Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình (giữa) cùng ông Lê Quang Tự Do - cục phó Cục Phát thanh, truyền hình & thông tin điện tử - Bộ TT&TT (phải) và MC Quyền Linh (trái) tham gia buổi chia sẻ thông tin với người dân TP.HCM thông qua hình thức trực tuyến - livestream
Đúng 20h tối 13-9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã tham gia chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” để giải đáp trực tiếp các thắc mắc về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TP sau ngày 15-9. Đã có hơn 14.000 câu hỏi được gửi đến chương trình này.
Sẽ cho shipper chạy liên quận
Mở đầu chương trình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết về lộ trình dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội theo 3 giai đoạn như TP đã thông tin.
Shipper sẽ được chạy liên quận từ 16-9 - Ảnh: MINH ANH
Chiều 14-9, TP sẽ báo cáo Ban chấp hành Đảng bộ TP để có nghị quyết thông qua. Theo ông Bình, lộ trình từ ngày 16-9 đến 31-10 sẽ có thêm giai đoạn từ ngày 16-9 đến 30-9, đây sẽ là "giai đoạn thử nghiệm ở quận 7, Củ Chi và Cần Giờ".
Để chuẩn bị cho lộ trình này, ông Bình cho biết TP đã có bước chuẩn bị với những bước đi chắc chắn. Bắt đầu từ ngày 16-9, TP sẽ cho shipper chạy liên quận, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Trong thời gian đó, các shipper sẽ tiếp tục được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí.
“Chúng tôi có niềm tin chúng ta sẽ kiểm soát được dịch"
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình trả lời trực tuyến vào tối 13-9
Trước câu hỏi sau 30-9 nếu không kiểm soát được dịch, TP có tiếp tục kéo dài giãn cách, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết TP không muốn giãn cách xã hội nặng nề hơn nữa nên từ ngày 15 đến 30-9, TP thí điểm ở 3 quận huyện để xem xét các bước đi đã đảm bảo an toàn, những điều kiện kiểm soát dịch bệnh để có những bước đi tiếp theo.
“Chúng tôi có niềm tin chúng ta sẽ kiểm soát được dịch” - ông Bình nói.
Trước câu hỏi “đang ở Thủ Đức, nhưng đi làm ở quận 3, mới chích 1 mũi thì có được đi làm hay không?”, hay “đã chích đủ 2 mũi nhưng sổ sức khỏe điện tử ghi sai”, “chích mũi 2 nhưng không có chứng nhận mũi 1, thì chính sách thẻ xanh ra sao?”, theo ông Bình, TP dự kiến vì đang trình các cấp có thẩm quyền để được thông qua, và quan trọng hơn “nơi đến mà người lao động muốn đến có an toàn chưa (tức nơi làm việc)”.
“Vắc xin chưa phải là điều kiện đầy đủ. Vì vậy, TP đang xây dựng một ứng dụng thí điểm ở 3 quận để người dân cập nhật điểm đến, nơi đã tiêm, chứng nhận tiêm chủng... để TP thí điểm khi mở rộng giảm giãn cách ở các địa phương khác sẽ áp dụng và quản lý được, người dân không cần phải sử dụng nhiều giấy tờ, sổ sách để chứng minh “độ sạch” khi lưu thông”, ông Bình nhấn mạnh.
Liệu người dân có nguyện vọng được về quê khi TP tiếp tục giãn cách sau 15-9 thì TP có giải quyết hay không?
Ông Bình cũng cho hay TP đã nỗ lực cố gắng và có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian qua.
“Nhưng cũng xin bà con chia sẻ với tình hình phòng chống dịch” nên có lẽ “ai ở đâu ở yên đó”.
TP.HCM đang xây dựng các tiêu chí để doanh nghiệp mở cửa
Nhiều cửa hàng ăn uống tại quận 7, TP.HCM tạm đóng cửa vì dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Bình cũng cho biết hiện TP đang xây dựng các tiêu chí an toàn để “mở cửa” cho doanh nghiệp hoạt động trong thời gian tới, tập trung vào 8 lĩnh vực, cùng 4 phương thức sản xuất “sẽ sớm được thí điểm ban hành sớm”.
Còn hiện tại, TP.HCM đang thẩm định lại kế hoạch cho bà con đi chợ 1 lần/tuần ở vùng xanh nhằm giảm lệ thuộc vào shipper, giảm chi phí tiêu dùng cho bà con.
Đặc biệt, sau 15-9, trong khi chờ các quyết sách được trung ương phê duyệt theo lộ trình mà Đảng bộ TP trình vào ngày mai, ông Bình cho hay TP đã làm việc với các ngân hàng để bàn về chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp và “sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp cũng như giãn các khoản nợ, khoanh nợ”.
Riêng thủ tục hành chính, ông Bình cam kết TP sẽ đẩy mạnh giải quyết nhanh nhất cho doanh nghiệp, chẳng hạn như được vay trong vòng một tuần nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Ông Bình cũng cho hay, sau ngày 30-9, người dân khi ra đường, chỉ cần khai báo vào phần mềm hiện đang được TP tích hợp xây dựng dữ liệu về các tiêu chí an toàn khi lưu thông trên đường, nếu "người dân đáp ứng đủ điều kiện như bộ tiêu chí đưa ra thì cứ đi ra đường thôi".
Trả lời bổ sung câu hỏi về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thời gian qua có nhiều doanh nghiệp nợ tiền điện nước nhưng vẫn chưa thu ngay.
Trước câu hỏi về việc chậm trễ phát gói trợ cấp 1.500.000 đồng, ông Bình cho biết TP có những người gặp khó khăn, "đứt bữa", bị mất việc làm, không có thu nhập, khi xưởng phải đóng.
"Mong bà con cô bác chia sẻ. Chúng tôi không lường được khó như vậy, ngay đại dịch này", ông nói và cho biết cố trong vòng 1-2 ngày nữa sẽ "vét lại hết" những người bị sót, chi trả xong gói thứ 2, ông Bình nói.
Mong chia sẻ thêm một thời gian nữa
Theo Phó chủ tịch Lê Hòa Bình, với gói hỗ trợ thứ 3, TP không phân biệt người dân tạm trú hay thường trú tại TP, chỉ cần “cứ mất việc là thực hiện”, tiền trợ cấp sẽ tính theo đầu người.
Rút kinh nghiệm những gì chưa hoàn hảo của những lần trước, ông Bình cho biết TP sẽ tính toán để gửi tiền hỗ trợ thông qua hai hình thức là tiền mặt và gửi qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
TP sẽ kiến nghị trung ương, đồng thời dùng ngân sách TP để hỗ trợ người dân trong gói thứ 3 trong thời gian sớm nhất, trong đó bao gồm tiền và 2 triệu túi an sinh. Số tiền cụ thể sẽ có báo cáo sau.
“Xin bà con cô bác chia sẻ với lãnh đạo TP. Buồn thì đã buồn nhiều. Rơi nước mắt thì cũng đã rơi nhiều rồi. TP đã nỗ lực rất, rất nhiều rồi, nên rất mong bà con chia sẻ với TP thêm một thời gian nữa để vượt qua những khó khăn vẫn đang còn ở trước mắt. TP sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp và song song đánh giá về các giải pháp thực hiện này để có được hiệu quả tốt nhất cho cuộc sống của người dân trong thời gian tới. Trong đó tính mạng của người dân luôn được đặt lên hàng đầu”, ông Bình bộc bạch trước khi kết thúc chương trình.
Lúc cao điểm, có hơn 30.000 người dân xem livestream cùng lúc, với hơn 14.000 câu hỏi được gửi đến chương trình.
Bao giờ các đội thiện nguyện hoạt động trở lại?
Ông Bình cho biết việc làm thiện nguyện cần phải có tổ chức, phải đảm bảo an toàn. Những người muốn làm thiện nguyện có thể liên hệ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM để được hỗ trợ, trong đó cung cấp các thông tin như đi cung đường nào, giờ nào, để “tránh trường hợp làm thiện nguyện mà bị kiểm tra, xử lý thì khổ”.
"Lấy ví dụ như Bí thư Thành ủy hỏi làm sao các bác sĩ từ Đà Lạt tới TP.HCM có thể mang bình oxy tới F0 các khu phố. Những chỗ này chỉ có thể đi bằng xe máy, ôm mà chạy. TP sẽ tổ chức đi cho ngay ngắn, an toàn", ông Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận