Tối 28-2, tại một góc lề đường trên đường Trần Phú, Q. 5 thành vô số bàn liên hoan lộ thiên - Ảnh: Thanh Tùng |
Theo bạn đọc Hữu Chơn, cùng với an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) luôn là vấn đề được người dân TP.HCM đặc biệt quan tâm. Cá nhân anh chỉ muốn “đặt hàng” lãnh đạo thành phố một khía cạnh của ATGT:
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu "đặt hàng" đầy tâm huyết và rất thời sự này của bạn đọc Hữu Chơn:
"Tôi nhớ rằng từ năm 1995 chính phủ đã ban hành nghị định 36/CP về lập lại trật tự ATGT, trong đó nhấn mạnh đến việc giải quyết nạn chiếm dụng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán.
Điều này cho thấy chuyện vi phạm ATGT dưới hình thức lấn chiếm lòng lề đường không hề mới, nó đã gây bức xúc từ hơn 20 năm qua.
Tôi thấy rằng việc khó như giảm tội phạm mà lãnh đạo TP.HCM chỉ đưa ra thời gian ba tháng để cơ quan chức năng thực hiện, thì vấn đề giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường nên gói gọn trong vòng một tháng là đủ. Thời hạn này không dài cũng không quá ngắn để làm chuyển biến tình hình. Nhất là Bí thư Thành ủy TP.HCM từng làm Bộ trưởng Bộ GTVT. |
Trong ngần ấy thời gian, chúng ta nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, tăng thêm mức xử phạt và các chế tài khác đối với người, phương tiện vi phạm (hiện nay là nghị định 171/NĐ-CP, ngày 13-11-2013), nhưng thực tế thì nó vẫn cứ diễn ra thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hầu như hễ bước ra đường là dễ dàng bắt gặp những trường hợp “biến lề đường thành của riêng”. Nhiều người thản nhiên bày biện hàng hóa, thực phẩm, dựng xe gắn máy tràn lan trên vỉa hè.
Sử dụng không gian công cộng làm nơi kinh doanh buôn bán đã trở thành thói quen xấu của không ít người. Lối đi chung bị chiếm nên người đi bộ phải đi dưới lòng đường gây mất ATGT.
Nhiều con đường lẽ ra là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân thành phố như đường Võ Văn Kiệt, đường Phạm Văn Đồng bởi vì vừa đẹp về mỹ quan, vừa có ý nghĩa trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông. Nhưng đáng tiếc là nó cũng nhanh chóng bị chiếm dụng làm nơi buôn bán.
Phổ biến nhất là các quán nhậu “lộ thiên” kê bàn ghế choán hết vỉa hè, người đi bộ lên tiếng phàn nàn thì bị chửi hoặc dọa đánh. Phản ánh lên cấp chính quyền sở tại cũng chẳng mấy tác dụng, đâu lại vào đấy. Các đồng chí lãnh đạo thành phố chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn sẽ thấm thía ngay.
Không chỉ làm cản trở giao thông, vấn nạn này còn ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, đường phố trở nên nhếch nhác.
Ngoài ra, quán nhậu “dã chiến” mọc lên như nấm cũng tiềm ẩn mối lo về trật tự xã hội. Báo chí đã đăng nhiều thông tin liên quan đến các vụ đâm chém nhau nghiêm trọng mà nơi khởi nguồn chính là từ những quán “cóc” này.
Một câu hỏi đặt ra là chính quyền cơ sở bất lực hay làm chưa hết trách nhiệm? Tôi mong chữ “bất lực” không xảy ra.
Công bằng mà nói cấp quận, huyện, phường, xã đã luôn cố gắng ổn định tình hình, song có lẽ chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên nên hiệu quả không cao. Thường là khi nào báo chí nêu mới tập trung làm, nhưng chỉ được một thời gian rồi vẫn như cũ.
Từ năm 2010, quận tôi chọn một tuyến đường, mỗi phường chọn ít nhất một đường hoặc hẻm để sáng thứ bảy (hoặc chủ nhật) hàng tuần tổ chức ra quân làm vệ sinh, dọn dẹp lòng lề đường. Nhưng ý tưởng này chỉ thực hiện được vài tháng đầu, sau đó thưa dần: mỗi tháng làm một lần và hiện nay… ngưng hẳn. Nói vậy để thấy rằng một khi vẫn còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi” thì không thể mong kết quả tốt.
Chúng ta có đủ hệ thống chính quyền các cấp, cùng nhiều ban ngành, đoàn thể cho đến cán bộ khu phố, tổ dân phố. Vấn đề ở chỗ phát huy năng lực làm việc của bộ máy như thế nào? Phân công trách nhiệm rõ ràng chưa? Chuyện dù nhỏ hay lớn nếu thiếu sự đồng bộ cũng khó đạt được.
Vì vậy, thành phố hãy ra “tối hậu thư” cho các giám đốc sở, bí thư, chủ tịch UBND 24 quận, huyện thời hạn 30 ngày phải làm cho lề đường, vỉa hè thông thoáng 24/24. Để từ đó, lãnh đạo quận, huyện vừa xắn tay áo làm việc vừa chỉ đạo cấp phường, xã xây dựng kế hoạch hành động, có phân công trách nhiệm rõ ràng.
Phân công ở đây bao gồm cả phần việc từng ngành, từng người phải đảm đương và chỉ định cụ thể địa bàn, tuyến đường nào do ai chịu trách nhiệm.
Điều không thể thiếu nữa là không thực hiện được sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc, đồng thời bố trí người khác thay thế.
Vai trò của cấp cơ sở rất quan trọng. Lãnh đạo địa phương cần bố trí mỗi cán bộ chủ chốt đảm đương một khu vực nhất định, ai không hoàn thành sứ mệnh thì tự giác từ chức.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân không lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, các ngành chức năng cũng cần vận động nhân dân không mua hàng ở lề đường. Tập thói quen mua sắm trong chợ, siêu thị hoặc cửa hàng không chiếm lề đường.
Nên nghiên cứu, áp dụng cách làm của thành ủy . Ai vi phạm sẽ bị lập biên bản, chụp ảnh, quay phim làm cơ sở xử lý kỷ luật (Tuổi Trẻ 6-11-2013).
Không có người mua sẽ không có kẻ bán, nếu chúng ta đồng lòng không mua hàng bên lề đường thì trong vòng vài tuần người bán phải đổi nghề hoặc tìm nơi hợp pháp để kinh doanh.
Không cần đi nước ngoài xa xôi, tốn kém, chỉ cần học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng là được.
Cũng là thành phố lớn, đông dân, thu hút nhiều khách du lịch nhưng từ chục năm nay Đà Nẵng hầu như không còn nạn ăn xin, hàng rong chèo kéo khách, chuyện buôn bán lấn chiếm lòng lề đường càng không có chỗ đứng. làm một người bị thương (Tuổi Trẻ 16-2) chính là minh chứng thuyết phục nhất.
TP.HCM sẽ trở thành nơi đáng sống nếu cũng làm được như vậy".
Tuổi Trẻ làm cầu nối Song song với việc đăng các ý kiến dưới phần BÌNH LUẬN dưới từng bài viết, bắt đầu từ ngày 18-2 Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) sẽ mở thêm chuyên mục Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM để người dân có thể chuyển những ý kiến hiến kế cũng như kỳ vọng của mình đến lãnh đạo TP.HCM. Các ý kiến hay sẽ được đăng tải trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ hoặc chuyển trực tiếp đến những người có trách nhiệm. Kính mời bạn đọc gởi ý kiến đóng góp, hiến kế cho lãnh đạo TP.HCM về địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P9, Q. Phú Nhuận TP.HCM hoặc gởi qua địa chỉ email: [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận