28/04/2023 14:46 GMT+7

TP.HCM và các địa phương ra văn bản trái luật, lỗ hổng ở đâu?

Tại sao TP.HCM và gần đây là Lâm Đồng, Hà Nội cũng như một số địa phương lại có những quy định, chỉ đạo, văn bản trái luật. Lỗ hổng ở đâu?

TP.HCM và các địa phương ra văn bản trái luật, lỗ hổng ở đâu? - Ảnh 1.

UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản tạm ngưng tách thửa đất nông nghiệp trên diện rộng khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng - Ảnh: M.V.

Hàng loạt địa phương xảy ra chuyện UBND tỉnh, thậm chí sở ngành có những văn bản, quy định, chỉ đạo riêng trái luật.

Mới đây, Tuổi Trẻ Online liên tục phản ánh vướng mắc của người dân TP.HCM trong việc chuyển đổi mục đích, tách thửa và xin phép xây dựng trong khu dân cư xây dựng mới.

Văn bản trái luật: Coi thường pháp luật, thậm chí lợi dụng trục lợi

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có quyết định tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trái luật gây phản ứng. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã vào cuộc làm rõ.

Mới đây, sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cũng mới quyết định bãi bỏ văn bản trái luật, yêu cầu các địa phương tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách thửa theo quy định.

Nói về hiện tượng này, PGS.TS Võ Trí Hảo, nguyên trưởng khoa luật, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng gốc gác việc ban hành các văn bản, chỉ đạo trái luật là do có sự coi thường pháp luật của chính quyền địa phương.

Cũng có trường hợp có những nỗi lo sợ mơ hồ và chính quyền địa phương, sở ngành bất chấp pháp luật, không quan tâm đến thẩm quyền, quy trình, thể loại văn bản ban hành.

"Không loại trừ ở một số địa phương có hiện tượng phe nhóm, trục lợi. Ví dụ ông A đứng ra đạo diễn rồi nói ông B đi thu gom đất, rồi sau đó đến nói ông C (có thẩm quyền) ban hành văn bản cấm chuyển đổi để giá đất khu vực ông A định thu gom giảm xuống. Khi ông A thu gom được số lượng đất mong muốn, ông C tháo quy định ra. Việc này gọi là tự đặt rào cản cho tất cả mọi người và tự dỡ rào chắn cho chính mình", ông Hảo nêu.

Theo ông Hảo, lỗ hổng nằm ở chỗ hiện luật chỉ quy định hình thức chế tài hành chính và hình sự đối với việc ban hành văn bản trái luật. Thực tế, chế tài hình sự khó áp dụng bởi thường các văn bản trái luật liên quan đến tập thể.

Mặt khác, nếu xử phạt hành chính lại coi như lấy tiền nhà nước bỏ vào ngân sách, vô nghĩa. Ngay cả kỷ luật cán bộ có trách nhiệm cũng khó thực hiện. Ông Hảo cho hay, ở Mỹ và nhiều nước họ nghĩ cách đơn giản bằng cách quy định bất kỳ văn bản của cơ quan công quyền nếu không đăng công báo sẽ không có giá trị áp dụng.

"Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chỉ quy định bắt buộc đăng công báo đối các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản khác không bắt buộc. Cần lấp lỗ hổng này bằng quy định theo hướng trừ trường hợp khẩn cấp đặc biệt, còn lại các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước bắt buộc đăng công báo trước 6 tháng mới có giá trị áp dụng", ông Hảo kiến nghị.

Bổ sung quyền cho người dân kiện văn bản trái luật

TP.HCM và các địa phương ra văn bản trái luật, lỗ hổng ở đâu? - Ảnh 2.

Người dân TP.HCM chờ văn bản chính thức tháo gỡ vướng mắc việc chuyển mục đích, xây dựng trong khu dân cư xây dựng mới bị dừng trái luật lâu nay - Ảnh: TỰ TRUNG

ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên khoa luật, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng Hiến pháp quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, không thể bằng các văn bản hành chính bình thường.

Theo ông Khanh, trước đây khi trình độ dân trí chưa cao, các cơ quan quản lý cứ phát văn bản theo ý chí cục bộ, nhưng bây giờ trình độ dân trí cao, phản biện xã hội thành trào lưu… đã trở thành luồng dư luận tác động trở lại để các cơ quan quản lý nhận ra họ làm sai và thu hồi các văn bản.

Ông Khanh cho rằng cần xác định trách nhiệm các cơ quan, chủ thể ban hành văn bản chỉ đạo trái luật. Chủ thể nào tham mưu, chủ thể ban hành phải chịu trách nhiệm công vụ, thậm chí xử lý kỷ luật nếu để lại hậu quả lớn.

Ủng hộ giải pháp của PGS.TS Võ Trí Hảo, nhưng theo ông Khanh, cũng cần phải làm rõ kể cả các văn bản hành chính đăng công báo cũng phải xem lại tính hợp pháp của văn bản đó. Nếu trái luật, không thể có giá trị.

Mặt khác, người dân có quyền khởi kiện để hủy bỏ các văn bản hành chính trái luật. Tuy nhiên, bất cập là luật hiện nay quy định vụ án hành chính phải là vụ việc cụ thể, trong khi các văn bản hành chính lại chỉ đạo chung không hướng đến chủ thể cụ thể. Do đó, người dân hiện không thể khởi kiện đối với văn bản pháp luật.

"Ở nước ngoài thường dựa vào hiến pháp để hủy các quyết định, văn bản của cơ quan nhà nước trái luật. Còn ở Việt Nam, phải sửa luật theo hướng cho người dân khởi kiện các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước trái pháp luật tác động đến quyền của dân, coi đây như vụ án hành chính".

Đất dân cư xây dựng mới TP.HCM: Giám đốc sở nói luật cho phép, chuyên gia nói nhầm lẫnĐất dân cư xây dựng mới TP.HCM: Giám đốc sở nói luật cho phép, chuyên gia nói nhầm lẫn

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM nói luật cho phép khái niệm quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, nhưng chuyên gia cho rằng có sự nhầm lẫn, cần gỡ để dân chuyển mục đích.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp