Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân viên làm việc tại các khách sạn thực hiện cách ly tập trung ở TP.HCM - Ảnh: HCDC
Thông tin với báo chí vào sáng 19-4, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trên cơ sở 56.250 liều vắc xin được phân bổ từ Bộ Y tế, TP sẽ tiêm đợt 2 cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên.
Cụ thể, tiêm 45.190 liều vắc xin cho nhân viên y tế làm công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập và bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn thành phố (những người chưa được tiêm mũi 1 trong đợt 1); 2.000 liều vắc xin ưu tiên cho nhân viên làm việc có tiếp xúc với người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất và 9.050 liều vắc xin tiêm mũi thứ 2 dành cho nhân viên y tế đã được tiêm mũi 1.
Theo Sở Y tế TP.HCM, toàn ngành y tế thành phố hiện có hơn 60.000 nhân viên. Do số lượng vắc xin hạn chế nên trong chiến dịch tiêm chủng lần này các nhân viên làm công tác chuyên môn sẽ được ưu tiên. Thời gian tiêm vắc xin đợt 2 là từ ngày 19 đến 30-4 và hoàn thành tiêm vét trước ngày 15-5.
Nhằm đảm bảo an toàn khi thực hiện tiêm chủng, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng cần chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu. Các điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế quận, huyện, thành phố cần lập phương án phối hợp với bệnh viện gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm trong buổi tiêm chủng.
Riêng đối với điểm tiêm chủng lưu động tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện quận Tân Bình bố trí đội cấp cứu thường trực tại sân bay, sẵn sàng xử trí tại chỗ và vận chuyển người có sự cố bất lợi sau tiêm chủng đến bệnh viện nếu cần.
Các điểm tiêm chủng cần theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm, hướng dẫn người được tiêm tiếp tục tự theo dõi 7 ngày và liên lạc với cơ sở y tế gần nhất khi có sự cố bất lợi sau tiêm. Các đơn vị cũng cần phân công nhân sự giám sát về các sự cố bất lợi sau tiêm và báo cáo ngay khi có tai biến nặng xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận