Bữa ăn của học sinh học 2 buổi/ngày tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: T.THƯƠNG
Lo lắng này không phải của riêng chị Hà Thanh (có con sẽ học tại Trường tiểu học Trần Quang Cơ, Q.12, TP.HCM), mà cũng là điều không mong đợi của nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm học 2020-2021.
Lo tìm bán trú vệ tinh
Chị Hà Thanh kể trước đó nghe thông tin năm nay chính thức lớp 1 sẽ học 2 buổi/ngày, nên cha mẹ yên tâm có chỗ gửi bán trú cho con. "Khi xem thông báo từ phòng tôi thấy là chỉ học 1 buổi. Như thế là không thể nào đưa đón, chúng tôi có thay ca đổi giờ làm cũng không cách nào xoay được. Thế là chúng tôi phải tìm chỗ gửi bán trú để trưa có người đón con, chiều kèm bài, tối phụ huynh đưa về" - chị Thanh nói.
Tương tự, chị Ánh - có con sẽ vào lớp 1 trường tiểu học ở Q.Bình Tân - cũng vội vàng tìm bán trú vệ tinh cho con. Chị Ánh cho hay: "Nghe nói số lượng học sinh đông nên trường con tôi chỉ học 1 buổi/ngày. Tôi phải vội vàng tìm trường bán trú vệ tinh".
Năm học 2020-2021, cùng với cả nước, TP.HCM bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học với khối lớp 1. Để đảm bảo toàn bộ học sinh được học 2 buổi/ngày như yêu cầu, một số quận huyện rất chật vật vì phát triển trường lớp "không lại được" với tốc độ gia tăng dân số cơ học.
Quận tôi có 22 trường tiểu học. Năm học trước có 1 mô hình trường tiên tiến - hội nhập, 2 trường chuẩn quốc gia đó. Nhưng năm học tới phải "xóa" chuẩn quốc gia đối với Trường tiểu học Lê Quý Đôn (chuẩn quốc gia được 3 năm) vì sĩ số quá đông, vượt quy chuẩn là 30-35 học sinh/lớp.
Ông Nguyễn Thanh Thủy (trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp)
Áp lực học sinh tăng
Là địa phương có tốc độ tăng dân số cơ học cao, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của Q.12 mới chỉ đạt 20%, rất thấp so với bình quân chung của cả TP. Năm học 2020-2021, Q.12 dự kiến có gần 7.500 học sinh vào lớp 1 cho 22 trường công lập, trong đó có 1 trường theo mô hình tiên tiến - hội nhập. Quận cần có hơn 300 phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho số học sinh này, đáp ứng yêu cầu số học sinh/lớp là 35 em.
Trong khi đó, học sinh học xong lớp 5 trong năm học này và ra trường chỉ tương ứng với 122 phòng học, lại phân bố không đồng đều giữa các phường. Quận có 5 dự án trường học đã được phê duyệt, nhưng đến năm 2020 vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Ông Khưu Mạnh Hùng, trưởng Phòng GD-ĐT Q.12, cho biết: "Phòng đang tính toán, tham mưu UBND quận xem xét thực hiện theo 2 phương án, nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45-50 học sinh/lớp. Nơi nào không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày, cũng không thể nâng sĩ số thì tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ bảy".
Huyện Bình Chánh hiện có hơn 10.000 học sinh lớp 1, tổ chức thành 286 lớp, vẫn còn thiếu 82 phòng học theo chủ trương của TP. Trong đó một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.
Để giải quyết câu chuyện trường lớp, Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh có phương án kiến nghị là xây thêm trường, nếu không được trước mắt sẽ cố gắng dạy "cuốn chiếu" cho học sinh lớp 1, tức là ưu tiên các em học 2 buổi/ngày, các khối lớp còn lại học 1 buổi/ngày.
Hay ở Q.Bình Tân năm học tới sẽ đưa vào sử dụng 80 phòng học mới của hai công trình xây mới (Trường tiểu học Bùi Hữu Nghĩa với 22 phòng, Trường THCS Lạc Long Quân với 40 phòng và 18 phòng xây mới của một số trường tiểu học xây thêm).
Ông Ngô Văn Tuyên, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, nhìn nhận: "Trung bình mỗi năm quận tăng 5.000 - 6.000 học sinh tiểu học và THCS, chưa tính học sinh mầm non. Với 80 phòng học mới, nếu tính trung bình mỗi phòng 40 học sinh thì chỉ đáp ứng được chỗ học cho 3.200 học sinh. Trong khi đó, phòng học mới đưa vào sử dụng chỉ đủ cho số học sinh nhập cư nên chưa thể tổ chức đồng loạt 100% lớp 1 học 2 buổi/ngày, chưa nói đến việc phải giảm sĩ số của từng lớp".
Năm học này, Q.Bình Tân có hơn 12.300 trẻ vào lớp 1, trong khi học sinh lớp 5 ra trường khoảng 9.550 em. Để đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn, Q.Bình Tân tiếp tục tổ chức cho 32% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày như năm học 2019-2020, còn lại sẽ học 6 buổi/tuần, tức học cả ngày thứ bảy để đảm bảo yêu cầu về số tiết học theo chương trình mới.
Tương tự, Q.Thủ Đức mới có 49% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, sĩ số bình quân 44 học sinh/lớp. Năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một số trường phải tổ chức học 6 buổi/tuần.
Sẽ có phương án cụ thể
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết 100% học sinh học 2 buổi/ngày là chủ trương mà TP đang phấn đấu. Áp lực với TP về vấn đề dân số là rất lớn. Dù đã chuẩn bị rồi nhưng một vài nơi tăng dân số cơ học không thể bố trí học 2 buổi/ngày. Các trường, các quận huyện tự có giải pháp riêng, linh hoạt để giải quyết cho học sinh đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau này sở sẽ có phương án cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận