14/06/2021 17:00 GMT+7

TP.HCM: Sau 1 tuần sẽ đánh giá lại để điều chỉnh mức độ giãn cách

TIẾN LONG - TUYẾT MAI
TIẾN LONG - TUYẾT MAI

TTO - Chiều 14-6, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

TP.HCM: Sau 1 tuần sẽ đánh giá lại để điều chỉnh mức độ giãn cách - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Hưng: "Trong 2 tuần giãn cách sắp tới, người dân nên hạn chế sinh hoạt, tiếp xúc với người khác, hạn chế di chuyển" - Ảnh: TỰ TRUNG

Tham dự họp báo có đại diện các sở, ngành của TP.HCM. Buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin vì sao TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần; phương hướng ngành y tế trong giai đoạn phòng chống dịch sắp tới và một số yêu cầu với người dân trong thời gian giãn cách.

Giãn cách thêm 2 tuần để dập dịch: cần sự chung tay của người dân

Tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết trong thời gian 2 tuần giãn cách vừa qua, TP.HCM cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, đặc biệt là chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng. 

Tuy nhiên gần đây xuất hiện một số chuỗi lây nhiễm chưa biết được nguồn lây. Do vậy, việc giãn cách 2 tuần tiếp theo là cần thiết để các lực lượng chức năng có thể khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ được các chuỗi lây nhiễm.

Theo ông Hưng, thông qua họp báo, ngành y tế mong muốn thông tin rõ đến người dân những lưu ý để có thể cùng với các lực lượng chức năng tận dụng hữu hiệu nhất thời gian giãn cách sắp tới.

Theo đó, người dân TP cần tuân thủ để hợp tác với ngành y tế, chính quyền địa phương quyết tâm dập dịch trong 2 tuần tiếp theo này. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện biện pháp 5K, đặc biệt mang khẩu trang, khử khuẩn tay và vệ sinh cá nhân.

Khi xuất hiện địa điểm bị phong tỏa hoặc xuất hiện ca F0, ngành y tế đều thông tin nhanh nên mong người dân cập nhật nhanh thông tin dịch bệnh, nếu có liên quan đến các ca bệnh thì liên hệ ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn.

TP.HCM: Sau 1 tuần sẽ đánh giá lại để điều chỉnh mức độ giãn cách - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi họp báo - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Hưng cũng khuyến cáo trong thời gian này, người dân mắc bệnh nếu chưa cần thiết thì nên hạn chế đến các cơ sở y tế. Các công ty, xí nghiệp quản lý chặt nhân viên của mình. Đối với những công ty sản xuất trong môi trường kín hết sức chú ý đến việc đảm bảo phòng chống dịch nghiêm ngặt. Đặc biệt phải có các phương án dự phòng xử lý khi có ca nghi nhiễm, F0 trong đơn vị của mình.

Một điều khác hết sức quan trọng, theo ông Hưng, đó là trong 2 tuần giãn cách vừa qua, cơ bản người dân TP đã chấp hành tốt, tuy vậy ở nhiều nơi vẫn có người dân tiếp xúc nhiều. Do vậy, ông Hưng khuyến cáo người dân nên hạn chế sinh hoạt, tiếp xúc với người khác, tốt nhất chỉ nên tiếp xúc với người trong nhà. Hạn chế di chuyển, nếu di chuyển, tiếp xúc thì nên ghi lại để khi cần khai báo với cơ quan y tế.

Sau 1 tuần sẽ đánh giá lại để điều chỉnh mức độ giãn cách

Khi được hỏi liệu hai tuần nữa có dập triệt để dịch hay không? Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết không một chuyên gia nào có thể khẳng định 2 tuần hay bao lâu sẽ dập được triệt để dịch.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết 2 tuần giãn cách tiếp theo là vô cùng cần thiết. Bởi dù đảm bảo biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì việc dỡ bỏ giãn cách sẽ làm gia tăng mật độ tiếp xúc trong sinh hoạt, làm việc, vui chơi... của người dân. Khi đó chắc chắn mầm bệnh sẽ lây lan, có điều kiện bùng phát.

Lý do TP.HCM chọn giãn cách thêm 2 tuần vì đây là thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 mà trên thế giới quy định.

Ông Dũng cũng cho hay mặc dù TP.HCM quyết định giãn cách thêm 2 tuần, tuy nhiên sau một tuần TP sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định tăng cấp, giữ cấp hay giảm cấp ở một số khu vực.

TP.HCM: Sau 1 tuần sẽ đánh giá lại để điều chỉnh mức độ giãn cách - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, nêu lý do nên tiếp tục thực hiện giãn cách - Ảnh: TỰ TRUNG

Sẽ nghiên cứu để người dân tự lấy mẫu test nhanh COVID-19, thí điểm cách ly tại nhà

Phóng viên hỏi có thể để người dân tự lấy mẫu test nhanh COVID-19 nhằm giảm áp lực truy vết của lực lượng y tế không?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết việc test nhanh COVID-19 không khó về mặt kỹ thuật, nhưng phải được hướng dẫn cơ bản làm sao bóc tách được kháng nguyên của con virus khi lấy mẫu. Bộ Y tế chỉ mới khuyến cáo nhưng chưa có chỉ đạo để người dân tự làm việc này.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết sẽ ghi nhận gợi ý của phóng viên để bàn với các chuyên gia xem có nên để người dân tự test nhanh COVID-19 hay không.

Nói về việc có thể lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân TP hay không, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết trước khi có đợt dịch (thứ 4) xảy ra, khi người dân đi chơi lễ 30-4 và 1-5 thì lực lượng y tế cũng lấy mẫu ngẫu nhiên ở sân bay, bến xe, ga tàu… nhưng không phát hiện ca bệnh nào.

Mặt khác, giám sát ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, lực lượng chức năng cũng đã lấy 25.000 mẫu và cho kết quả âm tính với COVID-19. TP cũng đánh giá nguy cơ, giám sát rộng, cố gắng tầm soát ở khu vực nhà trọ, khu dân cư, lấy mẫu ngẫu nhiên thì không phát hiện ca nhiễm. 

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, TP.HCM hiện có 13-14 triệu dân nên việc xét nghiệm trên diện rộng để tầm soát không đơn giản. Do vậy lực lượng chức năng cố gắng làm sao để đánh giá, khoanh vùng đúng, trúng mục tiêu để lấy mẫu xét nghiệm. Còn lấy mẫu hết người dân TP là bất khả thi.

Trao đổi thêm về tình hình dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết hiện nay chưa phát hiện thêm các trường hợp F1 khác của các ca dương tính tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. 

Theo ông Dũng, các ca mắc chủ yếu liên quan đến khu vực hành chính, hậu cần. Hiện chưa thể đánh giá hết, nhưng có thể phỏng đoán việc lây nhiễm là do xâm nhập từ bên ngoài. Các chuyên gia của TP sẽ đánh giá toàn diện để có câu trả lời xác đáng.

Về việc TP.HCM có tính đến việc cho F1 cách ly tại nhà không, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết có thể thực hiện cách ly F1 tại nhà, tuy nhiên không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để cách ly. Theo quy định của Bộ Y tế nếu nhà ở không đủ điều kiện cách ly thì phải cách ly tập trung. 

Mặt khác, cũng phải tính toán đến giải pháp giám sát sự tuân thủ của những người cách ly tại nhà. Sở Y tế TP.HCM đang cân nhắc thí điểm để F1 cách ly tại nhà ở một số khu vực, sau đó nhân rộng ra.

Đẩy nhanh xét nghiệm cho F1, có kết quả chỉ trong 6-10 giờ

TP.HCM: Sau 1 tuần sẽ đánh giá lại để điều chỉnh mức độ giãn cách - Ảnh 4.

Người dân hẻm 19 đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 chiều 14-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi về câu hỏi của báo Tuổi Trẻ Online về những biện pháp mạnh của TP.HCM trong 2 tuần giãn cách sắp tới, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết hiện nay ngành y tế đang cố gắng đẩy nhanh việc truy vết, cố gắng khoanh vùng các chuỗi lây nhiễm.

Hôm qua 13-6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã ký văn bản về đẩy nhanh truy vết, xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19.

Trong đó có nội dung quan trọng là yêu cầu các lực lượng chức năng trong vòng 2 giờ đồng hồ sau khi xác định ca nghi nhiễm phải truy cho được hết các F1, nhất là ngay lập tức xác định các F1 có tiếp xúc rất gần như thành viên trong gia đình để lấy mẫu xét nghiệm.

Cùng với đó, dù hiện nay Bộ Y tế quy định trong vòng 24 giờ phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 đối với các trường hợp F1 nhưng để đẩy nhanh truy vết, TP.HCM yêu cầu đẩy nhanh việc xét nghiệm, trong 6-10 giờ phải có kết quả xét nghiệm của F1.

Ngoài ra, liên quan đến việc tầm soát, cơ quan y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng nghi ngờ bị bệnh COVID-19 phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám sàng lọc, chẩn đoán COVID-19, không chủ quan. Đây là những biện pháp căn cơ để kiểm soát việc lây lan dịch.

Mặt khác, theo ông Dũng, TP.HCM vẫn thực hiện biện pháp cũ nhưng đẩy mạnh hơn việc khoanh vùng, cách ly. Tiếp tục củng cố, xây dựng hàng rào, bảo vệ vững chắc các cơ sở khám, chữa bệnh. 

"Trưa nay giám đốc Sở Y tế cũng đã triển khai các mô hình cơ sở y tế phòng chống dịch tốt. Đặc biệt trong thời gian giãn cách lần này, các nhân viên y tế, cán bộ, viên chức được yêu cầu sau giờ làm việc không tụ tập và ở nhà, hạn chế tối đa sự tiếp xúc, giao lưu", bác sĩ Dũng chia sẻ.

Trước đó, tại cuộc họp về COVID-19 sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định về tổng thể, sau hai tuần thực hiện giãn cách, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, đặc biệt sự xuất hiện của hàng loạt chuỗi lây nhiễm cho thấy dịch có thể xâm nhập TP từ đầu tháng 5 và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm.

Dịch bệnh đã len lỏi và có thể sẽ được phát hiện qua khám sàng lọc, truy vết thời gian tới. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định TP.HCM sẽ giãn cách xã hội toàn TP theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa.

Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giảm cấp áp dụng giãn cách xã hội từ theo chỉ thị 16 xuống theo chỉ thị 15.

Như vậy, thay vì kết thúc giãn cách xã hội vào 0h ngày 15-6 (thứ ba) như chỉ đạo trước đó, TP.HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần đến 0h ngày 29-6.

NÓNG: TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần NÓNG: TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

TIẾN LONG - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp