Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thống kê đến thời điểm này, thành phố có 1.244 nhà chung cư. Trong đó, có 58 nhà chung cư được người dân phản ánh có xảy ra các tranh chấp giữa người sử dụng, ban quản trị với chủ đầu tư nhà chung cư.
Các tranh chấp chủ yếu là tranh chấp giữa ban quản trị, người sử dụng nhà với chủ đầu tư về phần diện tích sở hữu và sử dụng chung (đây là dạng tranh chấp xảy ra nhiều nhất).
Ngoài ra, còn có các tranh chấp khác như quản lý và sử dụng kinh phí vận hành, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư không đúng quy định, chất lượng công trình xây dựng, thu phí trông giữ xe, hợp đồng mua bán căn hộ, diện tích căn hộ, bảo hành nhà chung cư.
Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho rằng các tranh chấp về phí quản lý chung cư thì theo nguyên tắc người dân đóng tiền sẽ có quyền quyết định chọn đơn vị quản lý vận hành, quản lý chung cư; khi mua bán nhà chung cư thì trong hợp đồng mua bán phải nêu rõ tất cả các điều khoản thuộc quy chế này.
Nếu sau đó, chủ đầu tư không làm đúng theo quy chế đã cam kết thì người mua có quyền khởi kiện chủ đầu tư. Phó chủ tịch cũng đề nghị chấn chỉnh các trường hợp người dân trong các khu chung cư bị mua giá nước sinh hoạt quá cao.
Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín yêu cầu UBND các quận, huyện sớm lấy ý kiến góp ý trực tiếp từ những người dân sống tại các chung cư cho quy chế để Sở Xây dựng tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo quy chế. Dự kiến quy chế này sẽ được UBND TP.HCM ban hành triển khai thực hiện vào đầu tháng 01-2015.
Theo dự thảo, quy chế này sẽ không áp dụng đối với nhà ở được sử dụng làm ký túc xá sinh viên, nhà ở lưu trú công nhân, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư có từ 50% số căn hộ đã chuyển thành sở hữu tư nhân và nhà ở riêng lẻ nhiều hộ sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận