Theo đánh giá của các nhà chuyên môn và các sở ngành, việc ô nhiễm môi trường không khí tại TP.HCM có nhiều nguyên nhân: tác động của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình xây dựng, các làng nghề, sự chuyển vùng không khí, tiếng ồn…
Và tác nhân chính làm tăng ô nhiễm không khí là do các loại xe tham gia giao thông gây ra, nhất là xe gắn máy (trên 6,5 triệu xe có đăng ký tại thành phố), chưa tính đến lượng xe nhập cư và lưu thông ngang qua thành phố mỗi ngày.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, qua số liệu của trạm quan trắc Nhà Bè thì không khí của TP.HCM còn sạch, các chỉ số đo được trong không khí vẫn còn trong mức cho phép ổn định. Tuy nhiên, với sự tăng tốc phát triển ở TP.HCM như hiện nay, mật độ xe cộ ngày càng dày đặc, khí thải xe nhanh chóng tràn ngập làm ô nhiễm không khí.
Cũng theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, hàng năm vào tháng 10, 11, do gió yếu chất lượng khí thải ra không khí sẽ ngưng phát tán tạo thành sương mù (hạt li ti), gây ra hiện tượng sương mù gần đây đã xảy ra trong thành phố; nhưng khi gió mùa Nam Bộ mạnh lên sẽ phát tán, làm tan sương mù.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện thành phố có 15 trạm quan trắc theo dõi chất lượng môi trường không khí, trong số này có 9 trạm do thời gian sử dụng quá lâu (trên 10 năm) nên đã xuống cấp. Hiện TP.HCM đã triển khai 2 dự án đầu tư công, dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường (môi trường nước và không khí) và dự án quan trắc khí tượng, thủy văn ở TP.HCM.
Đồng thời xây dựng 16 trạm xử lý nước thải ở khu chế xuất, khu công nghiệp; chuyển đổi 1.800 xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel sang khí hóa lỏng; tháng 12-2015, TP.HCM sẽ bán xăng nhiên liệu sinh học E5 giúp giảm khí thải ra môi trường; cảnh sát giao thông TP.HCM đã kiểm tra 954 xe gắn máy không còn nguyên trạng sử dụng (xe mù, mờ) vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, chạy tốc độ cao gây mất an toàn giao thông…
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẩn trương thực hiện các dự án cấp bách về môi trường; xây dựng Trung tâm quan trắc khí tượng TP.HCM; Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiên cứu lộ trình giảm dần việc đăng ký xe gắn máy đến năm 2020, khi hệ thống Métro, xe buýt nhanh đi vào hoạt động; các sở có liên quan phối hợp Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, báo cáo thường xuyên cho lãnh đạo thành phố tình hình ô nhiễm môi trường không khí...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận