13/08/2016 07:21 GMT+7

TP.HCM được tự công nhận tốt nghiệp THPT

HOÀNG HƯƠNG - Q.THANH
HOÀNG HƯƠNG - Q.THANH

TTO - Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 12-8, với sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

Niềm vui của học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM trong ngày trưởng thành hoàn tất 12 năm đèn sách - Ảnh: NHƯ HÙNG
Niềm vui của học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM trong ngày trưởng thành hoàn tất 12 năm đèn sách - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Tăng cường phân cấp cho TP thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của bộ, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Sở GD-ĐT thực hiện đánh giá chung định kỳ trên diện rộng theo quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông; giao quyền chủ động cho các trường trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh.

Thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc về phát triển GD-ĐT TP.HCM

Trong phần nêu phương hướng nhiệm vụ năm học 2016-2017, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP - cho biết: “TP sẽ tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh. Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.

Các trường chủ động điều chỉnh thời lượng dạy học

Theo đó, sở cho phép các trường chủ động trong điều chỉnh thời lượng dạy học các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến...); quản lý chất lượng đầu ra, quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Sử dụng hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế để kiểm định chất lượng đào tạo các chương trình tiên tiến; kiểm định trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh theo chuẩn quốc tế...”.

Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, năm học 2016-2017 ngành GD-ĐT TP.HCM có hai nhiệm vụ chủ yếu gồm: xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại nhằm đưa GD-ĐT TP tiếp cận giáo dục tiên tiến khu vực và thế giới; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp quản lý giáo dục theo tinh thần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa tại các nhà trường.

Vì thế ngành GD-ĐT TP.HCM sẽ đẩy mạnh những nội dung, cụ thể như xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn phát triển TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.

Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn bắt buộc (văn - tiếng Việt, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là tám môn trong một năm.

Chương trình giáo dục từ phổ thông đến trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH ngoài việc trang bị kiến thức cho người học cần chú trọng xây dựng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và ý chí khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, thị trường, nâng cao khả năng thực hành của học sinh, sinh viên.

Không chỉ vậy, đối với học sinh, ngành GD-ĐT TP.HCM cho rằng học sinh sẽ “được”: học tập và hoạt động cả ngày trong trường. Được giảng dạy và học tập bằng phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu; có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT và đặc biệt mỗi học sinh sẽ được học một môn thể thao.

Niềm vui của học sinh lớp 12 Trường THPT Ernst Thalmann trong ngày trưởng thành hoàn tất 12 năm đèn sách             Ảnh: NHƯ HÙNG
Niềm vui của học sinh lớp 12 Trường THPT Ernst Thalmann trong ngày trưởng thành hoàn tất 12 năm đèn sách Ảnh: NHƯ HÙNG

Tin vui cho TP.HCM

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - nói: “Đây là một tin vui cho ngành GD-ĐT TP vì đã có được niềm tin của các cấp lãnh đạo. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ sư phạm thực hiện trách nhiệm của mình trong việc xác định giá trị học vấn của thế hệ trẻ địa phương.

Niềm tin nói trên là sự tự hào to lớn được giao trọng trách to lớn. Đó là trách nhiệm tự đánh giá địa phương mình. Tất nhiên với kinh nghiệm tổ chức thi cử nghiêm túc vốn có, các nhà quản lý ở TP sẽ có những giải pháp tốt để tạo điều kiện cho các nhà giáo làm tròn thiên chức: công bằng, khách quan, trung thực trong đánh giá thi cử.

Nhưng điều chúng ta cần quan tâm nhất hiện nay là mỗi thầy cô phải tích cực đổi mới tư duy và hành động cụ thể cho công cuộc chấn hưng giáo dục. Là nhà giáo, chúng ta đều biết tình cảm lớn là tình cảm của cả cộng đồng học sinh, của hệ thống giá trị thật, không thể bị tình cảm riêng tư chi phối. Vì chúng ta đều biết rằng nếu không làm tốt khâu đánh giá sẽ phá vỡ hệ thống giá trị của ngành.

Về mặt quản lý, sở cần có những bước đi cụ thể từ kế hoạch, lộ trình thực hiện đến công tác bồi dưỡng lực lượng và những giải pháp chế tài những sai phạm một cách nghiêm minh. Đặc biệt là công tác đánh giá học sinh trong quá trình dạy học của toàn cấp học theo quy trình từ lớp đầu cấp đến lớp cuối cấp. Bởi niềm tin của ngành được nâng cao thì trách nhiệm của ngành trước trọng trách mới càng cao hơn”.

Còn một giáo viên môn sử đang dạy tại một trường THPT cũng chia sẻ: “Nghe tin trên, trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Tôi tin rằng với cách xét tốt nghiệp mới, môn sử sẽ không bị bỏ rơi như hai năm qua. Vì tôi biết lãnh đạo TP rất coi trọng công tác giáo dục toàn diện. Trong đó học sinh TP không thể không biết kiến thức về lịch sử, địa lý.

Có lẽ không chỉ mình tôi, mà các đồng nghiệp của tôi cũng sẽ rất mừng. Hi vọng chúng tôi sẽ được thoải mái đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh thích môn học của mình, hứng thú với môn sử mà không phải lo lắng học kiểu đó đi thi sẽ rớt”.

Cấm dạy thêm - học thêm: đề nghị lãnh đạo TP xem xét lại

Tại hội nghị, ông Đỗ Minh Hoàng - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - đã đọc bản tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu trong phiên họp trù bị: “Về việc dạy thêm - học thêm: đa số ý kiến của các trường đều đề xuất nên có lộ trình. Vì với chương trình, cách tổ chức thi như hiện nay (như bài thi THPT quốc gia năm 2016 đã thể hiện), nếu học sinh chỉ tham gia các giờ học chính khóa thì không thể đảm bảo làm tốt bài thi.

Việc tổ chức dạy thêm - học thêm trong nhà trường thực tế đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của số đông học sinh và phụ huynh với các tiêu chí đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn cho học sinh, kiểm soát được nội dung, chất lượng giáo viên...

Trong khi đó, việc đạt các tiêu chí trên là hạn chế đối với cơ sở dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường.

Mặt khác, dạy thêm - học thêm cũng là một giải pháp nhằm hỗ trợ ổn định đời sống của giáo viên (không chỉ cho giáo viên trực tiếp tham gia dạy thêm trong nhà trường, mà cho các giáo viên những bộ môn không tham gia dạy thêm nhưng tham gia quản lý lớp, cho đội ngũ nhân viên gián tiếp của nhà trường), góp phần giải quyết kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục kỹ năng thích ứng với cuộc sống, hoạt động ngoại khóa và tạo phúc lợi cho nhà trường.

Xây dựng thành phố học tập

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Tôi hoan nghênh và đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị hôm nay. Mỗi bước phát triển của TP đều gắn với trách nhiệm và danh dự của chính quyền và người dân. Tôi muốn nhấn mạnh rằng: mỗi người đều phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục như chăm lo cho chính tương lai của mình.

Lãnh đạo TP biểu dương những thành tích mà ngành GD-ĐT đã đạt được. Bên cạnh đó vẫn còn có chỗ bất cập, yếu kém cần được thẳng thắn chỉ ra như tệ nạn dạy thêm - học thêm; thiếu cơ sở và giáo viên được đào tạo theo chuẩn cho việc chăm sóc trẻ em ở tuổi mầm non; chương trình nặng kiến thức còn tạo áp lực lên học sinh và các bậc phụ huynh; hiện tượng quá tải về sĩ số trong một lớp còn xảy ra ở khắp nơi, ngay cả chất lượng chuyên môn của giáo viên tiếng Anh cũng còn nhiều hạn chế; việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập...

Chúng ta phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu suất đào tạo, góp phần quan trọng cho việc hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh vì mục tiêu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng thành phố học tập”.

HOÀNG HƯƠNG - Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp