Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải phát biểu tại buổi họp báo chiều 1-11 - Ảnh: ĐAN THUẦN
Chiều 1-11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh TP đã trải qua một tháng nới lỏng giãn cách xã hội.
TP.HCM duy trì cấp độ 2, không còn địa phương vùng cam
Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết UBND TP vừa có thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch tính đến 1-11. Theo đó toàn TP đang ở cấp độ 2 (vùng vàng).
Còn đối với cấp quận, huyện và TP Thủ Đức hiện có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh); 9/22 địa phương đạt cấp độ 2 và không có địa phương ở cấp độ 3. Cụ thể, 9 địa phương thuộc cấp độ 2 gồm: quận 3, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn.
Ông Hải cho biết thêm hiện các bệnh viện đang điều trị 11.230 bệnh nhân, trong đó có 653 trẻ em dưới 16 tuổi, 255 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 31-10 có 624 bệnh nhân nhập viện, 473 bệnh nhân xuất viện. Tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 252.316 người. Trong ngày có 25 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay là 16.706.
Về tình hình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tính đến ngày 31-10 đã triển khai tiêm hơn 13,3 triệu mũi, trong đó mũi 1 là hơn 7,6 triệu, mũi 2 là hơn 5,7 triệu.
Đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM làm gì để đối phó biến thể phụ AY.4.2 của Delta?
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện TP.HCM đã qua đỉnh dịch đợt dịch thứ 4 và vẫn duy trì những biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế TP đang cùng với các chuyên gia của Bộ Y tế và chuyên gia thế giới có mặt tại TP.HCM tiếp tục theo dõi diễn biến đối với biến thể AY.4.2 trên thế giới.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP cùng Sở Y tế đang lấy mẫu giám sát tầm soát; đồng thời nghiên cứu, giải mã trình tự gene đối với biến chủng và xem xét đặc tính virus.
Về việc triển khai các kịch bản chống dịch với biến chủng mới này, bà Mai cho hay qua thực tiễn chống dịch, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm.
"Với thực tiễn này, TP.HCM sẽ áp dụng nếu như có sự cố xảy ra cho những đợt dịch sau" - bà Mai nói và nhấn mạnh người dân không nghĩ rằng dịch đã ổn định, TP đã trở về bình thường mà chủ quan, lơ là và cần tuân thủ biện pháp 5K.
Biến thể AY.4.2 lây lan ra sao?
Theo số liệu tính đến ngày 25-10, biến thể AY.4.2 đã được phát hiện tại ít nhất 42 quốc gia, trong đó có Canada, Úc, Nhật Bản, nhiều nước châu Âu... Anh là quốc gia phát hiện biến thể AY.4.2 đầu tiên.
Giáo sư Francois Balloux - giám đốc Viện Di truyền tại Đại học London (Anh) - cho biết AY.4.2 có thể có mức độ lây nhiễm cao hơn từ 10-15% so với biến thể Delta ban đầu. AY.4.2 chứa đột biến A222V và Y145H có khả năng xâm nhập được vào tế bào.
Tính đến nay có khoảng 23.407 ca mắc biến thể AY.4.2 được ghi nhận trên khắp thế giới, trong đó Anh chiếm phần lớn số ca nhiễm (21.848 ca). Tại Mỹ, biến thể này được phát hiện tại 33 tiểu bang với tổng cộng 130 ca.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa AY.4.2 vào diện "biến thể đang được điều tra" hoặc "biến thể đáng lo ngại".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận