Một khu "nhà giá rẻ" trên địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM), hiện nguồn cung nhà "giá phù hợp" ở TP.HCM khan hiếm trong khi nhu cầu với phân khúc này lại rất cao - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại báo cáo đánh giá thị trường bất động sản năm 2021, xu hướng năm 2022 do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi Thủ tướng, HoREA đã chỉ những nghịch lý trong thị trường bất động sản TP.HCM.
HoREA nhận định trong các năm gần đây, thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất TP.HCM đã có biểu hiện "lệch pha cung - cầu, lệch pha phân khúc thị trường", và đã có dấu hiệu thừa cung trong phân khúc thị trường căn hộ bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), vừa rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Nhận xét về nguồn cung dự án trong giai đoạn 2016-2021, HoREA đã dẫn chứng các số liệu để cho thấy tỉ lệ căn hộ giá bình dân từ ở mức cao vào các năm trước đã tụt dốc xuống dần, đến năm 2020 còn 1 % và đến năm 2021 rơi xuống đáy khi tỉ lệ là 0%, ngược lại chiếm ưu thế lại là căn hộ giá cao.
Cụ thể, tỉ lệ căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m²) có 58.241 căn (chiếm tỉ lệ 37,2% trong tổng số nhà ở dự án), căn hộ trung cấp (giá từ 25-40 triệu đồng/m²) có 69.899 căn (44,6%), căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m²) chỉ có 28.295 căn (18%), rất thấp trong tổng số nhà ở dự án trong giai đoạn 2016-2021.
Đáng lo lắng, từ năm 2020, căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà đã không còn căn hộ bình dân (0%), ngược lại có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm 73,98%, còn lại là nhà ở trung cấp, chiếm 26,02% tại thị trường TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA - cho rằng cơ cấu sản phẩm nhà ở như trên là biểu hiện rõ nét của tình trạng lệch pha cung - cầu, thị trường bất động sản phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững, do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp.
Theo ông Châu, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung - cầu do thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung "nhà ở có giá phù hợp với thu nhập" và "nhà ở xã hội", chưa đáp ứng được nhu cầu tạo lập nhà ở, thuê nhà ở rất lớn của đa số người dân thuộc tầng lớp có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức… nhưng lại có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng.
"Trong năm 2022 cần xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển mạnh mẽ nhà ở có giá phù hợp với thu nhập và nhà ở xã hội, để cân bằng thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở" - ông Châu nói.
Căn hạng C cũng có giá lên đến 60 triệu đồng/m²
Đánh giá về thị trường căn hộ tại TP.HCM, Savills Việt Nam cũng chỉ ra thực tế là giá nhà ở phân khúc hạng C cũng tăng đến 27%, dẫn đến rất khó để tìm kiếm căn bộ bình dân.
Cụ thể, Savills Việt Nam cho biết các dự án hạng C có giá bán trung bình trong năm 2021 ở mức 56,5 triệu đồng/m² thông thủy (diện tích sử dụng), tăng 27% theo năm. Riêng trong quý 4 năm ngoái, ngoại trừ một dự án có giá bán dưới 30 triệu đồng/m² thông thủy, các dự án hạng C còn lại có giá bán dao động từ 37 đến 60 triệu đồng/m² thông thủy.
Theo Savills Việt Nam, năm 2021, tổng nguồn cung sơ cấp căn hộ tại TP.HCM đạt tỉ lệ thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận