Công nhân thi công tái lập mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 14-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, năm nay mùa mưa ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ đến sớm từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Năm trước TP còn 12 điểm ngập do mưa nên khi mùa mưa đến gần, người dân TP lại phập phồng lo ngập.
"Rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh sắp hết ngập
Sáng 14-4, tại công trình nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), hàng chục công nhân hối hả thi công để đưa công trình hoàn thành theo tiến độ.
Tại hiện trường, đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh từ đường Điện Biên Phủ về hướng cầu Thủ Thiêm đang được tái lập mặt bằng, vỉa hè hai đường đang lát gạch. Đoạn từ hẻm 135 Nguyễn Hữu Cảnh đến trước tòa nhà The Manor và đoạn từ giao lộ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm đã được láng nhựa phẳng.
Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) - cho biết có nhiều dự án chống ngập đang thi công dự kiến hoàn thành dịp lễ 30-4.
Trong đó, dự án nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,2km (quận 1 và Bình Thạnh) hoàn thành không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng hơn mà còn giải quyết được câu chuyện ngập nước dai dẳng ở khu vực này. "Các lực lượng đang dốc sức làm ngày đêm để kịp hoàn thành, ứng phó với mùa mưa năm nay" - ông Phúc cho hay.
Ngoài các dự án nêu trên, theo ông Phúc, dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè) với tổng vốn gần 300 tỉ đồng cũng đã hoàn thành.
Công trình làm hệ thống cống tròn dọc tuyến, bề rộng từ 80cm đến 2m và xây cửa xả tăng khả năng thoát nước ra kênh rạch, đồng thời kết hợp nâng mặt đường lên 30 - 40cm những đoạn trũng thấp, bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh... Dự án này góp phần giảm hẳn nguy cơ ngập nước trong mùa mưa tới, người dân sẽ không còn cảnh khổ sở đi lại ở cửa ngõ phía nam TP.
Theo ông Phúc, dự án đường Nguyễn Văn Hưởng ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức còn vướng mặt bằng của một ngôi nhà. Trong năm 2021, Ban giao thông sẽ phối hợp UBND TP Thủ Đức có thể bàn giao mặt bằng để đơn vị triển khai thi công, giải quyết tình trạng ngập ở tuyến này.
Cùng với đó, các dự án nâng cấp, cải tạo đường và tuyến kênh Nước Đen, quận Bình Tân và gói G, F2 của Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2... sẽ khơi thông dòng chảy, cải tạo đường ven kênh để khắc phục tình trạng ngập nước, ô nhiễm ở các khu vực này.
"Chúng tôi đang cùng các đơn vị liên quan, UBND quận huyện nỗ lực để có thể hoàn thành hàng loạt công trình, dự án giải quyết vấn đề ùn tắc, ngập nước ở các điểm ngập lớn. Những công trình này không chỉ góp phần ứng phó với mùa mưa tới đây mà còn hoàn chỉnh hệ thống giao thông" - ông Phúc nói.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang trong quá trình thi công tái lập mặt bằng (ghi nhận ngày 14-4)- Ảnh: CHÂU TUẤN
Đấu thầu, khởi công rồi... nằm chờ
Nhưng không phải dự án nào cũng có thể chạy nước rút. Một cán bộ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết năm 2020 toàn TP còn 15 điểm ngập do mưa. Các điểm ngập này đã có dự án do Ban giao thông và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP (Ban hạ tầng đô thị) làm chủ đầu tư.
Lộ trình xóa các điểm ngập phụ thuộc vào tình hình triển khai các dự án. "Cùng với giải pháp công trình, trung tâm đang quyết liệt triển khai các giải pháp cho mùa mưa này như nạo vét kênh khơi thông dòng chảy nhằm giảm tối đa về thời gian ngập và chiều sâu ngập" - vị này cho biết.
Cũng theo vị cán bộ này, từ nhiều năm qua Ban hạ tầng đô thị đã dự kiến khởi công 8 dự án để xóa 11 điểm ngập trong năm 2020 và 2021, thế nhưng đến nay hầu hết các dự án đang chậm. Cụ thể, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý từ Gò Dầu đến Tân Hương (quận Tân Phú) dự kiến khởi công quý 3-2020 đến nay vẫn chưa triển khai.
Tương tự, 2 dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Trương Công Định (từ Trường Chinh đến Âu Cơ) và cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát từ Trương Công Định đến Võ Thành Trang (quận Tân Bình) cũng dự định khởi công từ năm 2020 đến nay chưa rục rịch.
Cống ngăn triều Bến Nghé của Trung Nam Group, quận 1 và 4, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Ban hạ tầng đô thị, nhóm 3 dự án này nhằm mục tiêu giải quyết 4 điểm ngập trên đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát hiện đã đấu thầu xây lắp nhưng chưa khởi công được vì đã quá thời gian thực hiện. Hiện đơn vị này đang phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, sau khi được phê duyệt điều chỉnh sẽ tiến hành khởi công trong năm 2021.
Còn với nhóm 5 dự án giải quyết 7 điểm ngập trên đường Lê Đức Thọ, Bạch Đằng, Phạm Văn Chiêu, Quang Trung, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Ban hạ tầng đô thị đang hoàn thiện thủ tục trình UBND TP điều chỉnh thời gian đầu tư. Sau khi có kế hoạch vốn 2021, ban sẽ trình Sở Xây dựng thẩm định phê duyệt thực hiện.
Ngoài 8 dự án nêu trên, dự án cải thiện hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) cũng được người dân chờ đợi. Bởi nhiều năm qua mỗi khi mưa, nước chảy như thác đổ trên con đường này khiến nhiều người đi qua đây bị té ngã, nhất là đoạn từ đường Đặng Văn Bi về hướng chợ Thủ Đức.
Với dự án này, tháng 10-2020 UBND quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) đã tổ chức lễ khởi công. Theo quy mô, các đơn vị sẽ xây dựng lại hệ thống thoát nước có chiều dài 2.459m, cống hộp đường kính 1,6 x 1,6m và 1,6 x 2m, giá trị dự toán trên 129,4 tỉ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành trong 17 tháng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án vẫn chưa triển khai thi công. Theo tìm hiểu, sau khi dự án khởi công một thời gian phải tạm dừng để kiểm tra hiện trạng, bổ sung hồ sơ pháp lý. Dự kiến đến 22-4, nhà thầu sẽ khởi công và thi công trở lại.
Nguồn theo đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020-2045 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt - Đồ họa: TUẤN ANH
Phải gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Dự án chống ngập tổng vốn 10.000 tỉ đồng gồm 6 cống ngăn triều (Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận) với mục tiêu kiểm soát ngập cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP khởi công từ tháng 6-2016, dự kiến hoàn thành trong 36 tháng nhưng đến nay vẫn còn dang dở.
Dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư đã thi công 90% đứng trước nguy cơ dừng thi công do vướng mắc về ký kết phụ lục hợp đồng, thủ tục thanh toán...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng theo quy định pháp luật. Đồng thời, UBND TP chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.
Về vốn đầu tư, UBND TP.HCM thống nhất với Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng thương mại và cổ phần Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) về việc tái cấp vốn vay thực hiện dự án. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu TP rà soát, khắc phục tối đa các tồn tại về pháp lý đang vướng mắc.
THU DUNG
Hà Nội còn 11 điểm ngập úng mùa mưa
Ông Trịnh Ngọc Sơn - phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) - cho biết năm 2020 trên các tuyến phố chính khu vực nội thành tồn tại 16 điểm úng ngập và đến cuối mùa mưa năm 2020 đã giảm được 5 điểm.
Dự báo với các trận mưa dưới 50mm/2 giờ sẽ không xảy ra úng ngập, với các trận mưa 50 - 100mm/2 giờ còn tồn tại 11 điểm úng ngập cục bộ gồm phố Hoa Bằng, Nguyễn Khuyến, Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, ngã năm Đường Thành, Cao Bá Quát, Minh Khai, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, đại lộ Thăng Long, Thụy Khuê, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt.
Ông Sơn cho biết công ty đang tập trung duy tu, đầu tư cải tạo sửa chữa bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống, công trình thoát nước và đã có phương án bố trí lực lượng ứng trực, phương tiện, thiết bị để kịp thời ứng phó tại 11 điểm úng ngập. "Từ ngày 15-4, công ty sẽ thực hiện vận hành theo cơ chế mùa mưa. Các trạm bơm, đập điều tiết, các trục chính thoát nước, hệ thống hồ điều hòa và máy móc thiết bị, nhân lực đã sẵn sàng cho công tác thoát nước trên địa bàn Hà Nội" - ông Sơn nói.
CHÍ TUỆ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận