Theo dự thảo đề án cải thiện nhà vệ sinh công cộng, hiện TP.HCM có khoảng 2.165 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó có 283 nhà vệ sinh ở khu vực công cộng như công viên, vỉa hè, bến xe; 1.882 nhà vệ sinh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trụ sở công…
Nhiều nhà vệ sinh đã lâu, mẫu mã lạc hậu, chưa đạt tiêu chuẩn và chưa phù hợp, hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan và kiến trúc hiện đại của TP.HCM. Một số nhà vệ sinh chỉ được vệ sinh định kỳ, không có người vận hành, không thu phí nên chất lượng kém.
Hiện nay, việc đầu tư, quản lý, bảo dưỡng nhà vệ sinh công cộng có nhiều khó khăn. Như việc TP.HCM chưa có đủ quỹ đất công cộng, vướng pháp lý khi làm nhà vệ sinh trên đất đường bộ.
Phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định khi sử dụng đất, vỉa hè công, phải thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè. Bên cạnh đó, ý thức người sử dụng nhà vệ sinh công cộng chưa cao…
Thời gian qua, TP.HCM đã thí điểm một số mẫu mã nhà vệ sinh tại quận 1, quận 7.
Trong khi UBND quận 1 đánh giá các nhà vệ sinh này đảm bảo vệ sinh, thì UBND quận 7 lại cho rằng thực tế chưa thu hút người dân có nhu cầu sử dụng, hiệu quả chưa cao…
Đề án nhằm cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng; tạo cơ chế thuận lợi và sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị chủ trì lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện xây mới, nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng bằng các hình thức khác nhau, khuyến khích áp dụng xã hội hóa…
Dự thảo đề án đề ra đến hết quý 4-2024, TP.HCM tiếp tục vận động thêm ít nhất 200 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại quận 1, 3, 5 đồng ý cho sử dụng nhà vệ sinh.
Đến hết quý 1-2025, TP.HCM sẽ nâng cấp 80 nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, đồng thời vận động 300 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại mỗi quận huyện đồng ý cho dùng nhà vệ sinh.
Đến hết quý 3-2025, TP.HCM hoàn thành xây mới 172 nhà vệ sinh công cộng. Vận động 500 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại mỗi quận huyện đồng ý cho dùng nhà vệ sinh.
Đến hết quý 4-2025, TP.HCM tiếp tục vận hành, bảo dưỡng định kỳ các nhà vệ sinh công cộng. Vận động 600 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại mỗi quận huyện cho dùng nhà vệ sinh, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các vị trí phù hợp để đầu tư mới nhà vệ sinh công cộng.
Về hình thức đầu tư, các đơn vị chủ động nghiên cứu và lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với điều kiện của địa phương theo đầu tư công hoặc xã hội hóa. Trong đó, ưu tiên hình thức đầu tư xã hội hóa để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
TP.HCM thiếu nhà vệ sinh công cộng
Đầu tháng 2-2023, dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia cho biết chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM xếp vị trí 67/69 thành phố du lịch trên thế giới.
Tình trạng vừa thiếu vừa quá tải nhà vệ sinh công cộng ngày càng nghiêm trọng. Tại các tuyến đường sầm uất như Bùi Viện, Đề Thám (quận 1), Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch (quận 3)... đều không có nhà vệ sinh công cộng.
Trong khi đó, một số nhà vệ sinh trên đường Tú Xương, Lê Quý Đôn (quận 3) thường xuyên đóng cửa.
Để có thể tìm thấy nhà vệ sinh, du khách và người dân phải tìm kiếm các khu vực xung quanh hoặc đi nhờ ở những cửa hàng, quán cà phê hoặc trung tâm thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận