"Nhưng đến nay chưa thấy bộ “thổi còi” và không có ý kiến gì về những việc chúng tôi đã làm để quản lý game online trên địa bàn. Không bị “thổi còi” có nghĩa là chúng tôi làm đúng. Nếu đúng thì các biện pháp này cần phải được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, chứ không thể chỉ một mình TP.HCM làm một cách đơn độc như vừa qua” - ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, đã bức xúc như vậy về tình cảnh đơn thương độc mã của TP.HCM trong cuộc chiến quản lý game online - một vấn đề “nóng” từ gia đình đến diễn đàn Quốc hội.
Phóng to |
Trẻ chơi game online tại một cửa hàng Internet cạnh Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trên đường Quốc Hương, Q.2, TP.HCM tối 7-1 - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo ông Hà, điều mà ông không thể hiểu được là vì sao đến nay Bộ TT-TT vẫn chưa yêu cầu loại bỏ các nội dung bạo lực khỏi trò chơi Đột kích. Vì thế trong khi thôi “đột kích” ở TP.HCM thì các game thủ của trò chơi này ở 62 tỉnh, TP còn lại vẫn vô tư “vãi đạn”.
Ngay cả việc hai công ty VinaGame và FPT ngừng cung cấp hai trò chơi Biệt đội thần tốc và Đặc nhiệm anh hùng, theo ông Hà, cũng là do họ tự nguyện ngừng dưới sức ép từ các biện pháp quản lý của TP.HCM chứ không phải từ yêu cầu của bộ.
Tại hội nghị về quản lý game online do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức ngày 5-1, ban tổ chức giới thiệu có đại diện Sở TT-TT chín tỉnh trong khu vực tham dự nhưng chỉ mỗi đại diện tỉnh Bình Dương phát biểu.
Vị này cũng bày tỏ bức xúc về tác hại của game online với lo lắng rằng “con nít chơi game nhập vai để chém giết nhau thì ở ngoài đời chúng cũng có thể chém giết nhau thật”. Có điều vị này không xưng tên và khi phát biểu đã khéo léo “rào trước” rằng “đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi chứ không phải của Sở TT-TT Bình Dương”.
Một đại diện của Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thì trách “nghe quý vị nói nãy giờ dường như cho rằng bộ không làm gì cả”. Theo vị này, bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra nhưng quan trọng là vai trò của địa phương, phải thanh tra đột xuất để phát hiện, chấn chỉnh vi phạm.
Thế nhưng, theo ông Hà: “Vấn đề là bộ không làm điều quan trọng nhất là thẩm định và loại bỏ yếu tố bạo lực ra khỏi game online”. Sở TT-TT đã kiến nghị bộ xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực trong game online như người chơi nhập vai tích cực hay vai tiêu cực, vũ khí sử dụng trong trò chơi là gì, đối tượng bị tiêu diệt là ai... Nếu căn cứ những tiêu chí này để thẩm định và loại bỏ được yếu tố bạo lực, kích động bạo lực khỏi trò chơi thì sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực có thể dẫn đến hành vi bạo lực ngoài xã hội của người chơi.
Cũng như nhiều vị lãnh đạo TP.HCM, ông Hà khẳng định quan điểm không chống game online, thậm chí khuyến khích những game có nội dung tích cực, nhưng không chấp nhận tính chất bạo lực hoặc kích động bạo lực trong loại hình giải trí thời thượng này.
Gây ô nhiễm kiểu xả thải của Công ty Vedan phải cần một thời gian mới phát sinh hậu quả, trong khi “ô nhiễm” từ hành vi bạo lực trong game online có thể bộc phát ra ngay bên ngoài xã hội và có thể làm hỏng nhân cách, tương lai nếu người chơi, nhất là học sinh và trẻ em, không đủ ý thức để tự “miễn dịch” với nó.
Vì lẽ đó, nói như ông Hà, TP.HCM sẽ làm đến cùng dù đơn thương độc mã.
* TSNguyễn Minh Hòa (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM): Nghiên cứu về những hiện tượng xã hội tiêu cực là rất khó, nên các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm không coi trọng việc sử dụng bảng hỏi đại trà. Bởi vì trước những câu hỏi mà xã hội mặc định là “xấu” thì người trả lời sẽ chọn phương án trả lời an toàn có tính phòng thủ nhất. Hầu hết người ta sẽ trả lời không khi được hỏi có chơi ma túy không, có đánh vợ không, có chơi game online bạo lực không. Đối với vấn đề nghiên cứu được coi là nhạy cảm này thì thường người ta kết hợp nhiều phương cách thu thập thông tin khác nhau như phỏng vấn sâu, quan sát, tọa đàm nhóm, nghiên cứu tiêu điểm, nghiên cứu thâm nhập... Hiện tượng thanh thiếu niên chơi game online bạo lực và tác hại của nó gây ra cho xã hội là điều hiển nhiên ai cũng thấy, do vậy việc bỏ ra một đống tiền để làm cuộc nghiên cứu trên hàng trăm người để xem nhiều hay ít người chơi là điều không cần thiết nữa, nhất là đối với những hiện tượng có nguy cơ lây lan cao. Điều cần thiết bây giờ là nghiên cứu để đưa ra các giải pháp khả thi hạn chế mặt tiêu cực của game online mà không làm mất đi những mặt tích cực của nó. Để làm như thế thì phải có những nghiên cứu sâu của những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, điều này giống như bác sĩ bàn cách đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất chứ không phải xem là có bệnh hay không. * TS Đinh Phương Duy: Theo dõi kết quả khảo sát về tình trạng học sinh sinh viên chơi game online của Sở GD-ĐT TP.HCM và Hà Nội, tôi hơi băn khoăn. Nếu hỏi trực tiếp một ngày chơi bao nhiêu giờ, thời gian cho một lần chơi, thường chơi những loại game nào... thì học sinh sẽ có tâm lý ngại ngần và không trả lời thật. Đó là cách phỏng vấn học sinh. Qua các phương tiện truyền thông, các em biết mình đang trong “tầm ngắm” của thầy cô, tôi e sẽ rất ít học sinh dám nhận là mình chơi game bạo lực. Cần có những câu hỏi gián tiếp và có thể phỏng vấn cả phụ huynh, giáo viên hoặc đến các quán net ghi nhận... thì sẽ phản ánh trung thực hơn. Theo tôi, muốn có những quyết sách thuyết phục về vấn đề game bạo lực, rất cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu bài bản hơn. Có thể đặt hàng các nhà khoa học để họ làm việc này. Có điều tôi cần khẳng định rằng: mặc dù kết quả khảo sát cho thấy số học sinh chơi game thấp, số giờ các em chơi ít... nhưng như thế không có nghĩa game online không có tác hại gì. Ngay từ bây giờ nếu không tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ, nếu không loại bỏ các game bạo lực... thì sau này sự việc sẽ trầm trọng hơn. Có thể bây giờ các em chỉ chơi 2-3 giờ/tuần như kết quả khảo sát nhưng nếu “người lớn lơi lỏng” các em sẽ tăng thời lượng, lúc đó mọi việc sẽ khó khăn hơn nhiều. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận