Tại Hội nghị thượng đỉnh đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 diễn ra ở TP.HCM trong hai ngày 15 và 16-11, GS.TS Võ Xuân Vinh - giám đốc Viện Nghiên cứu kinh doanh tại Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) - cho biết Việt Nam đang có những bước tiến nhanh chóng trong chuyển đổi số ở ba trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trong đó, Chính phủ số của Việt Nam đã có những cải tiến đáng kể, từ trạng thái hạn chế về năng lực bước sang top 100 quốc gia trên thế giới có tốc độ chuyển đổi số hiệu quả. Việt Nam cũng đang đặt tham vọng vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI) vào năm 2030.
Kinh tế số của Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng, với tỉ trọng đóng góp vào GDP hiện tại là 18,2%, dự kiến tăng lên 30% vào năm 2030. Sự tăng trưởng này phản ánh việc áp dụng ngày càng nhiều giải pháp số trong các ngành, từ thương mại điện tử đến tài chính, cũng như mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ những thay đổi này.
Trong khi đó, xã hội số đang tiến triển với số lượng người dùng Internet ngày càng tăng và sự tích hợp các công cụ kỹ thuật số vào cuộc sống hằng ngày, cho thấy Việt Nam đang tiến gần hơn tới việc trở thành một quốc gia thông thạo kỹ thuật số.
Ông Huy Phạm, CEO của Lotte Ventures Vietnam, nhận định với những thành tựu trên, hiện là "cơ hội vàng" để các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường bằng cách tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.
Đối với các nhà đầu tư, đây là thời điểm lý tưởng để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đáp ứng những nhu cầu đang thay đổi này, vì tiềm năng thị trường là rất lớn.
Với hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, TP.HCM phát huy vai trò kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với các nguồn lực, chuyên môn và thị trường toàn cầu.
Theo phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhờ vào lực lượng lao động trẻ, sáng tạo và một nền kinh tế năng động, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quốc tế.
"Thành công của TP.HCM càng được thể hiện rõ hơn qua tỉ lệ đầu tư mạo hiểm vượt trội, chiếm 44% tổng vốn đầu tư mạo hiểm và 60% các thương vụ đầu tư thành công trên toàn quốc. Khi Việt Nam tìm cách cạnh tranh ở tầm khu vực, hệ sinh thái của TP.HCM đang tiến tới đồng bộ với các trung tâm khởi nghiệp toàn cầu, cho phép các công ty Việt Nam mở rộng giải pháp và cạnh tranh quốc tế", phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Hỗ trợ cho những thuận lợi này là nghị quyết 98, cho phép TP.HCM có các cơ chế và quyền ưu tiên đặc biệt để thúc đẩy phát triển. Nghị quyết bao gồm các chính sách về tài trợ, miễn thuế cho các bên trong hệ sinh thái và giảm thuế chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố.
Tuy nhiên, ông Ân Lê - CEO NFQ Vietnam - cũng đưa ra những thách thức lớn mà hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn đang phải đối mặt. Đó là sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng giữa các khu vực và vấn đề chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực.
"Mặc dù nguồn lao động trẻ rất dồi dào, nhưng việc thiếu hụt các kỹ năng chuyên sâu và tính sáng tạo trong nhiều lĩnh vực vẫn là rào cản lớn cho sự phát triển của giới khởi nghiệp", vị CEO nói.
Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh hơn 50% các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đặt tại TP.HCM, cùng với hơn 40% các cơ sở ươm tạo và hỗ trợ. Ngoài ra, thành phố cũng có tới 60% các quỹ đầu tư mạo hiểm của cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận