24/11/2018 09:26 GMT+7

TP.HCM: đô thị thông minh cần cơ chế đặc biệt

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH

TTO - TP.HCM cần xây dựng ngay quy hoạch, chiến lược, công cụ, thể chế và chính sách để đề xuất với trung ương mô hình khu đô thị sáng tạo, khu đô thị thông minh mà TP.HCM muốn xây dựng, hướng đến.

TP.HCM: đô thị thông minh cần cơ chế đặc biệt - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tham quan các gian hàng tại diễn đàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu như vậy tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2018 với chủ đề "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp", tổ chức ngày 23-11. 

"Cần hành động ngay, hành động quyết liệt với những chương trình mà TP.HCM xây dựng cụ thể để phát triển khu Đông" - ông Huệ nhấn mạnh.

Càng chậm càng tụt hậu

Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc xây dựng và phát triển khu vực phía Đông sẽ phù hợp với xu hướng phát triển các khu đô thị sáng tạo trên thế giới. 

Theo ông Nhân, các đơn vị nghiên cứu khoa học, trường đại học, doanh nghiệp, nhà đầu tư tài chính, chính quyền địa phương... chính là các nhân tố quan trọng để TP.HCM đặc biệt lưu ý khi bắt tay vào xây dựng kế hoạch phát triển khu Đông của thành phố trong tương lai.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài - phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, nếu so với các thành phố khác ở châu Á, các chỉ số trụ cột thông minh của TP.HCM vẫn còn thua kém rất xa. 

Riêng ở Đông Nam Á, Singapore và Kuala Lumpur có chỉ số các trụ cột thông minh cao hơn nhiều lần so với TP.HCM.

 "Điều này cho thấy mức độ phát triển về đô thị thông minh của TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu của các chuẩn đô thị thông minh trong khu vực và thế giới" - ông Hoài nói.

Dù thừa nhận còn nhiều thách thức về các vấn đề y tế, môi trường, giao thông... nhưng ông Hoài cho rằng TP.HCM vẫn có những điểm mạnh tiềm năng để thúc đẩy nhanh sự phát triển đô thị thông minh trong tương lai. 

Đó là định hướng phát triển rõ ràng và cụ thể của cơ quan nhà nước, sự thâm nhập của công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội cùng sự tham gia của nhiều đối tác công nghệ thông tin hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho biết trong chuyến sang Mỹ làm việc, thăm đại bản doanh của các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại thung lũng Silicon mới đây, ông đã gặp nhiều người Việt trẻ, tài năng.

 Do đó, nếu có cơ chế thu hút những người Việt tài năng trên khắp thế giới về xây dựng những thành phố thông minh sẽ quá tốt. "Càng chậm ngày nào càng khó xây dựng hơn trước, trong khi nhiều thành phố trong khu vực đã đi xa rồi" - ông Lịch nói.

Phải có cơ chế đặc biệt

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên ĐH Fulbright VN, cho rằng việc thành phố chọn khu Đông để phát triển đô thị thông minh là phù hợp. 

Nhưng bản thân TP.HCM sẽ không làm được, bởi cơ chế chính sách vẫn là "cái áo quá chật" để thu hút doanh nghiệp trên thế giới và khu vực đến đầu tư. Do đó, TP.HCM cần có các cơ chế đặc khu đặc biệt như Trung Quốc dành cho Thượng Hải.

Theo ông Du, Chính phủ và TP.HCM cần xác định rằng cơ chế đặc biệt này không chỉ dành riêng cho TP.HCM mà còn tạo ra sức bật và khả năng cạnh tranh của cả VN trong thời gian tới.

 "Thành phố nên là nhạc trưởng để điều phối bốn thành phần tham gia xây dựng một đô thị thông minh gồm chính quyền, doanh nghiệp, giới nghiên cứu và các nhà tài trợ quốc tế. 

Không phân biệt đối xử với doanh nghiệp trong hay ngoài nước, miễn là đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố thông minh" - ông Du nhấn mạnh.

Ông Trần Du Lịch cho rằng ba nền tảng để đưa khu Đông thành đô thị thông minh là thể chế, công nghệ và con người. 

Nhưng công nghệ và con người có được cũng từ thể chế mà ra. "Do đó, với hệ thống tổ chức hành chính hiện nay, khó cho thành phố. 

Cần phải có cơ chế đặc biệt tạo không gian sáng tạo cho thành phố. Cái gì cũng đi xin thì không thể sáng tạo được" - ông Lịch nói.

Trong khi đó, ông Yun Won Sok (Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc - KOTRA) cho rằng VN cần tận dụng sự tương đồng với Hàn Quốc để thu hút đầu tư vào phát triển đô thị thông minh. 

Bởi Hàn Quốc đã xây dựng những thành phố thông minh hàng đầu thế giới, có những tập đoàn công nghệ mạnh và các trung tâm nghiên cứu tầm cỡ, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa VN và Hàn Quốc là mấu chốt để kết nối hai quốc gia, doanh nghiệp hai nước.

Hãy đề đạt đến lãnh đạo thành phố

ntp

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ngoài 7 chương trình đột phá, thành phố đã bổ sung đề án xây dựng TP.HCM thành một đô thị thông minh, sáng tạo, như một hạt nhân khởi điểm cho việc triển khai cuộc cách mạng 4.0, trong đó khu vực phía Đông sẽ là điểm khởi đầu.

Cũng theo ông Phong, chính quyền thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia đầu tư,

kinh doanh trên khu vực đô thị này, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

"Cho dù là doanh nghiệp hay sinh viên khởi nghiệp, hãy đề đạt đến lãnh đạo thành phố các nhu cầu cần thiết, trực tiếp để công việc kinh doanh được tốt hơn. Chúng tôi sẽ lắng nghe và giải quyết thấu đáo" - ông Phong nói.

TP.HCM sẽ mời gọi đầu tư đô thị thông minh trong đầu tháng 6

Trong đầu tháng 6 tới đây, TP.HCM sẽ có hội nghị quy mô lớn mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh.

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp