Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phát triển nghành du lịch TP.HCM, sáng 8-3 - Ảnh: TỰ TRUNG |
Đây là điểm rất đặc biệt mà ngay trong phát biểu khai mạc hội nghị sáng 8-3, ông Tất Thành Cang - Phó bí thư Thường trực Thành ủy nói: “Đây là phương pháp triển khai nghị quyết Đảng mới mà Thành ủy thực hiện. Chúng tôi mời doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, mời cả các phòng kinh tế quận huyện đến để nghe và triển khai nghị quyết nhanh nhất đến cơ sở”.
Hội nghị do Thành ủy tổ chức nhằm triển khai nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và chỉ thị số 07-CT/TU ngày 16-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2020.
“Nghị quyết Đảng đâu chỉ dành cho Đảng viên”
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã dành nhiều thời gian trao đổi về phương thức triển khai nghị quyết Đảng rất mới mẻ này. Ông nói: “Đây là cách triển khai nghị quyết ngắn nhất, nhanh đi vào cuộc sống nhất”
Theo ông Thăng, nghị quyết Đảng không chỉ là đảng viên học, người Việt Nam học mà các doanh nghiệp, người nước ngoài cũng học bởi nghị quyết Đảng về du lịch chính là sự soi đường, là chỉ ra làm thế nào để phát triển du lịch. Và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài chính là nơi hiện thực hóa những đường hướng nêu trong nghị quyết”
“Chính vì thế hôm nay hoan nghênh nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài đến dự” - Ông Đinh La Thăng nói trong sự vỗ tay tán thưởng của hội nghị.
Tại hội nghị, ông Scott Hodgetts - Tổng giám đốc Sheraton Saigon Hotel & Tower đã thay mặt các doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại TP.HCM phát biểu góp ý cho sự phát triển ngành du lịch TP.HCM.
Ông Scott Hodgetts cho rằng thị trường du lịch TP.HCM còn nhiều mới mẻ và “kích thích hội nhập”, nhiều tiềm năng phát triển, nhiều cơ hội quảng bá với khách quốc tế. Nhân lực và hạ tầng của TP.HCM theo ông Scott Hodgetts cũng có những bước phát triển vượt bậc để phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, rất thẳng thắn, ông Scott Hodgetts cũng phàn nàn với lãnh đạo TP về những rào cản với du lịch. Trong đó, quy trình xin visa và thông quan nhập khẩu hàng hóa tổ chức sự kiện khi vào Việt Nam là điều ngán ngại nhất.
“Có lẽ chúng ta nên cân nhắc việc này. Như vậy sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi khi thuyết phục khách hàng chọn TP.HCM - Việt Nam thay vì một nước khác” - Ông Scott Hodgetts nói.
Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon cũng đề nghị lãnh đạo TP cần có những giải pháp tốt để khai thác các dịch vụ giải trí sau 0 giờ. Ông cũng không ngại ngần cho biết, trong năm 2016 khách sạn Sheraton tiếp đến 13 đoàn thanh tra, kiểm tra.
“Như vậy là mỗi tháng có một cuộc thanh tra. Chúng tôi mong rằng quy trình thống nhất hơn, các yêu cầu về hồ sơ cũng thống nhất hơn. Để chúng tôi đón tiếp các đoàn thanh tra này diễn ra nhanh gọn và hiệu quả nhất” - Ông Scott Hodgetts đề nghị.
Phó bí thư thành ủy Tất Thành Cang tại hội nghị sáng 8-3 - Ảnh: TỰ TRUNG |
Thừa thế mạnh nhưng thiếu điểm nhấn
“Mũi nhọn du lịch của TP.HCM là gì?” - Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Viettravel đặt câu hỏi.
Ông Kỳ cho biết trong 10 điểm đến đông khách nhất Đông Nam Á năm 2016 thì TP.HCM không có tên, trong khi Thái Lan có 3 thành phố.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT công ty Du ngoạn Việt cũng băn khoăn: “Về du lịch biển, Nha Trang, Phú Quốc đang cạnh tranh trong nước, còn trong khu vực là Singapore, Thái, Đài Loan, họ thu hút tàu biển đi về họ. TP.HCM chưa cạnh tranh được”
Theo ông, TP.HCM hiện không có điểm nhấn. Chợ Bến Thành, dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà cũng bình thường, không phải là điểm nhất định phải đến trong đời.
“Khách du lịch quốc tế nói TP.HCM đang mất đi sự cổ điển, giờ là “mega city” - siêu đô thị. Họ cảnh tỉnh mình như vậy - Ông Phan Xuân Anh nói.
Du khách nước ngoài tham quan bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG |
Thay mặt lãnh đạo UBND TP, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn: “Điểm yếu của TP.HCM là thiếu chiến lược phát triển du lịch. Bàn nhiều nhưng sản phẩm chưa có”. Ông Tuyến cho rằng việc xác định tài nguyên du lịch của TP hiện mới đang làm.
Ông Trần Vĩnh Tuyến hứa với các doanh nghiệp du lịch và lãnh đạo của TP là những điểm yếu trên sẽ được nhìn nhận thẳng thắn và đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó quan trọng là khi thực hiện các biện pháp phải minh bạch, có sự kết nối và có một đầu mối thống nhất.
“Còn nếu mỗi nơi làm chỉ nghĩ riêng về ngành mình, nghĩ cho mình thì ngành du lịch sẽ còn mãi yếu kém” - Ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận