
TS Lương Việt Quốc được biết đến là "cha đẻ" thiết bị bay không người lái (drone) có tên Hera vươn tầm thế giới, từng được giới thiệu trên Tuổi Trẻ
Câu chuyện này xảy ra khi Công ty cổ phần Real - Time Robotics Việt Nam (RtR) - một công ty sản xuất thiết bị bay không người lái (drone) làm thủ tục phê duyệt đồ án 1/500 để làm nhà máy sản xuất trong Khu công nghệ cao TP.HCM.
Một năm chưa xong chủ trương để xây dự án
4 tháng qua, TS Lương Việt Quốc - nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành của Real - Time Robotics Inc Việt Nam - có đơn gửi Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đề nghị được điều chỉnh chỉ tiêu cấp điện cho dự án nhà máy sản xuất thiết bị bay không người lái (drone) trong Khu công nghệ cao TP.HCM.
Lương Việt Quốc được biết đến là "cha đẻ" thiết bị bay không người lái có tên Hera. Đây là thiết bị bay không người lái của Việt Nam vươn tầm thế giới.
Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, ông Quốc cho biết tháng 10-2024, trong chuyến công tác của đoàn Chủ tịch UBND TP.HCM thời điểm đó là ông Phan Văn Mãi, Công ty Real - Time Robotics Inc Việt Nam đã ký hợp đồng cung ứng 100 thiết bị không người lái cho một đối tác phía Mỹ. Thời hạn trong hợp đồng đến ngày 31-12-2026 phải bàn giao hàng.
Sau chuyến đi này, công ty nhanh chóng nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt đồ án 1/500 lên Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP với dự kiến cuối năm 2024 sẽ khởi công.
Đến thời điểm cuối tháng 12-2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản cơ bản thống nhất các chỉ tiêu quy hoạch để Ban quản lý Khu công nghệ cao TP phê duyệt đồ án 1/500 cho công ty.
Tuy nhiên từ đó đến nay đồ án phê duyệt bởi chỉ tiêu cấp điện quá thấp, doanh nghiệp vẫn nhiều lần trao đổi đề nghị xem xét lại.
Dù vậy yêu cầu của ông Quốc đến nay vẫn chưa được chấp nhận khiến việc xây dựng nhà máy bị ngưng trệ, trong khi thời hạn xuất khẩu một số lô hàng theo hợp đồng đã cận kề.
Ông Quốc lý giải thêm trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp đối tác sẽ sang tận nhà máy sản xuất để kiểm tra các yêu cầu về kỹ thuật, đội ngũ kỹ sư, công nhân... có đủ năng lực sản xuất hàng hay không để tránh việc không đạt được thỏa thuận giao hàng khiến đối tác bị bên thứ 3 phạt.
"Nếu chỉ cấp nguồn với công suất 280kW, chắc chắn phía đối tác nước ngoài sẽ đánh giá nhà máy không đủ điều kiện sản xuất số lượng để ký hợp đồng. Muốn sản xuất đủ, công ty khi đó lại phải vi phạm sử dụng quá công suất điện cho phép. Điều này tối kỵ với các đối tác nước ngoài", ông Quốc nói.
Điện duyệt chỉ đủ vận hành 1/4 máy móc

Quy định áp cứng công suất điện gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Trong ảnh: Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, dự án nhà máy của Công ty cổ phần Real - Time Robotics Việt Nam được đặt trên khu đất có diện tích 9.342,5m2, với diện tích sàn xây dựng khoảng 22.822,2 m2.
Giai đoạn 1, công ty dự kiến xây dựng nhà máy quy mô 4.564,3m2 sàn; giai đoạn 2 mở rộng xây thêm khoảng 18.257,9m2.
Theo tính toán, để vận hành toàn bộ hệ thống máy móc sản xuất của nhà máy giai đoạn 1 sẽ cần công suất điện hơn 1.200kW. Đến giai đoạn 2 mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy sẽ cần thêm 2.325,5kW.
Với công suất điện tiêu thụ này, dự kiến trong giai đoạn 1 nhà máy sẽ sản xuất được 100.000 sản phẩm/năm. Tuy nhiên việc Ban quản lý Khu công nghệ cao bắt buộc nhà đầu tư phải tính toán lại công suất phụ tải nhỏ hơn hoặc bằng 280kW để đủ điều kiện phê duyệt đồ án 1/500.
Theo giải thích công suất điện cấp này căn cứ quyết định số 2376/QĐ-UBND ngày 12-5-2016 của UBND TP.HCM. Quy định này áp cứng chỉ tiêu cấp điện 300kW/ha theo quy hoạch phân khu.
"Nếu áp cứng công suất này sẽ rất khó khăn cho công ty khi chỉ đủ điện cho chiếu sáng, sinh hoạt và vận hành 1/4 số máy móc. Khi đó với công suất được cấp như thế, việc đầu tư vào dây chuyền thiết bị hoàn toàn không khả thi và không ai đầu tư mà 3/4 số máy móc phải trùm mền vì thiếu điện", ông Quốc thở dài.
Nhận thấy chưa phù hợp nhưng phải làm đúng quy định
Theo quy định Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM nêu, công suất điện được cấp theo diện tích đất, tương ứng 300kW/ha.
Trong khi quy mô các nhà máy trong khu sẽ xây dựng với tổng diện tích sàn khác nhau, và các loại máy móc ở các lĩnh vực sẽ tiêu thụ lượng điện năng khác nhau.
Vô lý hơn, nếu tính theo quy định này, kể cả khi mở rộng quy mô dự án giai đoạn 2, lắp thêm máy móc, nhà máy của công ty cũng chỉ được cấp 280kW.
Điều đáng nói, tháng 8-2024, Công ty Điện lực Thủ Đức, thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM có văn bản phúc đáp nêu sẽ đáp ứng được nhu cầu điện của dự án.
Như vậy việc áp mức công suất điện cứng nhắc cho nhà máy không phải do thiếu điện mà do "vướng quy định".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Kỳ Phùng - trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết ban cấp mức công suất 280kW cho nhà máy giai đoạn 1 của Công ty cổ phần Real - Time Robotics Việt Nam hoàn toàn đúng quy hoạch, không được phép cấp hơn.
Tuy nhiên theo ông Phùng, việc cấp định mức như thế ban cũng nhận thấy chưa phù hợp với thực tiễn nên ban đang đề xuất điều chỉnh đồ án 1/2000 để nâng hạn mức cấp điện cho các doanh nghiệp phù hợp hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận