Phóng to |
Đại biểu Truong Thị Ánh - Ảnh: Mai Hương |
Bên hành lang Quốc hội chiều 4-6, bà Trương Thị Ánh - đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch HĐND TP.HCM - trao đổi nhanh với PV Tuổi Trẻ về kiến nghị này.
* Xin bà cho biết lý do TP.HCM xin phép thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị?
- TP.HCM hiện nay đô thị hóa rất nhanh, áp lực về quản lý trong điều kiện nơi có dân số đông thì cơ chế quản lý như thế nào để đảm bảo thống nhất trong quản lý.
Điều đó đòi hỏi một cách quản lý khoa học hơn. Bất cập rõ nhất hiện nay là về tổ chức bộ máy, chưa có gì khác biệt về chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, cũng quy định có bao nhiêu phòng ban đó, bao nhiêu con người đó nhưng trong quản lý thì không phải như nhau.
Chẳng hạn như vấn đề đất đai, vấn đề quản lý xây dựng, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, nó hoàn toàn khác nhau hết mà ta cứ đầu tư y như nhau: chế độ bên này sao thì bên kia như vậy. Rõ ràng như vậy là không hợp lý.
Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển đòi hỏi hệ thống hạ tầng xã hội phải kết cấu liên hoàn, đồng bộ. Nhưng hiện tại việc phân chia địa giới hành chính gây bất cập trong đầu tư.
Ví dụ như đầu tư cho một tuyến đường liên thông từ quận này sang quận kia nhưng khi đầu tư thì chủ tịch quận nào chịu trách nhiệm phần quận đó, khiến cho đầu tư cắt khúc, không đảm bảo hiệu quả đầu tư và công việc đầu tư cũng bị gián đoạn.Cũng có thể quận này có nhu cầu làm đường nhưng quận khác lại bảo chưa có nhu cầu, rất khó.
* Nếu được cho phép, mô hình chính quyền đô thị sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề gì, thưa bà?
- Lãnh đạo TP đã nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị rất lâu, kể từ sau nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Văn kiện đại hội đã khẳng định yêu cầu về việc nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị. TP đã chủ động xây dựng đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Đề án đã được các cơ quan trung ương quan tâm, có nhiều ý kiến góp ý cụ thể và đã được chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn. Khi hoàn chỉnh và được cho phép thực hiện, TP.HCM sẽ công khai chính thức, cụ thể về đề án này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận