Ông Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ phải qua), ủy viên Bộ Chính trị, tham quan các sản phẩm trí tuệ nhân tạo tại hội nghị - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tôi hi vọng trong tương lai thành phố đẩy mạnh đầu tư hơn nữa về trí thông minh nhân tạo. Rất nhiều tiềm năng trong ngành này vẫn chưa được khám phá và ứng dụng.
Nguyễn Đăng Huy (sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM)
Cụ thể những nội dung bao gồm: Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và trí tuệ nhân tạo (AI) TP.HCM năm 2020; ra mắt hội đồng tư vấn "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030"; trao giải hội thi "Giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM" và lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ sinh viên tiêu biểu ngành AI.
Liên kết các trung tâm AI
Tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - đề xuất thành phố hình thành cụm liên kết các trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI Hubs) gồm bốn hợp phần: trung tâm đào tạo AI, cụm nghiên cứu ứng dụng AI, trung tâm các doanh nghiệp khởi nghiệp về AI và trung tâm giao dịch, trình diễn các công trình, sản phẩm. Những hợp phần trên sẽ kết nối với nhau thông qua một trung tâm dữ liệu và hạ tầng chung của thành phố. Cụm liên kết càng chặt chẽ thì việc phát triển AI càng hiệu quả và bền vững.
Hằng năm, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM dành khoảng 2.200 chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành CNTT và hơn 2.000 chỉ tiêu cho các ngành khác liên quan như toán, tự động hóa hay AI...
Theo ông Quân, con số này cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu ở TP.HCM. Ông Quân kiến nghị đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đã được UBND TP.HCM thông qua, nên rất mong thành phố giao ĐH Quốc gia TP.HCM cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành CNTT, đặc biệt là AI.
Ngoài ra, thành phố cũng có thể giao ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng chi tiết kế hoạch hình thành mạng lưới các trường - viện nghiên cứu về AI.
Cũng theo ông Quân, thành phố cần sớm hoàn thiện và triển khai chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM trong giai đoạn 2020-2030"; nhanh chóng xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các sản phẩm ứng dụng AI trong cả các đơn vị công cũng như các doanh nghiệp tư nhân...
Tận dụng nguồn lực đã có
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị - đánh giá TP.HCM đang chuyển đổi số mạnh mẽ nhưng so với nhiều nước thì vẫn còn đi sau. Bài toán của "người đi sau" là phải tận dụng tốt nhất nguồn lực đã có là hệ thống các trường ĐH, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn.
Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Vũ Hải Quân, ông Nhân cho rằng trước hết thành phố phải tạo tương tác mạnh mẽ giữa bốn khu vực: nghiên cứu - đào tạo - cung cấp giải pháp - quản lý nhà nước. Bốn khu vực này cùng với thị trường tài chính phù hợp sẽ tạo thành hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng AI cho TP.HCM.
Điều quan trọng là những yếu tố phải tác động liên tục với nhau, tránh tình trạng rời rạc, phân tán. Ông Nhân cho rằng có thể hình thành một mạng lưới liên kết, được cập nhật thường xuyên, để mỗi người thuộc từng khu vực có thể quan sát và kiến nghị giải pháp. "Tương tác cao cũng chính là một chìa khóa để phát triển. Có đủ yếu tố mạnh mà không kết nối tương tác cao thì rất chậm" - ông Nhân nói.
Ngoài ra, ông Nhân nhấn mạnh AI và dữ liệu thông minh đòi hỏi phải số hóa. Khi các tài nguyên, dữ liệu của TP.HCM và các doanh nghiệp chưa số hóa thì không có "đầu vào" để xử lý. Ông cho rằng UBND TP.HCM cần có chương trình tăng tốc để cơ bản hoàn thành chương trình số hóa trong 2 năm tới.
Ông Nhân cũng lưu ý cần làm nhanh nhưng với chi phí thấp. Việc số hóa ở từng ngành sẽ khác nhau. Chẳng hạn số hóa ở ngành dệt may không giống với số hóa ở lĩnh vực công. Ông Nhân đề xuất nên chăng với mỗi lĩnh vực đặc thù thì hình thành từng nhóm doanh nghiệp để cung cấp giải pháp dùng chung. Những giải pháp dùng chung này nên thống nhất và chi phí thấp...
Nhiều tiềm năng chưa khai phá
Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM đã lắng nghe, chia sẻ, khen thưởng các sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu về AI. Bạn Nguyễn Đăng Huy - sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nêu ý kiến: "Tôi hi vọng trong tương lai thành phố đẩy mạnh đầu tư hơn nữa về trí thông minh nhân tạo. Rất nhiều tiềm năng trong ngành này vẫn chưa được khám phá và ứng dụng. Cụ thể ở lĩnh vực y tế, có thể sử dụng AI hỗ trợ các bác sĩ trong việc chữa bệnh".
Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo TP.HCM cũng đã trao giải cho sinh viên đoạt giải trong cuộc thi giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM năm 2020. Đây là năm đầu tiên thành phố tổ chức hội thi AI.
Hội thi nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng AI, khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đề xuất các giải pháp tiên tiến ứng dụng AI phục vụ cuộc sống.
Ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, trưởng ban tổ chức - nhận định: "Sự thành công của cuộc thi đã khẳng định tiềm năng to lớn của con người trong việc làm chủ CNTT phục vụ cuộc sống. Hội thi AI là nguồn động lực phấn đấu cho các học sinh, sinh viên trẻ đang học tập tại các trường phổ thông, ĐH trong và ngoài nước, góp phần cho sự phát triển của ngành CNTT...".
18 thành viên Hội đồng tư vấn trí tuệ nhân tạo
Cũng trong sáng 7-11, lễ ra mắt Hội đồng tư vấn chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030" đã diễn ra. Hội đồng được UBND TP.HCM thành lập gồm 18 thành viên là những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về AI trong và ngoài nước. Hội đồng được kỳ vọng đóng góp vào việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa hành lang công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp cho các dịch vụ và sản phẩm thông minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận