Tiêm vắc xin tại Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) chiều 12-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vậy lượng vắc xin còn và sắp về trong thời gian tới là bao nhiêu, nhằm cung cấp đủ cho các tỉnh thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm này?
TP.HCM: nhiều quận đã ngưng tiêm vì hết vắc xin
Ngày 12-8, nhiều điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở TP.HCM đã phải ngưng tiêm vì hết vắc xin và chờ kế hoạch phân bổ tiếp của ngành y tế.
UBND TP Thủ Đức cho biết toàn bộ các điểm tiêm cố định ở Thủ Đức đã tạm ngừng trong ngày 12-8. Nhiều người dân khi đến các điểm tiêm vắc xin trước đó "cửa đóng then cài", phía ngoài không dán thông báo lịch tiêm cụ thể như trước.
Tương tự, đại diện UBND quận 7 và quận Bình Thạnh cũng cho biết hiện các điểm tiêm ở quận này đã ngừng vì hết vắc xin.
Trong khi đó, ở một số địa điểm khác, công tác tiêm vẫn còn tiếp tục. Theo ông Đỗ Anh Khang - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - từ đầu chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 (ngày 24-7) đến sáng 12-8, quận đã tiêm hơn 150.000 liều, như vậy tỉ lệ vắc xin bao phủ người từ 18 tuổi trở lên tại quận đạt gần 30%.
Sáng cùng ngày, quận được Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cấp thêm 10.000 liều vắc xin và sẽ tiêm vào ngày 13-8. "Nếu được phân bổ đủ lượng vắc xin, quận phấn đấu sẽ hoàn thành sớm chỉ tiêu giao là phủ 70% vắc xin cho người dân ở quận", ông Khang cho hay.
Còn tại quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Đông Tùng - chủ tịch UBND quận - cho hay đến nay có 90% số người trên 18 tuổi trở lên trên địa bàn quận đã được tiêm vắc xin. Với 10% người dân còn lại, quận cần thêm khoảng 7.000 - 8.000 liều vắc xin. Dự kiến ngày 13-8, quận sẽ hoàn tất tiêm vắc xin đợt 5 theo kế hoạch thành phố.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12-8 về tình hình thiếu vắc xin ở nhiều điểm tiêm, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết với số lượng vắc xin vừa được Bộ Y tế phân bổ bổ sung cộng với 263.900 liều vắc xin Astrazenca còn thì chỉ đủ tiêm trong 1 ngày.
Về tình hình những ngày tới, ông Nam cho biết TP.HCM đã có 1 triệu liều vắc xin Vero Cell vừa được Bộ Y tế đồng ý cho sử dụng. TP.HCM sẽ tiến hành tiêm loại vắc xin này cho người dân theo tinh thần tự nguyện.
Khi tiêm, nhân viên y tế sẽ giải thích cho người dân đầy đủ. "Tuy nhiên với tốc độ tiêm hiện nay, nếu đưa vắc xin Vero Cell tiêm trong cộng đồng thì chỉ 3 đến 4 ngày lượng vắc xin này cũng hết và TP.HCM tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu vắc xin nếu không được tiếp tục phân bổ", ông Nam bày tỏ.
Theo Sở Y tế, kế hoạch trước đó thành phố đặt mục tiêu trong tháng 8 cần tới 5 - 5,5 triệu liều vắc xin để có thể tiêm cho 70% người dân (từ 18 tuổi trở lên) để đạt miễn dịch cộng đồng. UBND TP đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cần hỗ trợ phân bổ lượng vắc xin này.
Đến nay, quận 11 (TP.HCM) đã tiêm xong vắc xin mũi 1 cho người dân ở quận - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bình Dương: cạn vắc xin
Tỉnh Bình Dương - điểm nóng dịch hiện nay - có 2,6 triệu người (52% là lao động nhập cư làm việc tại 30 khu công nghiệp) cần được tiêm vắc xin.
Do đó tỉnh này cần ít nhất 4 triệu liều vắc xin để tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh này mới được Bộ Y tế phân bổ 568.000 liều. Do vậy, trước mắt theo lãnh đạo tỉnh, đang cần gấp ít nhất 1 triệu liều vắc xin để tiêm cho người lao động, công nhân nhằm duy trì sản xuất.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, tới ngày 12-8 đã phối hợp với chủ đầu tư các khu công nghiệp tiêm hơn 100.000 liều vắc xin được phân bổ. Tuy nhiên, lượng vắc xin nói trên vẫn là quá ít, đáp ứng chưa tới 10% trong tổng số hơn 1 triệu công nhân, người lao động tại các nhà máy ở Bình Dương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại Bình Dương đều nêu lo lắng trước nguy cơ phải đóng cửa đồng loạt vì áp lực COVID-19, khi người lao động chưa được tiêm vắc xin.
Một chủ đầu tư khu công nghiệp lớn có hàng trăm nhà máy đang hoạt động tại Bình Dương cho biết theo khảo sát đã có khoảng 70% doanh nghiệp tạm ngưng, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp duy trì "3 tại chỗ" với quy mô sản xuất cũng giảm.
Ông Mai Hữu Tín - chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương - cho biết vắc xin là giải pháp tốt nhất, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất nên cần ưu tiên vắc xin cho công nhân, người lao động ở "tuyến đầu sản xuất".
Thế nhưng thực tế tỉnh Bình Dương lại đang cạn kiệt vắc xin. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nóng ruột tới mức xin tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax (đang chờ cấp phép chính thức) nhưng tới nay đề nghị này chưa được chấp thuận.
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết với tốc độ gia tăng ca mắc hiện nay, tổng số ca nhiễm của tỉnh sẽ còn tăng.
Đặc biệt hiện nay các đô thị phía nam của Bình Dương giáp với TP.HCM là khu vực có số ca mắc cao nhất và cũng là vùng tập trung nhiều nhà máy sản xuất cho chuỗi cung ứng của cả nước và toàn cầu.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Thủ tướng và Bộ Y tế cấp cho tỉnh này 1 triệu liều vắc xin càng sớm càng tốt để tiêm cho công nhân nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tiêm vắc xin cho công nhân tại Khu công nghiệp Đồng An 1, tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.SƠN
Đồng Nai, Long An: có chưa tới 1 triệu liều
Trước việc người dân và doanh nghiệp đang trông ngóng được tiêm vắc xin, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết Đồng Nai nếu tính cả người dân và công nhân có khoảng 2,5 triệu người. Do đó Đồng Nai cần khoảng 5 triệu liều vắc xin mới có thể tiêm đủ 2 mũi để đạt miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế mới phân bổ được hơn 535.000 liều. "Vì vậy thời điểm này vắc xin đang là vấn đề bức bách vì tỉnh đang cần ít nhất cả triệu liều vắc xin mới có thể đáp ứng nhu cầu quá bức thiết của doanh nghiệp cũng như người dân", ông Vũ nêu vấn đề.
Ông Vũ cũng khẳng định Đồng Nai là một trong những tỉnh thành đang có nguy cơ dịch bùng phát rất cao nên nếu có thêm nhiều vắc xin thì tỉnh tổ chức tiêm thêm cho những "vùng đỏ" - vùng có nguy cơ cao, để làm sao khống chế dịch bệnh lây lan.
"Nhiều nơi đã xác định "vùng đỏ" phải ưu tiên tiêm như khu vực TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch... Đặc biệt, các khu công nghiệp hiện nay ở "vùng đỏ" đang thực hiện sản xuất 3 tại chỗ nên rất cần số lượng lớn vắc xin để kịp thời tiêm cho những công nhân đang làm việc ở đó", ông Vũ nói.
Riêng tại Long An, ông Huỳnh Minh Phúc - giám đốc Sở Y tế - cho biết vào cuối tháng 7 Bộ Y tế đã có công văn sẽ cấp cho Long An tổng cộng hơn 2,39 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Dự kiến nhu cầu tại tỉnh này cần đến hơn 2,54 triệu liều vắc xin để tiêm cho toàn dân.
Tuy nhiên tính đến nay, Bộ Y tế mới phân bổ vắc xin về Long An với tổng cộng 399.950 liều. Hiện tại việc tiêm miễn dịch cộng đồng tại tỉnh này đang được tiến hành giai đoạn 1, với mục đích tiêm nhanh cho hơn 825.000 người tại các địa phương "vùng đỏ" đang có dịch phức tạp tại Long An là Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa và TP Tân An. Giai đoạn 2, tỉnh này dự kiến tiêm cho 10 huyện, thị xã còn lại để đạt được tổng cộng hơn 1,36 triệu người được tiêm.
Do đó, theo ông Phúc, tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm phân bổ đủ lượng vắc xin để kịp thời tiêm chủng theo đúng các kế hoạch đã đề ra.
Tiêm vắc xin cho công nhân ở Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Tháng 8 - 9 có 12 triệu liều vắc xin về Việt Nam
Theo thông tin của Tuổi Trẻ nắm được, số lượng vắc xin sắp tới về sẽ nhiều hơn dự báo, dù không nhiều. Vắc xin về từ nhiều nguồn, cụ thể sẽ có gần 10 triệu liều AstraZeneca về trong tháng 8 và 9. Ngoài ra cũng sẽ có hơn 2 triệu liều Pfizer và số lượng vắc xin đã mua từ Sinopharm (Trung Quốc) cũng có thể được giao trong thời gian này.
Trong số nguồn vắc xin trên sẽ có hai lô với tổng số lượng hơn 1 triệu liều sẽ về trước 15-8 và hằng tuần đều có vắc xin về thêm. Với số lượng vắc xin trên, dự báo có khả năng gần đủ lượng vắc xin để phân bổ theo tiến độ tiêm chủng hiện nay tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận.
Ngoài ra, thông tin từ một số đơn vị nhập khẩu vắc xin cũng cho hay các đơn vị này đang đàm phán và có khả năng cao được nhập khẩu một số loại vắc xin Sputnik V, Pfizer...
L.ANH
Bác sĩ Lương Trường Sơn (nguyên phó viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, Bộ Y tế):
"Tôi cho rằng việc phân bổ kịp thời vắc xin cho TP.HCM và các tỉnh lân cận Bình Dương, Đồng Nai, Long An là rất cần thiết. Làm sao để người dân các tỉnh thành này sớm được tiêm vắc xin và hơn nữa là tiêm đủ 2 mũi nhằm tiến tới miễn dịch cộng đồng cho cả khu vực".
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng):
Việc tiêm nhanh, tiêm nhiều vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo tỉ lệ tiêm cao rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Do đó Chính phủ và Bộ Y tế đều có chủ trương ưu tiên hàng đầu vắc xin cho TP.HCM.
Khi có nguồn vắc xin về nước, Bộ Y tế luôn ưu tiên phân bổ số lượng hàng đầu cho TP.HCM mới mong đạt được miễn dịch cộng đồng (70% dân số của TP.HCM phải tiêm đủ hai mũi vắc xin).
THÙY DƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận