Theo Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 3-10, đã có 2.049 trẻ được tiêm vắc xin sởi tại 248 điểm tiêm trên toàn thành phố.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 97% trẻ em từ 1-10 tuổi tại thành phố được bảo vệ an toàn với vi rút sởi. Nếu 9 quận, huyện đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm vắc xin sởi thì thành phố sẽ sớm công bố chấm dứt được dịch sởi.
Sở Y tế đề nghị UBND huyện Cần Giờ, quận 3, quận 10, quận 6, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, quận Bình Thạnh (chưa đạt tỉ lệ tiêm vắc xin 95%) tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ tiêm để đạt mục tiêu của chiến dịch.
Đối với những quận, huyện đã đạt tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ trên 95%, cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tiếp tục tiêm khi phát hiện còn trẻ chưa tiêm đủ mũi.
Theo Sở Y tế, tổng số mũi tiêm vắc xin sởi tích lũy trên địa bàn TP tính đến ngày 3-10 là 209.292 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 42.977 mũi (đạt 93,37%), trẻ từ 6-10 tuổi là 143.946 mũi (đạt 97,98%). Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đạt 97% theo kế hoạch.
Về ca mắc mới, trong ngày 3-10, ghi nhận 23 ca sốt phát ban nghi sởi được báo cáo, trong đó có 3 ca sởi xác định.
11 quận huyện ghi nhận có số ca sốt phát ban nghi sởi là quận 1 (1 ca), quận 10 (1 ca), quận 11 (1 ca), quận 12 (1 ca), huyện Củ Chi (3 ca), huyện Nhà Bè (1 ca), quận Tân Bình (1 ca), quận Tân Phú (2 ca), huyện Bình Chánh (3 ca), quận Bình Tân (5 ca), TP Thủ Đức (4 ca).
Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy tính đến ngày 3-10 là 1.193 ca. Các quận, huyện có số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy cao gồm có huyện Bình Chánh (268 ca), Bình Tân (239 ca) và TP Thủ Đức (102 ca).
Trước đó vào ngày 27-8, UBND TP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi trên toàn TP.HCM trước bối cảnh ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ tử vong vì sởi. Theo quyết định của UBND TP.HCM, thời gian xảy ra dịch là tháng 8-2024 với quy mô toàn thành phố, nguyên nhân do vi rút sởi gây ra.
Điều kiện, trình tự công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, điều kiện, trình tự công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm cũng được quy định chặt chẽ. Ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định cho từng bệnh.
Sau khoảng thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới và đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định, sở y tế báo cáo chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C; đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định công bố hết dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi nhận được đề nghị của chủ tịch UBND cấp tỉnh; công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi các tỉnh đã công bố hết dịch; xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối với trường hợp dịch mà Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận