Sáng 15-7, tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM đã trình bày đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Theo dự thảo, đến năm 2035 TP.HCM sẽ hoàn thành 183km đường sắt đô thị gồm 6 tuyến và 148 nhà ga. Tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn này là 824.495 tỉ đồng. Đến năm 2045 đưa tổng chiều dài lên 351km và đến 2060 là 510km.
Thông tin thêm về một số vấn đề của đề án, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết đến nay TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện dự thảo đề án, trình lấy ý kiến của bộ ngành và báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM.
Theo ông Lâm, khác với các đề án khác, đề án hệ thống đường sắt đô thị tập trung vào việc đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thực hiện như các chính sách của nghị quyết 98, vành đai 3, hệ thống cao tốc quốc gia…
Bởi theo ông Lâm, với những quy định hiện hành, cách thức tổ chức triển khai như hiện nay thì không thể đáp ứng tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng cho một thành phố có mật độ dân cư cao như TP.HCM.
"TP.HCM là 1 trong 18 thành phố có mật độ dân số cao nhất thế giới nhưng là TP duy nhất trong 18 thành phố chưa có hệ thống metro", ông Lâm nói và cho biết việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù rất quan trọng.
Về nguồn vốn thực hiện, ông Lâm cho biết ngành giao thông vận tải xác định phải thực hiện chủ đạo bằng nguồn vốn nhà nước, vốn ODA chỉ sử dụng vào số hạng mục rất ít.
Việc thực hiện đề án lần này chủ yếu thực hiện bằng nguồn lực trong nước, phát huy đội ngũ nhà thầu trong nước và có sự tham gia của tư vấn, giám sát của chuyên gia, tư vấn quốc tế.
Về công nghệ đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đang chủ trì xây dựng đề án này, TP.HCM và TP Hà Nội sẽ gắn vào đề án này để thực hiện. Trong đó, TP.HCM sẽ phối hợp lựa chọn công nghệ phù hợp, trên tiêu chí chủ động để không bị phụ thuộc về sau.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hiện đề án đang tổng hợp để báo cáo Chính phủ trong tháng này, sau đó xin ý kiến Bộ Chính trị và phấn đấu trình Quốc hội vào cuối năm.
Nếu được thông qua thì giai đoạn 2026-2027, TP.HCM sẽ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Giai đoạn 2027-2028 sẽ khởi công đồng loạt 6 tuyến. Và phấn đấu trong khoảng gần 9 năm hoàn thành 183km đường sắt.
6 nhóm cơ chế đặc thù
Tại dự thảo đề án, TP.HCM đề xuất 6 nhóm cơ chế, chính sách cần thiết ở các nhóm quy hoạch; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; tổ chức quản lý, khai thác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận