25/08/2016 15:41 GMT+7

TP.HCM cấm dạy thêm trong nhà trường: “Hãy đối thoại với chúng tôi”

HOÀNG HƯƠNG thực hiện, hoanghuong@tuoitre.com.vn
HOÀNG HƯƠNG thực hiện, [email protected]

TTO - Đó là đề nghị của cô Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TP.HCM, khi nói về quyết định cấm dạy thêm - học thêm trong nhà trường phổ thông từ năm học 2016-2017 của lãnh đạo TP.

Cô Thu Cúc và các học sinh của mình - Ảnh: Trường Gia Định cung cấp
Cô Thu Cúc và các học sinh của mình - Ảnh: Trường Gia Định cung cấp

Cô Cúc cho biết: “Tôi hiểu lý do tại sao lãnh đạo TP muốn cấm dạy thêm - học thêm trong trường phổ thông. Vì đâu đó cũng có trường hợp giáo viên ép học sinh phải học thêm với mình; hoặc có trường đã yêu cầu học sinh phải học thêm, mặc dù các em không có nhu cầu.

Điều này gây bức xúc không ít cho phụ huynh, học sinh và xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là vài trường hợp cá biệt.

Tôi cho rằng trước một vấn đề nên nhìn đến cái chung, đến số đông những nhà giáo tâm huyết, chứ đừng nhìn vào vài trường hợp riêng lẻ. Lệnh cấm như một sự đánh đồng tất cả giáo viên dạy thêm đều “không ra gì”. Vì vậy, quyết định không cho dạy thêm trong nhà trường là chưa thuyết phục, gây tổn thương, ấm ức cho đội ngũ giáo viên.

* Như vậy, dạy thêm - học thêm trong nhà trường phổ thông có những ưu điểm nào, thưa cô?

- Ở đây tôi sẽ phân tích thêm từ những điều thực tế mà Trường Gia Định đã làm. Không phải tất cả học sinh Gia Định đều học thêm trong trường, và không phải cứ em nào thích là đăng ký rồi học chung lớp với nhau. Các em được xếp lớp theo trình độ, theo nhu cầu và được chọn giáo viên để học. Sau 1-2 tuần, nếu không hợp, các em vẫn được đổi lớp khác.

Thậm chí, nếu đã học được một thời gian mà cảm thấy không thể tiếp tục thì nhà trường vẫn trả lại học phí. Giáo viên cũng vậy, có những thầy cô chuyên dạy ở những lớp “đỉnh”, để học sinh có thể thi đậu vào trường đại học tốp đầu. Có những giáo viên chuyên dạy những lớp học sinh mất căn bản, yếu kém.

Bên cạnh đó, với những học sinh gia cảnh khó khăn muốn học thêm, trường lập danh sách và làm việc với thầy cô, các em được miễn phí hoàn toàn. Hầu hết những em này đều đậu đại học, có cả đậu vào trường y.

Thử hỏi: với đề thi như năm nay, nếu các em chỉ học trong lớp chính khóa thì làm sao đủ sức thi đậu trường y? Hoặc các em ấy ra trung tâm luyện thi đại học bên ngoài, trình bày rằng em nghèo quá, cho em học miễn phí, liệu người ta có nhận hay không?

Về phía giáo viên, có những thầy cô nói với tôi: họ thích dạy thêm do nhà trường tổ chức vì thoải mái, mọi việc đều minh bạch và công khai, không lo bị nghi ngờ ép học sinh học thêm.

Rồi chưa kể đến học phí học thêm trong trường THPT được các trường rất cân nhắc và thường rẻ hơn so với các trung tâm bên ngoài.

Ngoài ra, phải thừa nhận rằng dạy thêm - học thêm trong trường góp phần nâng cao đời sống không chỉ cho những giáo viên trực tiếp đứng lớp, mà còn giúp tăng thu nhập hằng tháng cho tất cả cán bộ - giáo viên - nhân viên (qua việc bổ sung cho quỹ phúc lợi); giúp chi tiền thưởng trong dịp lễ tết...

* Được biết, cô cũng có đứng lớp dạy thêm?

- Tôi dạy thêm mấy chục năm nay rồi. Tôi không phủ nhận một điều: nhờ dạy thêm mà cuộc sống gia đình tôi được cải thiện. Bản thân tôi cũng cảm thấy thoải mái và yêu nghề hơn, vì tôi có thêm thu nhập chính đáng. Cũng nhờ đó tôi có được sự thăng hoa, có thể dành tâm huyết cho những tiết dạy chính khóa và trong công việc của một cán bộ quản lý nhà trường.

* Vậy nếu lệnh cấm dạy thêm trong trường vẫn được áp dụng thì...?

- Nói thật, lệnh cấm làm tôi rất đau lòng. Đây là nỗi đau chung của anh em giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường phổ thông, chứ không chỉ riêng tôi.

Thành phố cho các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ được phép thành lập và hoạt động thì tại sao các trường lại không được làm? Nếu dạy thêm trong trường, hiệu trưởng chịu trách nhiệm chung, còn dễ quản lý về chất lượng, về chương trình giảng dạy của giáo viên, chứ các thầy cô ra ngoài trung tâm thì làm sao quản lý?

Tôi chỉ còn 1 năm nữa sẽ đến tuổi về hưu, cuộc sống kinh tế không phải lo lắng nữa, có cấm cũng không sao. Nhưng còn rất nhiều thầy cô giáo trẻ khác, ngoài tâm huyết, ngoài sự cống hiến cho sự nghiệp trồng người, họ cũng cần phải có tiền để nuôi con và cho con ăn học chứ.

Ở đa số các trường, lễ tết đều có tiền thưởng tuy không nhiều, trung thu có bánh cho các cháu thiếu nhi, đầu năm học có tiền mua trang phục cho thầy cô... Tất cả những điều ấy phần lớn là nguồn thu của dạy thêm - học thêm trong trường. Năm nay, không dạy thêm sẽ không có những khoản ấy, tôi và nhiều hiệu trưởng chưa biết phải nói sao với cán bộ - giáo viên - nhân viên trong trường.

* Xin hỏi cô câu cuối cùng: cô mong muốn điều gì trong thời điểm hiện tại?

- Tôi mong lãnh đạo TP hãy đối thoại với chúng tôi - những người trực tiếp quản lý và đứng lớp dạy thêm trong nhà trường phổ thông. Và nếu được, xin các cấp quản lý hãy gặp gỡ học sinh, để nghe các em nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Tôi đoán trước đây Sở GD-ĐT TP cũng đã có trình bày quan điểm, nguyện vọng của nhà trường phổ thông về dạy thêm - học thêm, nhưng có thể lãnh đạo TP nghĩ rằng sở đang bao biện cho anh em cấp dưới? Thế nên một buổi đối thoại trực tiếp sẽ rất có ý nghĩa.

Đừng xem việc dạy thêm là một tệ nạn

“Cần có biện pháp chế tài thật nặng đối với những trường hợp tiêu cực của dạy thêm - học thêm. Riêng những ưu điểm của nó thì cần phát huy, nhất là trong bối cảnh như hiện nay: nếu học sinh không học thêm rất khó đậu vào đại học, và việc cấm dạy thêm trong nhà trường phổ thông sẽ làm sụt giảm chất lượng giáo dục của TP.

TP nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn rất nhiều những nhà giáo đi dạy thêm là vì học trò chứ không hẳn vì miếng cơm manh áo. Đừng xem việc dạy thêm của chúng tôi là một tệ nạn”.

Cô NGUYỄN THỊ THU CÚC

HOÀNG HƯƠNG thực hiện, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp