từ các tỉnh đổ về rất lớn; các đối tượng cai nghiện được trả về địa phương; kinh tế khó khăn, nhiều người không có việc làm. “Từ nay đến cuối năm tình hình tội phạm, an ninh trật tự dịp tết còn diễn biến phức tạp” - ông Châu nhận định.

Ông Châu cho biết công an sẽ huy động lực lượng, đẩy mạnh công tác phòng chống những loại tội phạm phát sinh, tăng mạnh trong dịp tết. “Đặc biệt, TP sẽ tăng cường trinh sát, tăng cường tuần tra kiểm soát với ba lực lượng là cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông. Tổ chức 24 tổ hình sự đặc nhiệm của 24 quận huyện và một đội hình sự đặc nhiệm của TP. Lực lượng này được hóa trang có mặt ngày đêm trên các tuyến phố sẵn sàng trấn áp tội phạm” - ông Châu nhấn mạnh. “Với các giải pháp này và có sự tham gia của lực lượng quần chúng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chúng ta có quyền hi vọng TP sẽ có một cái tết an ninh, trật tự” - ông Ngô Minh Châu tuyên bố.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm ngắt lời: “Bà con cử tri rất cần sự cam kết của công an. Chứ ngành công an mà chỉ hi vọng thôi thì e rằng không ổn”. Đại tá Ngô Minh Châu trả lời: “Những biện pháp mà Công an TP.HCM đưa ra chính là lời cam kết”.

Chất vấn hiệu quả về chống ngập, trợ giá xe buýt

Hôm nay 11-12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP dành trọn một ngày cho chương trình chất vấn và trả lời chất vấn (truyền hình và phát thanh trực tiếp). Theo đó, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP sẽ trả lời các nội dung: hiệu quả đầu tư, trợ giá xe buýt; chất lượng xe buýt, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt; bố trí, phân chia luồng tuyến xe buýt; giải pháp để gia tăng số lượt người sử dụng xe buýt.

Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP sẽ trả lời các nội dung: tình hình chống, giảm ngập ở TP; hiệu quả của các chương trình chống ngập; dự báo ngập, giải pháp chủ yếu chống ngập trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP sẽ trả lời các nội dung: hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học, số đề tài ứng dụng vào thực tiễn; hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế TP, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân sẽ báo cáo một số vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội mà đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn.

* HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Chưa quyết liệt xử lý dự án chậm triển khai

Sáng 10-12, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa V khai mạc kỳ họp thứ 7. Báo cáo tại kỳ họp cho biết tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,37%, nhiều chỉ tiêu kinh tế khác không đạt kế hoạch.

Theo ông Trần Thanh Bình - phó chủ tịch HĐND tỉnh, kỳ họp sẽ thảo luận tìm giải pháp hữu hiệu để thực hiện đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế đề ra trong năm 2014. Theo ông Bình, nguyên nhân các chỉ tiêu 2013 đạt thấp là do dự đoán chưa hết tình hình thực tế, xây dựng tiêu chí chưa sát với khả năng thực hiện, việc điều hành của bộ máy nhà nước cũng chưa thật sự hiệu quả, các thế mạnh chưa được đầu tư tương xứng, đặc biệt là xử lý các dự án chậm triển khai chưa quyết liệt.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 212 dự án chậm triển khai với diện tích hơn 11.000ha. Trong năm 2013, tỉnh chỉ thu hồi giấy phép đầu tư của 30 dự án (11 đầu tư nước ngoài, 19 đầu tư trong nước) với 917ha đất.

ĐÔNG HÀ

* HĐND tỉnh Bình Thuận:

Xử lý trách nhiệm vụ tràn bùn thải titan

Ngày 10-12, kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX tiến hành phiên chất vấn xoay quanh 11 nội dung về môi trường, nông nghiệp, tòa án, đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh vũ trường trái phép. Bảy vị thủ trưởng của các sở ngành tham gia trả lời chất vấn.

Liên quan đến câu hỏi của cử tri phản ảnh chủ mỏ khai thác titan Suối Nhum (huyện Hàm Thuận Nam) xả thải trực tiếp ra môi trường, ông Huỳnh Giác, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết doanh nghiệp này bị đình chỉ khai thác vào tháng 5-2013, qua nhiều lần kiểm tra không thấy doanh nghiệp khai thác cũng như xả thải.

Đại biểu chất vấn tại sao kiểm tra, giám sát thường xuyên nhưng không phát hiện nguy cơ vỡ hồ chứa bùn thải titan tại mỏ Suối Nhum. Ông Giác trả lời đó là trách nhiệm của công ty và sự việc trên là ngoài ý muốn, không lường trước được. “Chúng tôi làm sao có đủ con người để giám sát hàng chục cái mỏ như thế?” - ông Giác nói.

Phát biểu sau phiên chất vấn, ông Lê Tiến Phương - chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết có báo cáo bước đầu cho Chính phủ vụ vỡ hồ chứa bùn thải titan. Đây là tai nạn nhưng phải có trách nhiệm cụ thể. Trách nhiệm chính trong vụ này là do công ty chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ nhưng cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là Sở Tài nguyên - môi trường, tổ giám sát, UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND xã Thuận Quý. Các cơ quan quản lý chủ quan và phải rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động quản lý mỏ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường khẩn trương kiểm tra xử lý theo quy định với các cá nhân để xảy ra sự cố vỡ hồ chứa bùn thải titan trong thời gian công ty bị đình chỉ. Ông Hùng còn đề nghị trong quá trình kiểm tra các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải có sự tham gia của đại diện cộng đồng dân cư - người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến vấn đề các vũ trường trá hình hoạt động lâu nay tại Bình Thuận gây mất an ninh trật tự, ông Lê Tiến Phương nói: “Chuyện quán bar, vũ trường trá hình không xử lý được là do nội bộ chúng ta có vấn đề. Đi kiểm tra là các cơ sở biết trước, họ để vườn không nhà trống. Việc các vũ trường biến đất ở thành đất kinh doanh là trách nhiệm của UBND TP Phan Thiết. Ngành văn hóa - thể thao và du lịch lúc nào cũng báo cáo tốt trong khi có không ít vũ trường hoạt động không phép”. Ông Phương cho hay sẽ xử lý nghiêm các vũ trường trá hình.

NGUYỄN NAM

* HĐND Hậu Giang:

Thi công không đúng thiết kế, giám sát yếu kém

Trả lời chất vấn của đại biểu xung quanh công trình đường nối Cần Thơ - Vị Thanh hàng ngàn tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, ông Nguyễn Văn Tuấn - giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang - xin nhận khuyết điểm, đồng thời cho rằng nguyên nhân khách quan do nhà thầu thi công không đúng hồ sơ thiết kế, tư vấn giám sát không đủ điều kiện năng lực. Còn nguyên nhân chủ quan do công trình được thi công vào mùa mưa. Chủ đầu tư là Sở GTVT thuê Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam (Bộ GTVT) kiểm định chất lượng công trình, đồng thời đưa ra phương án sửa chữa, đến ngày 31-12 sẽ hoàn thành.

Không đồng tình với câu trả lời của giám đốc Sở GTVT, đại biểu Trần Thanh Kháng đặt câu hỏi: “Thi công không đúng thiết kế, tư vấn giám sát yếu kém. Vậy ai thuê tư vấn giám sát, trách nhiệm thuộc về ai?”. Ông Tuấn giải thích nhiều vấn đề nhưng không đề cập đến trách nhiệm như đại biểu chất vấn.

L.DÂN

* HĐND Cần Thơ:

“Sốt ruột” với chuyện đổ rác, ngập nước

Tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Dược - giám đốc Sở Xây dựng - là người đăng đàn đầu tiên giải đáp các ý kiến của đại biểu. Trả lời câu hỏi xung quanh việc ứng phó thế nào khi không thể đổ rác sinh hoạt ở bãi rác Tân Long (Hậu Giang), ba tuần nữa bãi rác này phải đóng cửa, ông Dược cho biết hiện UBND TP cho phép đầu tư mua ba lò (công suất 30 tấn/lò/ngày) xử lý rác cho các quận huyện trung tâm, các quận huyện khác như Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ phải tự xử lý.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho rằng “TP Cần Thơ chưa xử lý xong mà đóng cửa bãi rác Tân Long là không thể được”, Sở Xây dựng cần tính toán cách khắc phục trong thời gian tới, không kéo dài. Với lượng rác toàn TP thải ra 520 tấn/ngày mà chỉ có ba lò đốt rác, ông Lợi quả quyết: “Trong vòng ba ngày thì Cần Thơ sẽ là TP... rất có mùi”.

Vấn đề ngập nước khiến người dân khổ sở cũng được đại biểu “xoay” ông Nguyễn Tấn Dược. Đại biểu Lê Văn Bảnh hỏi: “Đồng chí có giải pháp nào xử lý không?”. Theo ông Dược, hiện có nhiều dự án nghiên cứu chống ngập, UBND TP giao Sở NN&PTNT tập trung đầu mối nghiên cứu. Ông Dược cho rằng với điều kiện nền đất thấp thì không thể cầu toàn chống ngập 100% cho TP mà chỉ có thể dùng các phương án hạn chế ngập và chống ngập cục bộ.

C.QUỐC

* HĐND Tiền Giang:

Nông dân lún sâu vào khó khăn

Tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày 10-12, dù UBND tỉnh báo cáo kinh tế năm 2013 có xu hướng quý sau tăng hơn quý trước, nhưng lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp lại giảm mạnh. Năm nay, lĩnh vực này chỉ tăng 4,6% và là năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Đời sống của nông dân tiếp tục lún sâu vào khó khăn.

Năm 2013, nông dân tỉnh Tiền Giang liên tục đối diện với hàng loạt khó khăn như mưa lũ kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, các loại sâu bệnh trên cây ăn trái cũng như dịch cúm gia cầm và dịch bệnh trên tôm gây thiệt hại nặng nề. Còn các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy sản tiêu thụ hàng hóa khó khăn, tồn kho và nợ đọng khiến giá giảm sâu, người nuôi thua lỗ. Trong khi đó, sản lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng với doanh nghiệp chỉ đạt 3-4% làm cho sản xuất và tiêu thụ bị động.

Phát biểu tại kỳ họp, đại diện Ủy ban MTTQ VN tỉnh Tiền Giang nói cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn và lo lắng trước thực trạng phát triển kinh tế chưa bền vững. Các tác động thiên tai, giá điện, giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và các mặt hàng thiết yếu cứ tăng hoài. Cử tri kiến nghị sớm có những giải pháp thật sự hiệu quả để khắc phục những yếu kém trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

V.TR.

Bình Định phải đầu tư mạnh cho nông nghiệp

Ngày 10-12, Chủ tịch Quốc hội Nguyến Sinh Hùng đến tham dự kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Bình Định. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị HĐND tỉnh Bình Định cần tiếp tục cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp, tiếp xúc cử tri, chất vấn, trả lời chất vấn và công tác giám sát. Trước đó, ông Nguyễn Sinh Hùng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng.

Qua nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bình Định vẫn còn là một tỉnh nông nghiệp, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn. Cùng với việc đầu tư phát triển công nghiệp, tỉnh Bình Định cần đặc biệt chú trọng tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư khoa học công nghệ, nguồn nhân lực vào phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, kinh tế biển và xây dựng nông thôn mới.

XUÂN NGUYÊN

* HĐND Thừa Thiên - Huế:

Ngành du lịch phát triển chậm chạp

HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khai mạc kỳ họp thứ 7 sáng 10-12. Báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Cao - chủ tịch UBND tỉnh - cho biết tăng trưởng GDP năm 2013 ước đạt 7,89%, thu ngân sách đạt 4.609 tỉ đồng. Ngành dịch vụ - du lịch tăng trưởng đạt 10,79%, doanh thu du lịch hơn 1.408 tỉ đồng. Các chỉ tiêu này đều chưa đạt kế hoạch.

Theo thẩm tra của HĐND tỉnh, du lịch được xem là lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh nhưng chưa có bước đột phá, lượng khách và doanh thu của các cơ sở lưu trú năm 2013 tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình chung của cả nước. Du lịch vẫn chủ yếu dựa vào khai thác di tích Huế, thiếu cơ sở du lịch chất lượng cao, dẫn đến thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch vẫn thấp. Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng UBND tỉnh phải làm rõ tại sao tỉnh có một tiềm năng du lịch to lớn nhưng ngành du lịch vẫn không cất cánh, không thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn như quyết tâm và mong đợi. Năm 2013 được xác định là “Năm đô thị”, cả tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, tuy nhiên hầu hết các dự án trọng điểm (như dự án chỉnh trang mở rộng đường Điện Biên Phủ và Đống Đa, dự án xử lý nước thải TP Huế) đều chậm tiến độ.

N.LINH

* HĐND Quảng Bình:

Đề nghị xem lại việc cấp phép khai thác đá

Tại phiên họp thảo luận của HĐND tỉnh Quảng Bình, đại biểu Cao Văn Định đề nghị tỉnh nên có một hội thảo khoa học về cây cao su ở Quảng Bình, nhằm giúp nông dân phát triển đúng và phù hợp loại cây này trên địa bàn tỉnh, tránh thiệt hại lớn do bão. Theo đại biểu Trần Hoàng Giang - chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Quảng Bình, nông dân cho hay ở tỉnh hiện nay không có loại cây trồng nào thu lợi lớn như cây cao su.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Từ Hồng Sơn - giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình - bức xúc khi nói về việc tỉnh quy hoạch và cấp phép khai thác đá ở huyện Quảng Trạch, hiện có 11 doanh nghiệp xin khai thác và tỉnh cấp giấy phép cho chín doanh nghiệp. “Mới có năm doanh nghiệp đang khai thác mà tiếng mìn nổ đùng đoàng cả ngày khiến người dân không chịu nổi. Chưa kể là hiện tại đây (xã Quảng Đông) đang có phần mộ, là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người dân khắp nơi về viếng Đại tướng. Tỉnh nên xem lại việc cấp phép khai thác đá và nổ mìn khai thác đá ở đây”.

Ông Lương Ngọc Bính, chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết những vấn đề liên quan đến việc trồng cao su là hết sức cần thiết, UBND tỉnh và các ngành liên quan phải có kế hoạch mở hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia. Riêng vấn đề khai thác đá ở xã Quảng Đông, phải xem lại quy hoạch và việc cấp phép khai thác đá, nhất là khu vực gần với nơi an táng Đại tướng, nếu thấy cần thì phải dừng cấp phép và ngừng khai thác.

L.GIANG

Lúng túng việc di dời dân cho dự án hầm đèo Cả

Người dân không thể dời nhà ngay lúc đón tết cổ truyền, trong khi đến cuối tháng 12-2013 chính quyền phải bàn giao mặt bằng thi công hầm đường bộ đèo Cả cho nhà đầu tư - đây đang là nỗi lo “nóng bỏng” tại kỳ họp HĐND của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Tài, chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên), khẳng định trong tháng 12 chưa thể di dời tám hộ dân ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam bị ảnh hưởng bởi gói thầu xây dựng đường nối từ quốc lộ 1 đến cửa hầm phía bắc thuộc dự án hầm đường bộ đèo Cả. Lý do ông

Tài đưa ra là những hộ dân này cần có ít nhất hai tháng làm nhà ở nơi mới, trong khi Tết Giáp Ngọ 2014 đang đến gần, một số hạng mục trong khu tái định cư lại chưa xong. “Bây giờ mà ép họ dỡ bỏ nhà nơi ở cũ để bàn giao mặt bằng, trong khi nhà nơi ở mới chưa xây xong thì họ sống như thế nào?” - ông Tài nói.

Trong khi đó, ông Trần Kim Bảo - phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) - cho biết đang “chạy bay tóc” để giải phóng mặt bằng dự án. Tỉnh yêu cầu huyện đến ngày 25-12 phải bàn giao mặt bằng một số khu vực để đơn vị thi công triển khai dự án. Theo ông Bảo, kể từ khi triển khai dự án hầm đường bộ đèo Cả, chủ đầu tư và UBND huyện Vạn Ninh chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, thiếu quyết liệt trong công tác đền bù, giải tỏa.

“Bây giờ số hộ dân phải di dời quá lớn, riêng các khu vực làm đường công vụ phải dời 465 hộ dân, trong khi khu tái định cư mới bắt đầu san mặt bằng, kế hoạch là phải đầu năm 2015 mới xong. Theo quy định, nếu chưa có khu tái định cư thì phải hỗ trợ để dân bị giải tỏa đi thuê nhà ở, nhưng với hàng trăm hộ giải tỏa thì biết thuê nhà ở đâu bây giờ, kinh phí để hỗ trợ lấy đâu?” - ông Bảo giãi bày.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng cho biết việc phải thực hiện giải phóng mặt bằng để giao cho chủ đầu tư ngay trong tháng 12-2013 là không dễ dàng. “Dân còn nhiều khiếu nại về giá cả đền bù, tỉnh tiếp tục xem xét để tháo gỡ dần. Nhưng khiếu nại thì khiếu nại, còn trước mắt bà con phải bàn giao mặt bằng để dự án triển khai đúng tiến độ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt rồi” - ông Thắng cho hay.

Còn tại Phú Yên, ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết vừa có công văn yêu cầu UBND huyện Đông Hòa phải di dời những hộ dân nằm trong phạm vi nút giao đầu tuyến (giáp quốc lộ 1) và đoạn tuyến thuộc đường dẫn phía bắc dự án hầm đường bộ đèo Cả, đồng thời bàn giao mặt bằng một đoạn tuyến cho nhà đầu tư trong tháng 12 này. Ngoài ra, huyện cũng phải có biện pháp ngăn ngừa tình trạng tái lấn chiếm đối với những khu vực đã bàn giao cho chủ đầu tư dự án.

DUY THANH - KIM THỦY

* HĐND Thanh Hóa:

“Nóng” chuyện chôn lấp hóa chất độc hại

Sáng 10-12, kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVI khai mạc. Hai vấn đề “nóng” được các đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh quan tâm, bức xúc mà “tư lệnh” ngành chức năng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này là nông dân bỏ ruộng và vụ chôn lấp hóa chất độc hại.

Trong ngày họp đầu tiên, đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền trình bày. Báo cáo nêu rõ: bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ năm 2013 còn hạn chế. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều yếu kém; một số ngành, địa phương buông lỏng quản lý, làm phát sinh tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội, nhất là ở các lĩnh vực bảo vệ môi trường, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Sở NN&PTNT để nhiều địa phương đưa giống lúa BC 15 vào gieo cấy không đúng cơ cấu, gây thất thiệt cho nông dân. Sở Tài nguyên - môi trường để xảy ra vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ở Công ty CP Nicotex Thanh Thái trong nhiều năm, nhưng không được phát hiện, xử lý. Sở Y tế để xảy ra các vụ tử vong ở một số bệnh viện...

Theo chương trình của kỳ họp này, ngày 12-12 lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường sẽ trả lời chất vấn, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục việc Công ty CP Nicotex Thanh Thái chôn lấp hóa chất độc hại với số lượng lớn, kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nhưng chậm được phát hiện, xử lý. Lãnh đạo Sở NN&PTNT sẽ trả lời chất vấn nội dung đang được cử tri quan tâm, đó là nông dân ở một số địa phương bỏ ruộng không sản xuất, giá vật tư nông nghiệp cao, tình trạng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, hàng giả trên thị trường, gây tổn hại đến kinh tế của nông dân.

Giám đốc Sở Y tế sẽ trả lời chất vấn về việc thời gian gần đây, dư luận trong tỉnh bất bình về một số cán bộ, nhân viên ngành y tế thiếu tinh thần trách nhiệm, y đức kém, để xảy ra các vụ tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (như vụ mẹ con sản phụ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa).

HÀ ĐỒNG

* HĐND Quảng Ninh:

Quan tâm đến vụ ngộ độc rượu

Ngày 10-12, phát biểu tại buổi khai mạc kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XII, ông Phạm Minh Chính - bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - nhắc đến vụ ngộ độc rượu làm sáu người tử vong và khẳng định hậu quả của vụ việc rất nghiêm trọng khiến dư luận người dân trong tỉnh bức xúc. Theo ông Chính, các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý linh hoạt ngay sau khi phát hiện nạn nhân tử vong do ngộ độc rượu.

Trao đổi bên lề buổi khai mạc, ông Ngô Đức - chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh - cũng nhận định vụ ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội là vụ việc vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức nghiêm trọng. Quảng Ninh đã có cuộc họp ba ngành công an, viện kiểm sát, tòa án để lên phương án điều tra, xử lý dứt điểm vụ việc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Diện - giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh - cho biết theo kế hoạch thì chưa có phần trả lời chất vấn liên quan đến vụ ngộ độc rượu. Tuy nhiên, ông Diện khẳng định “sẵn sàng trả lời nếu có đại biểu đặt câu hỏi chất vấn về vụ việc”.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Đức Long - chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - cho biết vì vụ ngộ độc mới xảy ra đầu tháng 12 nên trong kế hoạch kỳ họp không chất vấn trách nhiệm của cơ quan liên quan.

THÂN HOÀNG - GIANG LONG

MAI HƯƠNG - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp