Một chiếc xe cấp cứu bất lực kêu vang giữa dòng xe kẹt cứng trên đường Nguyễn Văn Linh hôm 22-1 - Ảnh: HỮU KHOA |
Tại cuộc họp, UBND TP.HCM đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù nhằm tạo thế chủ động trong việc thực hiện các giải pháp chống kẹt xe đang diễn ra trầm trọng.
Hàng loạt giải pháp như phải hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí ôtô vào trung tâm, kiểm soát không gian đô thị, không để nhà cao tầng phát triển quá mức mà hạ tầng giao thông không theo kịp... cũng được nhiều đại biểu đề nghị cần phải thực hiện quyết liệt hơn.
Các công trình cấp bách
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết trong năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng các công trình giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giảm ùn tắc khu vực cảng Cát Lái và 48 công trình khác ở khu vực trung tâm.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ di dời bến xe Miền Đông, Miền Tây; nghiên cứu vấn đề lệch ca, lệch giờ cũng như kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng các cao ốc...
Để triển khai nhanh các giải pháp chống kẹt xe, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế đặc thù đối với một số công trình cấp bách, cho phép được chỉ định thầu. Đối với dự án hợp tác công tư (PPP) cho phép được quyền quyết định nhà đầu tư đối với 23 dự án.
TP.HCM cũng đề xuất Thủ tướng một số cơ chế về phụ thu, thu phí. “Phụ thu gì, thu phí ra sao đối với dự án nào TP sẽ báo cáo chi tiết” - ông Khoa đề xuất để tạo thêm nguồn lực cho TP.HCM phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời kiến nghị cho TP.HCM giữ lại 100% chi phí xử phạt (khoảng 300 tỉ đồng/năm) nhằm phục vụ trang thiết bị cho các đơn vị phục vụ tuần tra, xử lý.
TP.HCM còn kiến nghị được điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Thủ tướng về bổ sung cầu thay thế phà Cát Lái (nối quận 2 với tỉnh Đồng Nai) và đường song hành quốc lộ 50, nhằm tạo điều kiện để TP.HCM chủ động triển khai các bước tiếp theo. Sớm xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ Bình Triệu về ga Sài Gòn nhằm giải tỏa 17 điểm giao cắt có nguy cơ dẫn đến kẹt xe.
Sớm đưa các tuyến metro vào hoạt động
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng TP.HCM là cửa ngõ cả vùng phía Nam, vì vậy nếu không sớm đưa vào sử dụng các tuyến đường vành đai thì tình trạng kẹt xe vẫn còn xảy ra ở các khu vực cửa ngõ.
Riêng trong nội ô, ông Nghĩa cho rằng cần phải sớm đưa 8 tuyến metro vào hoạt động vì đây là giải pháp lâu dài cho vấn đề kẹt xe nội thị.
Về việc quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nghĩa cho biết Bộ Quốc phòng đã giao đất để triển khai các dự án. Đề cập đến việc sân golf chiếm diện tích tới 157ha trong sân bay, đại diện Bộ Quốc phòng không nói cụ thể, mà cho biết đang làm việc với các bộ ngành liên quan về vấn đề này.
Về nguồn vốn cho các dự án chống kẹt xe, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng kiến nghị trung ương áp dụng nguồn vốn cho TP.HCM như áp dụng cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện dự án quốc lộ 1.
“Các dự án nào sai cứ thanh tra, kiểm tra, còn dự án khác cứ ưu tiên thực hiện, chứ không để quá trình thanh tra, kiểm tra các dự án sai phạm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án khác vì các dự án chống kẹt xe phải được triển khai nhanh, gấp” - ông Thăng nói.
Đồng tình với các kiến nghị của TP.HCM, song Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý các đô thị cân nhắc việc xây dựng các cầu vượt trong nội ô, vì theo ông là làm phá nát cảnh quan đô thị.
“Mô hình cầu vượt chỉ nên làm ở ngoại thành và không gian rộng, thoáng đãng. Quy hoạch căn bản, lâu dài thì phải làm hầm chui” - Phó thủ tướng nhấn mạnh. Riêng đối với kiến nghị được chỉ định thầu, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Luật đấu thầu không cho phép, muốn thay đổi vấn đề này phải sửa luật.
Phải trả lời trong 21 ngày
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về giải pháp chống ùn tắc giao thông tại TP.HCM - Ảnh: TTXVN |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình trạng kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất đang ngày càng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển cũng như môi trường đầu tư của TP.HCM.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế tăng cường các chuyến bay đêm tại sân bay. Để giải quyết chuyện không đủ nơi để máy bay hạ cánh, Thủ tướng đề nghị xây dựng thêm bãi đáp trong thời gian chờ có sân bay Long Thành.
“Tới đây, các bộ ngành phải xem xét giải quyết nhanh các vấn đề TP.HCM đề xuất, trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho TP.HCM giải quyết tốt các công việc của TP.HCM, trong đó có vấn đề về giao thông, chống ùn tắc” - Thủ tướng chỉ đạo.
Cụ thể trong vòng 21 ngày làm việc, các bộ, ngành phải có ý kiến trả lời những vấn đề mà TP.HCM đang vướng mắc, kiến nghị.
“Không thể để TP.HCM phải chạy ra chạy vào xin ý kiến. Không thể tiếp tục tình trạng chậm trễ như thời gian qua nữa” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Theo Thủ tướng, các thủ tục hành chính cần được tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho địa phương, cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án.
“Anh nào làm không xong thì kiểm tra, xử lý chứ không thể để chậm trễ, làm khó người ta mãi” - Thủ tướng yêu cầu.
Đẩy nhanh hình thành các đô thị vệ tinh Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước mắt TP.HCM vẫn phải duy trì, tổ chức tốt lực lượng trực chiến trên hiện trường để điều tiết giao thông, giảm ùn tắc. Về lâu dài, cần đẩy nhanh việc hình thành các đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận