09/06/2021 09:08 GMT+7

TP.HCM sau 9 ngày giãn cách: Tăng tốc xét nghiệm mới an tâm

HOÀNG LỘC - THÙY DƯƠNG
HOÀNG LỘC - THÙY DƯƠNG

TTO - Khi ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục hưng có chiều hướng được kiểm soát, tình hình COVID-19 tại TP.HCM xuất hiện những diễn biến mới: nhiều ca trở nặng, tử vong, thêm ca mắc COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây...

TP.HCM sau 9 ngày giãn cách: Tăng tốc xét nghiệm mới an tâm - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người cư ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM làm việc ở bên ngoài địa bàn quận - Ảnh: NHẬT THỊNH

Trong bối cảnh thời gian giãn cách xã hội đang dần thu hẹp, liệu TP.HCM có thực sự "kiểm soát tích cực tình hình"?

Bệnh nhân tử vong từng xét nghiệm âm tính

Ngày 8-6, TP.HCM ghi nhận thêm một ca nhiễm COVID-19 tử vong trên đường chuyển qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cấp cứu. Bệnh nhân là nữ, sinh năm 1964, ngụ đường Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp. Ngành y tế TP.HCM đã dồn tổng lực để lấy 50.000 mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân ở quận Gò Vấp trong những ngày qua...

Bác sĩ Hồ Văn Hân - giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp - cho biết bệnh nhân được người nhà đưa đến và nhập viện tại khu vực cách ly cấp cứu của bệnh viện vào trưa 7-6. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, suy đa tạng; trên nền tăng huyết áp, tiểu đường.

Sau hội chẩn tuyến trên, bệnh nhân được đặt nội khí quản nhưng tình trạng bệnh nhân diễn biến ngày một nặng nên bệnh viện quyết định chuyển qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Thế nhưng bệnh nhân đã ngưng tim, tử vong trên đường chuyển viện. 

Kết quả xét nghiệm RT-PCR mẫu phẩm sau đó xác định bệnh nhân và người chồng đều dương tính với COVID-19. Quá trình khai thác bệnh sử xác định bệnh nhân khởi phát ho, sốt từ một tuần nay nhưng mua thuốc điều trị ở nhà.

Vấn đề đặt ra là liệu trước đó bệnh nhân này có được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 hay không? Trả lời Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - cho biết ngày 28-5 vợ chồng bệnh nhân này được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 đại trà và ngày 29-5 có kết quả xét nghiệm âm tính. 

"Có khả năng lúc lấy mẫu bệnh nhân đang trong giai đoạn ủ bệnh nên xét nghiệm chưa phát hiện nhiễm COVID-19" - bác sĩ Hòa đánh giá.

Lý giải thêm vấn đề này, TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm một ca bệnh. Cụ thể thời điểm lấy mẫu bệnh nhân đang trong giai đoạn ủ bệnh, lượng virus có trong cơ thể chưa đủ để phát hiện; người được lấy mẫu đang sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn đường hô hấp như súc, rửa họng hoặc tùy vào độ nhạy của từng loại xét nghiệm.

Ngoài ra theo bác sĩ Hùng, cũng không loại trừ yếu tố chủ quan trong khâu lấy mẫu phết họng, bảo quản, vận chuyển mẫu và kỹ thuật pha để chạy xét nghiệm... 

"Mục tiêu của việc sàng lọc này giúp phát hiện trong cùng một thời điểm cố định có bao nhiêu ca nghi ngờ F0 tách ra một bên để xử lý làm giảm tốc độ lây lan của dịch. Tuy vậy đây chưa phải là con số F0 cuối cùng, có thể sẽ còn một số F0 khác chưa được phát hiện và nếu đủ nguồn lực sẽ phải tiếp tục sàng lọc tiếp các lần khác để truy tìm triệt để" - bác sĩ Hùng phân tích.

TP.HCM sau 9 ngày giãn cách: Tăng tốc xét nghiệm mới an tâm - Ảnh 2.

Người dân hẻm 854 Thống Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM nhận lương thực trong thời gian cách ly (ảnh chụp tối 8-6) - Ảnh: NHẬT THỊNH

Lo ngại các ca F0 mất dấu

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ 18h ngày 7-6 đến 18h ngày 8-6, thành phố ghi nhận 39 trường hợp nhiễm COVID-19 mới đều đã được Bộ Y tế công bố. 

Trong 39 trường hợp này có 28 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 3 trường hợp còn lại cư trú tại quận 11, quận Bình Tân, quận Tân Phú... Điều đáng nói cả 3 trường hợp trên hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Còn theo Sở Y tế, đến nay TP còn 38 ca chưa ghi nhận nguồn lây đang được tiếp tục điều tra dịch tễ. Trong đó có 8 ca được phát hiện nhiễm COVID-19 qua xét nghiệm tầm soát diện rộng ngoài cộng đồng, 30 ca được phát hiện ở các bệnh viện khi đi khám và xét nghiệm tầm soát.

Khẳng định "có những ca chưa rõ nguồn gốc trong cộng đồng", tuy nhiên Sở Y tế TP.HCM cho rằng trong giai đoạn giãn cách xã hội nên "nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1, 2 thành viên trong gia đình". 

"Nguồn gốc các ca bệnh này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ. Hiện nay dịch bệnh vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại một số tỉnh thành, người dân có thể có tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi qua các địa điểm có ổ dịch trong cả nước".

Tuy nhiên, một chuyên gia dịch tễ ở TP.HCM cho rằng nếu nhìn vào chu kỳ dịch COVID-19 tại thành phố sẽ thấy một điều là mức độ lây truyền đã kéo dài qua nhiều chu kỳ, xâm nhập sâu trong cộng đồng. Điển hình đã phát hiện bệnh nhân của chu kỳ lây nhiễm thứ 5. 

Bên cạnh các ca bệnh xác định được nguồn lây, TP.HCM cũng đang đồng thời xuất hiện nhiều ca nhiễm mất dấu (chưa rõ nguồn gốc).

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên:

TP.HCM cơ bản kiểm soát dịch trong cộng đồng

Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong buổi thăm động viên các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại đây, Bí thư Thành ủy đã thăm hỏi tình hình sức khỏe của bệnh nhân P.C.Đ., trung tá công an ở quận Tân Phú, nhiễm COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện với diễn tiến nặng vào chiều 8-6. Trước đó cùng ngày bệnh nhân P.C.Đ. được đặt ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) và chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM qua Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y tế ở tuyến đầu phòng chống dịch, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông chia sẻ, sau hơn một tuần thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội đến thời điểm này TP.HCM cơ bản đang kiểm soát được sự lây lan dịch trong cộng đồng.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều đáng lo, đó là số người bị cách ly tại TP.HCM tăng rất nhiều so với các đợt dịch trước; những ca bệnh nặng cũng nhiều hơn trước và diễn biến nhanh hơn, cho thấy tính chất của dịch bệnh ngày càng nguy hiểm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM tin tưởng với những kinh nghiệm, điều kiện tốt về phương tiện kỹ thuật, nhân lực và đặc biệt đã từng cứu chữa được các bệnh nhân COVID-19 rất nặng, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ làm tốt công tác điều trị cho chiến sĩ công an nhiễm COVID-19 (bệnh nhân P.C.Đ.) vượt qua được cơn hiểm nghèo.

TS.BS Phan Thị Xuân - trưởng khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cho biết bệnh nhân P.C.Đ. nhiễm COVID-19 tính đến nay là ngày thứ 7. Khi bệnh viện tiếp nhận điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn lệ thuộc vào máy thở và ECMO.

"Hiện tại bệnh nhân đang được hỗ trợ cả về tuần hoàn, về hô hấp và thận. Chúng tôi đang tập trung hết sức để cứu chữa bệnh nhân này" - bác sĩ Xuân nói.

TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - hứa sẽ tiếp tục hợp tác, phối hợp ở mức cao nhất với Sở Y tế TP.HCM để chăm lo sức khỏe cho người dân thành phố, đồng thời tập trung toàn lực để cứu chữa cho chiến sĩ công an nhiễm COVID-19.

HOÀNG LỘC

TP.HCM sau 9 ngày giãn cách: Tăng tốc xét nghiệm mới an tâm - Ảnh 4.

Người dân phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vì sao không mở rộng xét nghiệm?

Điều này chuyên gia đánh giá là "đáng lo ngại" và cần phải mở rộng xét nghiệm với nhiều hình thức xét nghiệm khác nhau (RT-PCR, test nhanh) để đuổi kịp tốc độ lây lan của virus.

"Khi có một ca nhiễm mất dấu ngoài cộng đồng, đồng nghĩa với việc ở những chỗ khác cũng có thể đang có, nếu càng chậm trễ khả năng nhân dịch lan rộng trong cộng đồng càng lớn. Do đó ngoài việc tập trung lấy mẫu xét nghiệm ở khu vực cách ly, phong tỏa, nơi có nguy cơ cao nên cần mở rộng phạm vi lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở các khu vực khác để đuổi kịp virus", chuyên gia này nói.

Và muốn đuổi kịp virus xâm nhập trong cộng đồng, chuyên gia này khẳng định cần phải bổ sung thêm hình thức test nhanh (trước đây TP.HCM từng triển khai) song song xét nghiệm RT-PCR đang triển khai.

"Mục tiêu test nhanh để tìm cho ra nhiều nhất các ca dương tính sớm. Từ đó có giải pháp cách ly ngay và truy nhanh ra các chuỗi bệnh đang tồn tại âm thầm trong cộng đồng để kịp thời ngăn chặn nguồn lây", chuyên gia này nói.

Đề cập việc sử dụng test nhanh để sớm tìm ra các ca bệnh COVID-19, một số bệnh viện cho biết đã có sử dụng nhưng độ chính xác chưa cao nên việc sử dụng chưa rộng rãi. Về ý kiến cho rằng vì sao không xét nghiệm toàn bộ cho người dân ở Q.Gò Vấp để truy tìm các ca F0 nhằm cô lập xử lý, triệt nguồn lây, một chuyên gia phòng chống dịch cho rằng hiện nay số người dân nhiễm COVID-19 trên dân số ở Q.Gò Vấp chưa cao.

Chính vì vậy, việc xét nghiệm cần phải đúng cách, đúng người, đúng nơi, đúng thời điểm và cần phải phối hợp với dịch tễ và lâm sàng. Nếu không đúng thời điểm xét nghiệm vẫn ra kết quả âm tính nhưng chỉ cần ngày hôm sau sẽ ra kết quả dương tính.

Hiện nay TP vẫn đang mở rộng xét nghiệm với những nơi cần xét nghiệm. Cụ thể có những ca có kết quả dương tính ở một chung cư, TP vẫn lấy xét nghiệm cho hàng ngàn người dân ở xung quanh.

Còn 6 ngày để dập dịch

Theo Sở Y tế TP.HCM, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, sau 9 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện mỗi ngày đang có dấu hiệu giảm dần, còn khoảng 20 - 25 ca trong cộng đồng (trước đó 30 - 40 ca/ngày). Các ca bệnh mới đa số phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Điều này cho thấy "các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế".

Đơn vị này cũng cho rằng qua so sánh diễn biến đợt dịch lần này (từ 27-4 đến nay) với đợt dịch diễn ra giai đoạn 28-1 tại Việt Nam, có thể nhận định đợt dịch này đang có xu hướng vào đỉnh dịch, có thể duy trì vài tuần lễ trước khi suy giảm và kết thúc.

Để từng bước khống chế dịch, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết ngành y tế đã huy động sự tham gia của nhiều bệnh viện để đáp ứng nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố.

Sở Y tế TP.HCM đã huy động hơn 3.000 nhân viên y tế là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của 48 bệnh viện công lập và hơn 500 sinh viên của Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch tham gia lấy mẫu xét nghiệm.

Ngoài ra, từ ngày 26-5 đến nay các đơn vị thực hiện xét nghiệm RT-PCR của thành phố đã thực hiện 443.081 mẫu xét nghiệm, kịp thời trả kết quả đáp ứng nhu cầu sàng lọc, truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

"Nếu so sánh với thời điểm trước đây thì đội ngũ làm xét nghiệm đang đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ chưa từng có khi phải thực hiện liên tục hàng trăm, hàng nghìn mẫu phết mũi họng. Các bác sĩ, kỹ thuật viên phải làm việc liên tục, suốt đêm, máy xét nghiệm chạy liên tục để kịp thời trả kết quả phục vụ công tác phòng chống dịch" - ông Thượng nói.

Còn ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đơn vị sẽ thành lập 6 đội phản ứng nhanh (mỗi đội phụ trách 4 quận, huyện) nhằm tăng cường cho các trung tâm y tế quận, huyện truy vết nhanh các trường hợp F1 làm việc ở các địa phương khác, cao ốc văn phòng, công ty, xí nghiệp... nhưng về trú tại địa phương.

Đặc biệt ông chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh rà soát, cách ly tập trung toàn bộ F1 tại các khu cách ly tập trung của quận, huyện để lấy mẫu xét nghiệm.

"Truy vết nhanh chóng và lấy mẫu xét nghiệm" là giải pháp được ông Bỉnh đề nghị các quận, huyện cùng phối hợp với HCDC thực hiện quyết liệt trong thời gian tới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. "Chủ động lấy mẫu sớm, truy vết nhanh nhóm F2, kể cả F3 có liên quan gần hoặc cùng gia đình để cắt đứt nguồn lây" - ông Bỉnh đề nghị.

TP.HCM: Một bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện, kết quả xét nghiệm mắc COVID-19 TP.HCM: Một bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện, kết quả xét nghiệm mắc COVID-19

TTO - Một nữ bệnh nhân vào Bệnh viện quận Gò Vấp điều trị nhưng diễn biến trở nặng và được chuyển qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tuy nhiên trên đường đi thì tử vong.

HOÀNG LỘC - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp