Ông Bùi Thế Duy - thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ - tại buổi làm việc chiều 2-4 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Chiều 2-4, Bộ Khoa học và công nghệ làm việc với UBND TP.HCM xoay quanh Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 và kế hoạch triển khai chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM".
Có thể ưu tiên chuyển giao nhanh công nghệ
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng mục tiêu định hướng phát triển AI có thể lớn, nhưng khi bắt tay vào làm phải cụ thể. Bản thân AI chỉ phát huy giá trị khi gắn với ngành, lĩnh vực trong hoạt động kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Ông Duy nói hệ sinh thái AI ở Việt Nam nói chung còn thiếu rất nhiều. Hiện chưa có một trường hay một viện nào đứng top về AI trên thế giới, cơ bản chưa có doanh nghiệp AI, các cơ quan, công ty chưa có văn hóa lưu trữ dữ liệu…
Trên thực tế đó, ông Duy cho rằng trước hết TP.HCM có thể ưu tiên chuyển giao nhanh công nghệ, các nền tảng mở, những sản phẩm ứng dụng AI thích hợp vào giải quyết ngay các bài toán cấp thiết.
TP.HCM có thể hình thành cơ chế "đặt hàng" giải quyết những đề bài liên quan đến kinh tế, xã hội có thể ứng dụng AI.
Bên cạnh đó, ông Bùi Thế Duy chia sẻ TP.HCM cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực ở cấp chuyên gia, kỹ sư về AI… Đặc biệt, trong thời gian tới TP.HCM có thể phổ cập năng lực về phân tích dữ liệu ở mức "bình dân học vụ" cho người dân, từ những công chức, viên chức trên địa bàn.
Quan trọng nhất là nhân lực
Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - chủ trì buổi làm việc chiều 2-4 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đồng ý một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển AI là nguồn nhân lực. Ông Đức thừa nhận nhân lực về AI chất lượng cao càng khó đào tạo. Đào tạo được rồi, việc giữ người cũng không dễ.
Ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM mong muốn được thí điểm triển khai một số chính sách về AI. Nhờ đó, TP.HCM có chính sách về con người, cơ chế, để đầu tư vào những sản phẩm tiềm năng…
Việc đề xuất các bài toán của TP.HCM cần trong thời gian ngắn, trung, dài hạn, ông Đức cho rằng TP.HCM đang thực hiện theo từng bước...
Khảo sát nhu cầu nhân lực AI
Ông Nguyễn Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - cho biết thêm trong kế hoạch triển khai "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030", TP.HCM sẽ khảo sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của AI cho các cơ quan, tổ chức trong năm 2021 để đưa ra nội dung nâng cao năng lực cho phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận