24/07/2021 08:26 GMT+7

TP.HCM nâng cấp giãn cách: Cần chuẩn bị gì để tăng hiệu quả chống dịch?

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)

TTO - Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ (ĐHQG TP.HCM) đánh giá việc tăng cường các biện pháp thực hiện chỉ thị 16 là cần thiết với TP.HCM. Tuy nhiên, TP cần chuẩn bị cho các nhu cầu thiết yếu của người dân và tái tổ chức tuyến đầu chống dịch.

TP.HCM nâng cấp giãn cách: Cần chuẩn bị gì để tăng hiệu quả chống dịch? - Ảnh 1.

Đường Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM những ngày giãn cách - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sau 15 ngày thực hiện chỉ thị 16, số ca F0 ở TP.HCM vẫn tăng nhanh. Quan trọng không kém, số ca nhiễm phát hiện trong khu phong tỏa rất cao, số ca nhiễm được tầm soát trong cộng đồng còn ở mức cao và mức độ di chuyển của người dân phản ảnh (qua Apple Mobility và Google Mobility) chưa giảm hẳn. 

Trước tình hình này, lãnh đạo TP.HCM đã thống nhất tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách theo chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn.

Vũ Hán và Ấn Độ từng áp dụng thành công

TP.HCM không phải là trường hợp duy nhất phải đứng trước quyết định khó khăn như vậy. Vũ Hán vào giữa tháng 2-2020 và Ấn Độ vào giữa tháng 4-2020 cũng đã trải qua tình trạng tương tự. 

Thậm chí, sau 3 tuần phong thành (Ấn Độ là giãn cách toàn quốc) với các quy định tương tự chỉ thị 16, số ca nhiễm còn tăng mạnh. Vũ Hán tăng từ 495 ca nhiễm và 23 ca tử vong vào ngày 23-1-2020 (ngày đầu phong thành) lên 32.994 ca nhiễm và 1.036 ca tử vong vào ngày 12-2-2020. Ấn Độ tăng từ 627 ca nhiễm và 12 ca tử vong vào ngày 25-3-2020 (ngày đầu giãn cách) lên 12.371 ca nhiễm và 428 ca tử vong vào ngày 15-4-2020.

Vũ Hán và Ấn Độ đều đã chọn nâng cấp giãn cách, và trong vòng 5-6 tuần sau đó, các biện pháp này đã cho thấy hiệu quả. Số ca lây nhiễm ở Vũ Hán giảm về 0, Ấn Độ thì giảm tốc độ lây nhiễm về mức thấp ở 5,56%. Ấn tượng nhất là bang Kerala (Ấn Độ) với 34,6 triệu người, nhưng chỉ có 20 ca nhiễm bệnh sau 5 tuần nâng cấp giãn cách. 

Khi xem xét cụ thể vào hai trường hợp này, có nhiều quy định tương đồng với nhau và được nhận định là giúp giãn cách đạt hiệu năng trong thời gian nhất định.

So sánh các quy định nâng cấp giãn cách của Vũ Hán và Ấn Độ:

TP.HCM nâng cấp giãn cách: Cần chuẩn bị gì để tăng hiệu quả chống dịch? - Ảnh 2.
TP.HCM nâng cấp giãn cách: Cần chuẩn bị gì để tăng hiệu quả chống dịch? - Ảnh 3.

Đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho dân, tổ chức lại tuyến đầu chống dịch

Việc tăng cường các biện pháp thực hiện chỉ thị 16 là cần thiết đối với tình hình của TP.HCM hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo nâng cấp giãn cách có hiệu quả, ngoài việc tăng cường biện pháp và thực thi nghiêm túc, còn cần phải có sự chuẩn bị cho các nhu cầu thiết yếu của người dân, cùng với việc tái tổ chức lực lượng tuyến đầu.

Thứ nhất là cần đảm bảo nhu cầu lương thực thiết yếu (bao gồm gạo, thịt, cá, rau, trứng...) cho người dân, tối thiểu là 70% so với bình thường. Hiện giờ một số chợ đã được mở lại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm thiết yếu, cung cấp suất ăn cho những tổ chức tiếp tục được phép hoạt động, ngành giao thông cũng đã cấp luồng xanh cho đường bộ lẫn đường thủy để vận chuyển lương thực từ các tỉnh về thành phố. Với những gia đình có ca F0/F1 đang cách ly tại nhà, lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được cung cấp tận cửa.

Thứ hai là cần đảm bảo đầy đủ nhu cầu về thuốc men và dụng cụ y tế để ứng phó với dịch bệnh. Có hai việc cần làm. Một là huy động thêm nhân lực và nguồn lực từ các tỉnh, địa phương khác, ví dụ Vũ Hán đã có sự giúp sức của 20.000 nhân viên y tế từ các tỉnh khác để hỗ trợ chống dịch. Hai là xây dựng cơ chế phản ứng nhanh cho các cơ sở y tế quận huyện và tổ chức xã hội để tiếp nhận hỗ trợ cả vật chất lẫn nhân lực từ cộng đồng, nhà hảo tâm, doanh nghiệp. 

Những quy trình tương tự dù đúng với thời điểm thông thường, nhưng lại không phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh. Vì vậy chiến lược phải tập trung, nhưng tổ chức thực hiện cần phải phân cấp, phân quyền, phân luồng, phân tuyến.

Thứ ba, hệ thống y tế đang quá tải. Vì thế, giảm tải cho hệ thống y tế và bảo vệ lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu đang là mục tiêu quan trọng. 

Tỉ lệ phát sinh F0 trong khu cách ly F1 giảm nhanh trong nhiều ngày qua. Tuy nhiên, do quy mô F1 tập trung khá lớn nên đòi hỏi nguồn nhân sự và hạ tầng rất lớn. Vì vậy, cần đẩy nhanh xét nghiệm các F1 trong khu cách ly tập trung để cho phép F1 âm tính có điều kiện được trở về nhà tự cách ly. 

Việc phân loại F0 theo nguy cơ để có cách ứng xử phù hợp đang triển khai, nhưng với sức ép số ca tăng hiện nay cần đẩy nhanh hơn nữa, nhất là xu hướng trang bị những "phòng tuyến" cho F0 nhẹ, không triệu chứng được cách ly ở nhà. 

Tự chăm sóc, bác sĩ chia theo cụm dân cư và công nghệ giám sát là bạn đồng hành để mỗi người quản lý rủi ro bệnh tật của mình một cách tối ưu nhất. Thực hiện các bước trên sẽ tạo điều kiện tổ chức lại chiến lược điều trị, phân công công việc để lực lượng y tế được nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe cho một cuộc chiến lâu dài.

Sau 15 ngày thực hiện chỉ thị 16, lượng xe cộ trên đường TP.HCM giảm 60-90% Sau 15 ngày thực hiện chỉ thị 16, lượng xe cộ trên đường TP.HCM giảm 60-90%

TTO - Ngày 23-7, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có kết quả tổng kết về tình hình giao thông, đặc biệt là sản lượng vận chuyển hàng hóa sau 15 ngày TP.HCM thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp