Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu chính thức vận hành chở khách và hàng hóa sáng 4-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều người vẫn kỳ vọng TP.HCM có thể phát huy lợi thế sông nước để phát triển vận tải, có thể chia lửa và hướng tới cạnh tranh với đường bộ trong tương lai không xa...
Rút ngắn thời gian
Đầu tháng 1-2021, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu chính thức đưa vào hoạt động bằng nguồn vốn xã hội hóa giúp hành khách rút ngắn được một quãng thời gian lớn so với đi đường bộ như trước nay, từ bến Tắc Suất (Cần Giờ) đến Vũng Tàu chỉ mất 30 phút.
Người dân ở các tỉnh Long An, Tiền Giang đi Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đi từ huyện Cần Giuộc (Long An) qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc (khoảng 30 phút), đi theo đường Lý Nhơn, đường Rừng Sác với cự ly 40km, thời gian hành trình khoảng 1 giờ đến bến Tắc Suất.
Như vậy, tổng thời gian hành trình từ huyện Cần Giuộc đến TP Vũng Tàu chỉ khoảng 2 giờ 30 phút (kể cả thời gian chờ phà). Trước đây, người dân và du khách từ Vũng Tàu đi đến Cần Giờ bằng ôtô phải mất hơn 3 giờ 30 phút, nhưng bây giờ chỉ tốn khoảng 30 phút đi ôtô qua phà biển để đến tham quan huyện Cần Giờ.
Theo ông Nguyễn Quốc Chánh - giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh, ban đầu tuyến phà này có lộ trình đi trên luồng hàng hải vào ban đêm. Tuy nhiên, theo Cảng vụ Hàng hải TP.HCM và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong khung giờ từ 18h đến 22h, lượng tàu biển đi lại nhiều dễ gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Vì vậy, trong thời gian đầu, đơn vị điều chỉnh giờ chạy phà từ 6h sáng đến 18h cập bến tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, chuyến cuối cùng sẽ xuất bến ở Cần Giờ từ khoảng 17h. "Về lâu dài, đơn vị sẽ theo dõi sát tình hình đi lại, an toàn giao thông, nhu cầu người dân để có báo cáo Sở GTVT TP và các đơn vị liên quan có những điều chỉnh cho phù hợp" - ông Chánh nói.
Ngoài tuyến phà trên, điểm nghẽn tuyến đường thủy cũng trên sông Sài Gòn vừa được khơi thông khi cầu Bình Lợi cũ được tháo dỡ, thay bằng cầu Bình Lợi mới. Từ đó các tàu thuyền đi theo tuyến các tỉnh miền Tây - TP.HCM - Đông Nam Bộ và ngược lại thuận lợi hơn. Trước đây, mỗi ngày có đến hàng chục tàu, sà lan trọng tải lớn, độ cao trên 3m phải neo đậu rải rác quanh khu vực cầu này chờ con nước.
Hành khách hào hứng khi đi tàu buýt sông tại TP.HCM - ẢNH: Q.ĐỊNH
4 thứ tự ưu tiên đầu tư để "kích" đường thủy
Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - chia sẻ tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước mắt là "chia lửa" đường bộ, giảm tải cho tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải.
Sở Giao thông vận tải TP cũng cho biết đơn vị vừa đề xuất có tuyến xe buýt điện hoạt động ở khu vực huyện Cần Giờ, kết nối vào tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu để phục vụ người dân di chuyển cự ly ngắn, đưa du khách tham quan.
Tầm nhìn xa hơn nữa, đây là điểm then chốt để TP hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy, mở ra một sự phát triển tầm vóc cho đường thủy tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, nếu đường bộ, đường thủy được kết nối với nhau thì kinh tế - xã hội càng phát triển nhanh chóng, bài toán ùn tắc, kẹt xe cũng được giải quyết.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP nhận định vài năm gần đây sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy chiếm 34,67% so với vận tải bằng đường bộ. Tuy nhiên, tỉ trọng vốn đầu tư cho đường thủy tính cho 5 năm gần đây chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới đường bộ.
Để đảm bảo đường thủy tiếp tục phát triển, Sở Giao thông vận tải TP cho hay sẽ đề xuất 4 giải pháp ưu tiên thực hiện thời gian tới. Đầu tiên là thực hiện các dự án nạo vét, nâng cấp các cầu trên tuyến nối tắt và liên kết nội thành với khu vực cảng biển mới đảm bảo theo quy mô quy hoạch được duyệt.
Cụ thể là đầu tư các tuyến liên kết khu Đông TP kết nối với khu bến trên sông Đồng Nai, đầu tư các tuyến kết nối đến khu cảng biển Hiệp Phước, Nhà Bè có tổng chiều dài khoảng 35,6km với kinh phí khoảng 400 tỉ đồng. Đầu tư kè bờ kết hợp xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách kết hợp du lịch trên sông Sài Gòn trong phạm vi từ ngã ba Đèn Đỏ (Nhà Bè) đến ranh giới rạch Vĩnh Bình (tiếp giáp tỉnh Bình Dương).
Tiếp theo là xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong: từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 30km với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng.
Ưu tiên 3 là xây dựng tuyến đường thủy Vành đai ngoài: từ sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh xáng An Hạ - kênh Lý Văn Mạnh - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - rạch Bà Lào - rạch Sông Tắc - rạch Trau Trảo - rạch Chiếc - sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 108km, kinh phí 4.794 tỉ đồng. Ưu tiên thứ 4 là đầu tư các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đã được TP.HCM phê duyệt.
Đồng thời TP sẽ phát triển hệ thống ICD (cảng cạn) mới theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức logistics, xây dựng cảng cạn - ICD Long Bình tại phường Long Bình nhằm phục vụ di dời cụm ICD Trường Thọ, phát triển các trung tâm logistics hạng 1 cấp quốc gia và quốc tế có vị trí vai trò là trung tâm...
Quan trọng hơn là kết nối với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ, các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hóa tập trung...
Khơi thông đường thủy, vận tải hàng hóa sẽ ghi điểm
TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM - cho rằng TP.HCM có lợi thế đường thủy rất lớn, do vậy chỉ cần được đầu tư đúng mực, đường thủy sẽ đem lại những lợi ích to lớn.
Các cảng nước sâu không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn giảm áp lực rất nhiều cho giao thông đường bộ, hạn chế đáng kể tình trạng kẹt xe, tắc đường và tai nạn giao thông do các xe container gây nên.
Do đó, các đơn vị liên quan cần có kế hoạch đầu tư, khai thác hiệu quả để đường thủy "chia lửa" hiệu quả cho đường bộ. Theo TS Thắng, cần phải sớm khơi thông luồng lạch, nâng tĩnh không các cầu thấp gỡ tắc trên đường sông. Sau đó là các dự án hạ tầng đường thủy, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp logistics, đầu tư các tuyến du lịch liên vùng đi Bình Dương, Tây Ninh, miền Tây...
Chẳng hạn như, cầu Bình Lợi mới hoàn thành, đường thủy đã có những chuyển biến tích cực. Việc vận chuyển hàng hải, kết hợp đường thủy nội địa đón hàng từ các cảng dọc các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải...
Hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp cảng ở Bình Dương, TP.HCM, nhất là Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu và các chủ tàu, chủ hàng đang có chiến lược để tận dụng tối đa độ thông thuyền này để đưa tàu lớn ra vào hệ thống cảng góp phần thông thương hàng hóa được nhanh hơn.
Tăng thêm bến, kết nối giao thông bộ
Một chiều đầu năm 2021, chúng tôi lên tuyến buýt sông số 1 đi từ bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) về Linh Đông (Thủ Đức), hành khách vắng hoe, cả một con tàu rời bến chỉ với 12 hành khách.
Trên tàu, chị Nguyễn Thị Linh Phương - một nhân viên văn phòng tại quận 1 - cho biết vài tuần lại đưa ông bà đã ngoài 70 tuổi đi một vòng buýt sông để ngắm cảnh sông Sài Gòn. Linh Phương lý giải do ông bà đã lớn tuổi không tiện di chuyển bằng xe máy hay ôtô quãng đường xa. Cho nên rất thích đi lại bằng buýt sông vừa không kẹt xe, không phải chen lấn, lại được ngắm cảnh sông Sài Gòn thơ mộng, mát mẻ.
Thế nhưng, Linh Phương nhận xét hiện loại hình này chưa hút khách, chỉ phục vụ khách du lịch chứ chưa thể trở thành phương tiện công cộng để đi làm thường nhật được. "Có những chuyến chỉ lác đác vài hành khách. Tôi xuống bến Bình An (quận 2) để về nhà người quen và khung cảnh quen thuộc là bến tàu không bóng người, quanh bến vài chiếc canô neo đậu. Quan sát một vòng, xung quanh đấy là đường nội bộ khu dân cư, không xe buýt kết nối" - Linh Phương nói.
Người dân đi buýt sông tại TP.HCM - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Có thể thấy, buýt sông là một loại hình giao thông thuận tiện, thú vị nhưng hạn chế ở chỗ chưa kết nối đồng bộ với mạng lưới xe buýt trên đường bộ, các bến chưa xây dựng hoàn thiện. Hơn nữa, toàn TP chỉ mới có một tuyến buýt sông cũng là một hạn chế lớn. Điều này dẫn tới hành khách chưa chuộng đi buýt sông, mà vẫn chọn đi xe máy, taxi, xe buýt...
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (nhà đầu tư tuyến buýt sông) - cho biết tính đến năm 2019, sản lượng vận tải tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đạt hơn 300.000 lượt hành khách/năm.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 880 lượt hành khách, mỗi ngày có 22 lượt chạy tàu, mỗi lượt chạy tàu bình quân có 40 khách. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đơn vị buộc phải giảm chuyến buýt sông chỉ phục vụ 20 chuyến/ngày.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sở sẽ thực hiện nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho khách tiếp cận tuyến buýt sông số 1. Cụ thể là kết hợp điều chỉnh lộ trình của một số tuyến xe buýt đường bộ để kết nối, trung chuyển khách đến các bến buýt đường sông, xây bãi giữ xe cho khách.
Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương liên quan để hoàn thành thủ tục giao thuê đất đầu tư xây dựng các bến trên tuyến buýt đường sông, tăng thêm các dịch vụ hỗ trợ hành khách trên bờ; triển khai nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào khai thác bến trung tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận