20/06/2021 08:28 GMT+7

TP.HCM mạnh tay tăng cấp độ giãn cách

T.LONG - TH.LÊ - T.MAI -  L.PHAN - C.TUẤN - C.NƯƠNG
T.LONG - TH.LÊ - T.MAI - L.PHAN - C.TUẤN - C.NƯƠNG

TTO - Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường, TP.HCM phải siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp trong chỉ thị 15 và 16 để phòng chống dịch.

TP.HCM mạnh tay tăng cấp độ giãn cách - Ảnh 1.

Chợ tự phát sẽ ngừng hoạt động để bảo đảm giãn cách chống dịch. Trong ảnh: một chợ tự phát ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trong buổi họp về COVID-19 ngày 19-6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng toàn TP đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, ông thống nhất với các đề xuất triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Dừng chợ tự phát, xe buýt...

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định TP sẽ áp dụng những biện pháp phù hợp với tình hình, không áp dụng chỉ thị 15, 16 một cách cứng nhắc, mà ban hành chỉ thị riêng của TP về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM. 

Trong đó, tạm dừng các loại hình kinh doanh, dịch vụ không cần thiết, cấm mọi hoạt động của chợ tự phát. Riêng đối với chợ truyền thống, giao Sở Công thương hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định 5K của ngành y tế. Dừng toàn bộ hoạt động của taxi, taxi công nghệ, xe liên tỉnh và tất cả các tuyến xe buýt.

Người dân không tụ tập trên 3 người (quy định trước đây là 5 người) ở nơi công cộng, công sở, phạm vi bệnh viện, trường học và yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu là 1,5m (quy định trước đó là 2m). Yêu cầu người dân ở nhà chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết, đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng xí nghiệp và các trường hợp đặc biệt khác do sở y tế hướng dẫn.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy, phân xưởng hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau tối thiểu 1,5m, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch gửi UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức nơi nhà máy, phân xưởng đó đặt trụ sở. 

Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở của mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.

Các cơ sở, đơn vị nhà nước đảm bảo đúng quy định về giãn cách trong quy trình làm việc, các công ty, tập đoàn bao gồm các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thực sự cần thiết, tuyệt đối thực hiện quy định 5K.

Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp phải tổ chức hội họp các sự kiện này không được tập trung quá 10 người trong 1 phòng và ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K.

Bình Tân, Hóc Môn: người dân chờ phong tỏa

Chiều 19-6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đưa ra một số giải pháp tăng cường bổ sung một số quy định về giãn cách. Trong đó, thiết lập phong tỏa khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn). Đây là hai nơi được đánh giá là dịch đang nguy hiểm, phải phong tỏa. 

Ghi nhận tại các địa phương này, việc chống dịch đang diễn ra hết sức nghiêm ngặt. Người dân địa phương cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc phong tỏa, đồng hành cùng TP chống dịch.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Phi (63 tuổi, sinh sống tại khu phố 2, phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết: "Những ngày qua diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, cách nhà tôi 50m cũng bị phong tỏa. Nhìn ở đâu cũng thấy dịch "ớn quá". Việc kiểm soát chặt việc đi lại của người dân tại quận Bình Tân lúc này là cần thiết, đặc biệt tại những nơi trọng điểm. Chỉ cần Nhà nước quyết định, chúng tôi sẵn sàng chấp hành ngay. 

Gia đình tôi đã mua thêm thức ăn chuẩn bị cho vài ngày tới để hạn chế đi lại. Khi nào cần sẽ mua thêm. Tôi thấy đáng lo nhất là những người nghèo, có kinh tế không ổn định, mong Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cho họ các nhu yếu phẩm cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 19-6, ông Tô Hoàng Giang - chủ tịch UBND phường An Lạc - cho biết hiện tại quan trọng nhất là việc tuyên truyền đến người dân khu vực về việc sẽ phong tỏa khu phố 2, 3, 4 ngay trong đêm. Đồng thời sẽ tổ chức gấp rút việc lấy mẫu tầm soát của 25.000 người tại khu phố 2 và 3. 

Đối với các cửa hàng tiện ích trong khu vực, phường sẽ cho tiếp tục hoạt động để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đồng thời phường sẽ vận động các tình nguyện viên đến các chốt phong tỏa hỗ trợ người dân trong việc giao đồ ăn, thực phẩm và phải đảm bảo các quy định chống dịch.

Còn tại huyện Hóc Môn, ông Trần Văn Khuyên - bí thư Huyện ủy - cho biết việc chống dịch, phong tỏa đã được thực hiện nhiều ngày nay. Hiện tại các phương án về lương thực, nhu yếu phẩm đều đã được triển khai để đảm bảo cuộc sống người dân. Huyện đã thông báo cho người dân để người dân nắm thông tin về việc thiết lập phong tỏa. Sau 0h ngày 20-6, việc này sẽ được triển khai nghiêm ngặt.

TP.HCM mạnh tay tăng cấp độ giãn cách - Ảnh 2.

Xe buýt sẽ tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng để bảo đảm an toàn chống dịch - Ảnh: T.T.D.

Chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn

Phát biểu tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng biện pháp phòng chống dịch căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc xin, nhưng để vắc xin hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng thời có biện pháp kiểm soát, giảm bớt dòng người đến TP.HCM và nâng cao mức giãn cách xã hội tại TP. 

Những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.

Yêu cầu tạo nề nếp, kỷ cương trong quá trình thực hiện phòng chống dịch bệnh để quyết tâm một tuần tới, TP có thể khống chế được dịch bệnh. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, đến tận từng người dân để người dân hiểu, đồng thuận và chia sẻ cùng TP. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình:

Làm mọi việc để người dân không hoang mang

TP.HCM cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra. Trong đó, siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các biện pháp đang triển khai. TP cần công bố cho người dân biết và nắm bắt rõ các thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, giao thông đi lại... để chủ động trong sinh hoạt, làm việc, tránh việc người dân hoang mang, lo lắng và tích trữ không cần thiết.

Tiêm 836.000 liều vắc xin trong 5 ngày

Theo Sở Y tế TP.HCM, TP sẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 dự kiến hoàn thành tiêm 836.000 liều vắc xin trong 5 ngày (bắt đầu từ hôm qua 19-6). Theo Sở Y tế TP.HCM, dù chiến dịch tiêm chủng chỉ diễn ra trong 5 ngày nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ...

THÙY DƯƠNG

TP.HCM chưa giãn cách theo chỉ thị 16, chỉ phong tỏa 6 khu phố TP.HCM chưa giãn cách theo chỉ thị 16, chỉ phong tỏa 6 khu phố

TTO - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM chưa quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 toàn TP.HCM, mà chỉ phong tỏa 6 khu phố thuộc quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

T.LONG - TH.LÊ - T.MAI - L.PHAN - C.TUẤN - C.NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp