Chiều 18-10, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.
"Không thể sống thiếu nhau"
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Lâm Sinh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - cho biết là tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn.
Đối với chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay Đồng Nai đã xây dựng và triển khai được 50 chuỗi, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn, chủ yếu thịt heo, gà, trứng, sản phẩm chế biến...
Hiện sản lượng hằng tháng của địa phương đạt gần 16.000 tấn thịt, rau củ quả, sản phẩm từ thịt, sữa (13.887 tấn thịt, 1.490 tấn sản phẩm chế biến từ thịt, sữa, 508 tấn rau, nấm) và hơn 10 triệu quả trứng...
"Phần lớn trong số sản phẩm nông nghiệp thực phẩm được địa phương sản xuất ra là cung cấp cho thị trường TP.HCM. Có thể nói TP.HCM và Đồng Nai không thể sống thiếu nhau, cần hợp tác để cùng nhau đi lên", ông Sinh nhận định.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - khẳng định việc chọn Đồng Nai là tỉnh thành đầu tiên để ký kết nhằm triển khai nâng cao quản lý chất lượng hàng hóa là cần thiết, bởi đây là địa phương cung cấp phần lớn thịt heo, gà, trứng cho hơn 10 triệu dân TP.HCM.
Cũng theo ông Phương, hiện TP.HCM đã hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi nhất về đảm bảo an toàn thực phẩm, là địa phương đầu tiên trong cả nước có Sở An toàn thực phẩm, có những đề án lớn và dài hơi trong việc giám sát an toàn thực phẩm.
Còn nhiều lo lắng, hạn chế trong việc kiểm soát
Theo ông Sinh, dù sản xuất nhiều và chất lượng sản phẩm được cải thiện nhưng hiện nay sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua liên kết chưa tương xứng với sản lượng.
Phần lớn việc tiêu thụ vẫn phải chịu sự chi phối từ các thương lái, khâu sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, thậm chí còn đâu đó nỗi lo trong việc kiểm soát các tồn dư về kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật...
"Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, đưa nông sản vào các chuỗi siêu thị giúp nhà sản xuất ý thức hơn trong việc phải nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, chương trình cần thông tin cụ thể, xuyên suốt, minh bạch để các nhà cung cấp hiểu, sớm thay đổi cho phù hợp", ông Sinh đánh giá.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Hà - đại diện Công ty Cohafood (Đồng Nai) - cho biết là đơn vị chuyên sản xuất giò chả nguyên chất, không dùng phụ gia, nhưng đơn vị cũng áp lực với khâu quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đầu vào...
Do đó, cần TP.HCM thông tin rõ hơn quy định, và cần sự hỗ trợ, tập huấn.
Nhiều đơn vị sản xuất cho rằng liên kết kiểm soát là tốt nhưng khâu quan trọng nhất là cần kiểm soát chất lượng đầu vào, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật... để khâu sản xuất được lành mạnh.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng giá cả và chất lượng là yếu tố quyết định đến sản phẩm. Sản phẩm chất lượng thường có giá cao, nhưng nếu không phân biệt được thì rất khó để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại chất lượng thấp.
Vì vậy, khi nhà sản xuất nâng cao chất lượng, các cơ quan nhà nước sẽ xác nhận, minh bạch mọi thứ để người tiêu dùng lựa chọn.
"Dự kiến đầu năm 2025, TP triển khai dán logo cho sản phẩm tham gia chương trình, đây như "tích xanh trách nhiệm", điều này giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được để lựa chọn sản phẩm", ông Phương nói.
Tại hội nghị, ba nhà phân phối lớn của TP.HCM gồm SATRA, Bách Hóa Xanh và Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ hàng hóa với 10 nhà cung cấp Đồng Nai. Các mặt hàng của các nhà cung cấp chủ yếu gà thịt, khô gà, rau củ quả tươi và chế biến...
Ngoài Đồng Nai, ngành công thương TP cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy việc ký kết này, đặc biệt ở các tỉnh thành có lượng hàng thực phẩm đưa về TP nhiều như Lâm Đồng, Tiền Giang, Bình Thuận...
Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM là nội dung được TP phát động từ 3-2024 với mục tiêu định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đến nay đã có 8 đơn vị bán lẻ lớn tham gia ký kết cùng với đông đảo nhà cung cấp.
Tham gia chương trình, nhà cung cấp tự giác, tự kiểm soát chất lượng sản phẩm, tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi; nhà bán lẻ tự nguyện hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp tuân theo quy định chung, công khai các vi phạm; trường hợp sản phẩm nhà cung cấp bị vi phạm tại một siêu thị này sẽ không được bán vào các siêu thị còn lại trong chương trình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận