Những nội dung liên quan đến ưu thế của việc làm đường trên cao đã được ông Hoàng Phúc Dũng - phó trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM - khẳng định trong họp báo kinh tế và xã hội TP.HCM chiều 3-10.
Theo ông Dũng, hiện TP.HCM có hơn 10 triệu dân và đang phát triển nhanh chóng. Với mật độ giao thông rất cao, việc xây dựng các tuyến đường trên cao giúp tách biệt dòng xe, giảm áp lực cho các tuyến đường mặt đất, cải thiện tốc độ đi lại và giảm thiểu thời gian chờ đợi tại các nút giao.
Đồng thời đường trên cao còn giúp kết nối thuận lợi, nhanh chóng giữa các quận, trung tâm lớn hoặc liên kết vùng (đặc biệt là đi qua những khu vực có nhiều nút giao thông phức tạp).
"Do vậy, giải pháp làm đường trên cao là một trong những phương án hiệu quả nhằm giảm ùn tắc và kẹt xe tại TP.HCM trong giai đoạn hiện nay", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang nghiên cứu 5 dự án BOT đường hiện hữu ở TP theo cơ chế đặc thù.
Trong đó có nghiên cứu phương án làm đường trên cao đối với quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3), đoạn trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Đây là các trục giao thông huyết mạch, cửa ngõ ra vào thành phố, có tính chất liên kết vùng, thời gian qua luôn trong tình trạng quá tải, kẹt xe, tuy nhiên chưa thể nâng cấp mở rộng do chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư công.
Các dự án này khi hoàn thành sẽ mở rộng trục giao thông cửa ngõ của TP.HCM để tăng cường kết nối giao thông, hàng hóa với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đánh giá kỹ phương án làm đường trên cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - ủng hộ thành phố nghiên cứu làm một số tuyến đường trên cao để giảm kẹt xe, nhưng lưu ý tính toán kỹ cách thiết kế, mặt được và chưa được đối với người dân sinh sống dọc tuyến.
"Ví dụ về việc giải phóng mặt bằng mở rộng đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh khá khó, nên TP.HCM cần nghiên cứu thêm phương án làm đường trên cao. Với tôi, đây là một phương án khá ổn để so sánh với các phương án khác.
Chính quyền thành phố và nhà đầu tư hoàn toàn có quyền chọn phương án làm đường trên cao vì đã có quy hoạch rồi. Nếu giải tỏa gặp khó khăn và không giải tỏa đúng lộ giới đảm bảo mặt cắt ngang thì có thể làm đường trên cao, tăng mặt cắt ngang đường, đủ làn xe. Kinh phí đó có thể làm được, khả thi về tài chính".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận