01/10/2022 08:58 GMT+7

TP.HCM cần có cơ chế vượt trội

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG
TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG

TTO - Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết thay vì chính sách đặc thù, TP.HCM sẽ mạnh dạn đề xuất với Trung ương chọn TP.HCM làm nơi thí điểm thực hiện những vấn đề mới.

TP.HCM cần có cơ chế vượt trội - Ảnh 1.

TP.HCM đang rất cần thêm ngân sách để phát triển hạ tầng. Trong ảnh: tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được xây dựng đoạn qua TP Thủ Đức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thí điểm vấn đề mới có nghĩa là thực hiện những nhu cầu phát triển xã hội cần mà quy định chưa có hoặc có nhưng chưa đủ. TP.HCM sẵn sàng nhận làm thí điểm để rút kinh nghiệm và có thể sau này nhân rộng cho toàn quốc.

Cần chính sách đặc biệt thay vì đặc thù ở đâu cũng có

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay TP.HCM sẽ mạnh dạn đề xuất với trung ương TP.HCM không áp dụng đặc thù nữa, vì đặc thù ở đâu cũng có, thay vào đó TP.HCM sẽ "đăng cai" thực hiện thí điểm những vấn đề mới, thực hiện chung cho cả nước.

Trước đó, trong buổi làm việc với TP.HCM, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị TP.HCM cần phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố. Theo Tổng bí thư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã từng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng.

Tuy nhiên, trong một vài nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự phát triển của TP.HCM chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng và tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên chưa được phát huy mạnh mẽ như những năm đầu đổi mới. Vai trò đầu tàu, động lực phát triển, sức lan tỏa, dẫn dắt liên kết các tiểu vùng trong vùng Đông Nam Bộ và với các vùng khác trong cả nước có dấu hiệu chững lại, thậm chí phần nào bị suy giảm.

Tổng bí thư đề nghị Thành ủy TP.HCM cùng cả hệ thống chính trị tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kịp thời có những chính sách, biện pháp khắc phục có hiệu quả. Những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xem xét, tạo điều kiện để tháo gỡ. Trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với nghị quyết 54 của Quốc hội.

TP.HCM cần có cơ chế vượt trội - Ảnh 2.

Cống kiểm soát triều Mương Chuối của Trung Nam Group, huyện Nhà Bè, TP.HCM đã ngưng thi công từ lâu (ảnh chụp tháng 9-2022) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gỡ nút thắt nhân sự, nguồn lực vốn

Câu chuyện "dôi dư" hơn 5.700 công chức, viên chức so với số lượng biên chế được trung ương giao đang làm TP.HCM "đau đầu". Trong khi bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng TP.HCM không chặt chẽ trong quản lý biên chế, thậm chí buông lỏng dẫn đến là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại tình trạng còn một số biên chế không đúng cơ quan thẩm quyền, dẫn đến chênh với số lượng biên chế mà Thủ tướng giao.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay với khối lượng công việc rất lớn, nhiều năm qua thành phố khó giảm biên chế theo yêu cầu của Bộ Nội vụ. Theo ông Mãi, 5.700 biên chế không phải dôi dư, mà là số biên chế thực tế, cần thiết nhưng chưa có sự phê duyệt chính thức của Trung ương. 

Vấn đề "tranh cãi" này đặt ra yêu cầu cần cho TP.HCM được thí điểm cơ chế tự quyết định biên chế công chức và số lượng viên chức căn cứ vào đầu việc, quy mô dân số, quỹ lương, mức độ phức tạp công việc và từng địa bàn.

Hay về vấn đề tài chính - ngân sách dù nghị quyết 54 có mở cho TP.HCM một số cơ chế nhưng từ khi thực hiện, TP.HCM không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của đơn vị trung ương hay nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Sở dĩ có tình trạng này là do vướng mắc thiếu nhiều quy định, cũng như không nhận được sự hỗ trợ, phối hợp thực hiện của các bộ, ngành, tổng công ty... liên quan.

Ngoài những cơ chế, chính sách trong nghị quyết 54 đã phát huy hiệu quả, TP.HCM cho rằng cần được thí điểm thêm các cơ chế, chính sách mới để có thể huy động thêm các nguồn lực mà TP.HCM còn nhiều dư địa như quỹ đất đô thị hóa, nhà đất công, doanh nghiệp nhà nước do TP.HCM quản lý và nguồn lực từ tư nhân. 

Mặt khác, trong khi nguồn lực hạn chế, việc đầu tư hạ tầng ở một số lĩnh vực cần có chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ. Dù vậy TP.HCM cũng đang vướng nhiều nội dung do trái với luật hiện hành. Lấy ví dụ như việc đầu tư đối với các dự án cải tạo chung cư cũ, dự án chỉnh trang đô thị...

TP.HCM cần có cơ chế vượt trội - Ảnh 3.

TP.HCM còn nhiều chung cư đã bị xuống cấp nghiêm trọng cần được cải tạo nâng cấp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cởi trói điểm nghẽn cơ chế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước nêu những điểm nghẽn và chỉ đạo các cơ quan trung ương tập trung, tạo mọi điều kiện có thể tháo gỡ cho TP.HCM là một thuận lợi. Vấn đề ở đây là phải rút được kinh nghiệm từ việc thực hiện nghị quyết 54 (về thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) để việc tháo gỡ, khơi thông thực sự tạo ra động lực phát triển mới. 

TP.HCM cần những chính sách, cơ chế vượt trội hơn nghị quyết 54. Trong việc này vai trò của Trung ương mang tính quyết định, trong đó quan trọng nhất là khơi thông điểm nghẽn cơ chế và đầu tư công.

Theo ông Minh, TP.HCM đang chịu áp lực lớn bởi những điểm nghẽn đó là về cơ chế, nguồn lực và áp lực từ quy mô lớn (dân số đông, thị trường lớn). Trong năm nguồn lực để phát triển gồm: nguồn vốn, con người, thể chế, công nghệ và tri thức đều cần có sự tháo gỡ quyết liệt, triệt để của Trung ương. 

Ngay kể cả TP.HCM quyết liệt muốn tạo ra những đột phá, mô hình mới trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực của bộ máy công quyền cũng phải xin Trung ương cơ chế về tổ chức bộ máy, thành lập các mô hình giao dịch hành chính đặc thù, trong đó quan trọng nhất là quyền tự chủ về biên chế công chức, viên chức mới làm được.

Ông Minh cho rằng cách duy nhất tháo gỡ khó khăn là Trung ương tăng cường tự chủ, phân cấp, phân quyền rộng hơn, ủy quyền rõ ràng cho TP.HCM tự làm, tự chịu trách nhiệm. Từ đó TP.HCM sẽ tự thiết kế việc thi hành cơ chế, chính sách theo từng tình huống, linh hoạt, thích ứng.

TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng TP.HCM ở trạng thái ổn định nhưng vẫn chưa có được sự thịnh vượng tương xứng. Trong khi đó còn một số nguồn lực vẫn còn "ngủ quên" trong TP.HCM do thiếu cơ chế, chính sách để khai thác.

"Tôi nghĩ Trung ương cần hỗ trợ TP.HCM tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông và hạ tầng về thủ tục, giảm hơn nữa thủ tục hành chính. Trong đó ưu tiên cởi trói cho hạ tầng công nghệ số, vì hiện nay dù nói là chuyển đổi số nhưng nhiều vấn đề TP.HCM không làm được do vướng quy định về dữ liệu", bà Xuân đề xuất.

TP.HCM cần có cơ chế vượt trội - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

TP.HCM kiến nghị cụ thể những gì?

Trong tờ trình về xây dựng dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM thay thế nghị quyết 54, UBND TP.HCM đã đề xuất nhiều nội dung kiến nghị.

1. Về quản lý đầu tư, TP.HCM mong muốn được tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư; cơ chế giao đất, cho thuê đất... lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ...

2. Về tài chính ngân sách, ngoài giữ lại cơ bản các nội dung của nghị quyết 54, TP.HCM kiến nghị bổ sung ban hành thuế tài sản đối với bất động sản ngoài nhà ở hiện hữu của người dân (đất ở, nhà ở thứ hai trở lên); mở rộng giới hạn 90% các khoản vay của địa phương so với số thu ngân sách địa phương được hưởng lên mức 120%; giữ nguyên tỉ lệ điều tiết ngân sách 21% đến hết năm 2025 và không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp dụng thí điểm (thuế bất động sản thứ 2; các loại phí và mức phí mới).

3. Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, TP.HCM kiến nghị phân cấp cho UBND TP được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt.

Phân cấp cho UBND TP được quyết định các nội dung liên quan đến: xây dựng nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, nhà tái định cư; xử lý chung cư cũ; nhà ở trên, ven kênh rạch... TP được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỉ lệ khi giải phóng mặt bằng. Cho phép TP được thí điểm thực hiện việc tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B.

4. Về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, đề nghị bổ sung phân cấp cho TP.HCM tổ chức lại, giải thể, thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập, và xác định chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành quản lý nhà nước trên địa bàn theo hướng phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP.

Phân cấp cho HĐND TP quyết cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại các UBND phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.

5. Về TP Thủ Đức, cho phép HĐND, UBND TP.HCM phân cấp cho chính quyền TP Thủ Đức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình. Cho phép UBND TP chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở, ngành của TP cho UBND TP Thủ Đức.

Giải quyết cho TP.HCM cũng là vì cả nước

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhìn nhận sự quan tâm của Trung ương với TP.HCM là rất lớn. Nhưng sự hỗ trợ và giải quyết các kiến nghị của TP hình như chưa kịp thời và hiệu quả.

Một số vấn đề cụ thể như tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, việc hỗ trợ nguồn thu xuất nhập khẩu chưa đúng mức, hỗ trợ các dự án trọng điểm không đáng kể, phân cấp phân quyền chưa tương xứng. Ông Thưởng đề nghị các cơ quan trung ương phải tích cực hơn trong giải quyết những khó khăn của TP vì giải quyết cho TP.HCM cũng là vì cả nước.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM): Cần "công thức" riêng cho đô thị đặc biệt

Để gỡ dần các nút thắt cho TP.HCM là một bài toán nan giải cần sự chung tay của tất cả bộ, ngành. Hiện tại TP.HCM đang vướng rất nhiều ở cơ chế. Ví dụ cụ thể trong việc tháo gỡ tỉ lệ điều tiết ngân sách, trong khi luật quy định sẽ giảm dần tỉ lệ nhưng chúng ta thì đề nghị tăng, là cái vướng thứ nhất.

Thứ hai trong điều hành ngân sách của Chính phủ, nếu để lại cho TP cao hơn sẽ dễ hụt ở những khoản khác khó cân đối. Thứ ba là nếu duyệt tăng tỉ lệ cho TP.HCM và khi các tỉnh thành khác cũng đề xuất như vậy sẽ là câu chuyện kéo dài theo sau.

Hoặc như kiến nghị cho phép TP được phân cấp, phân quyền, trong luật cũng không có quy định, đề xuất đó phải được làm rõ và đưa vào trong các nghị quyết, chẳng hạn như nghị quyết về cơ chế đặc thù của TP.

Bên cạnh đó, có những điểm nghẽn từ cả nghị quyết của trung ương như câu chuyện biên chế. Bên cạnh khối hành chính, biên chế khối sự nghiệp như giáo dục và y tế ở TP không thể giảm, bởi TP luôn có dân số tăng nhanh, có thêm trường học, cơ sở y tế, biên chế phải tăng mới đáp ứng. Nhưng nghị quyết của Đảng không cho phép.

Nhiều vấn đề vướng mắc xuất phát từ thực tiễn, các bộ, ngành thấy được nhưng không có giải pháp để xử lý bởi hiện nay quy định pháp luật được tính theo chủ nghĩa bình quân, cào bằng áp dụng tất cả địa phương. Một công thức chung cho tất cả mà không có công thức riêng cho các đô thị đặc biệt.

Hơn hết hiện nay từ thực tiễn đặt ra, các bộ, ngành phải có cơ chế nhằm hỗ trợ các tỉnh thành trong đó có TP.HCM giải pháp tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để giúp tháo gỡ các điểm nghẽn càng sớm càng tốt.

QD_ThuTucHanhChinh_VinhLoc

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - IPS): Thành lập các trung tâm giao dịch hành chính

Cùng với việc kiến nghị với cơ quan trung ương các cơ chế, chính sách đặc thù, một việc TP.HCM có thể làm ngay là khơi thông điểm nghẽn về cải cách hành chính dẫn tới sự trì trệ trong việc phát triển kinh tế. Trong đó tiêu biểu là việc tổ chức lại bộ máy, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để xử lý các vấn đề về mặt hồ sơ hành chính, quy trình trong nội bộ nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Với địa bàn rộng và khối lượng giao dịch hành chính lớn, TP.HCM có thể thành lập các trung tâm giao dịch hành chính theo từng khu vực. Việc xin cơ chế đặc thù cũng nên theo hướng xin cho TP được quyền tổ chức lại bộ máy, phân cấp, phân quyền cho các trung tâm hành chính này.

Đề xuất nhiều cơ chế đặc biệt cho thành phố Thủ Đức Đề xuất nhiều cơ chế đặc biệt cho thành phố Thủ Đức

TTO - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM kiến nghị cho TP Thủ Đức được giữ lại toàn bộ nguồn thu sử dụng đất và toàn bộ số vượt thu so với pháp lệnh thu hằng năm, được thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm phát triển quỹ đất....

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp