Những bất cập trên được nêu từ buổi giám sát của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM với UBND quận 1 về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar và các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí khác trên địa bàn quận 1 ngày 16-11.
Theo UBND quận 1, trên địa bàn quận hiện có 223 cơ sở kinh doanh nằm trong danh sách đen về các ngành nghề dễ phát sinh tệ nạn, gồm: nhà hàng ăn uống, các quầy bar phục vụ khách nước ngoài, mô hình beer club, longue, massage, xông hơi, xoa bóp…
Đầu năm đến nay, Công an quận đã kiểm tra 1.764 lượt, đề xuất ban hành 1.394 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 8 tỉ đồng. Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội quận cũng kiểm tra 257 lượt, đề xuất ban hành 182 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng. Nhưng dù đã có quyết định xử phạt nhưng nhiều trường hợp cố tình không đóng.
Không chỉ vậy, khi quận tạo cơ chế thuận tiện hơn cho doanh nghiệp khi đăng ký giấy phép kinh doanh thì nhiều cơ sở lại biến tướng ra đến 2-3 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thậm chí nhiều hơn.
Có nghĩa các cơ sở kinh doanh bị xử phạt nhưng họ không chấp hành theo quyết định. Sau đó, họ xin giấy phép kinh doanh mới, thay đổi người đại diện pháp luật dù chỉ cùng một địa chỉ kinh doanh. Việc này gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi kiểm tra, xử lý và áp dụng các biện pháp buộc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Do đó quận kiến nghị sớm sửa đổi quy định trong việc quản lý cấp mới, cấp thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cụ thể hóa các quy định về cưỡng chế với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, cần có quy chế phối hợp để rõ hơn các quy định, cách thức, cơ chế, hành lang pháp lý trong kiểm tra các cơ sở kinh doanh. Nhất là các cơ sở kinh doanh vi phạm nhiều lần, khó xử lý, cần có cơ chế kiểm tra rõ ràng để không bị ràng buộc câu chuyện không được thanh tra, kiểm tra một cơ sở quá nhiều lần.
Về tình trạng trên, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Thành Lâm cho biết dù có quyết định xử phạt cơ sở đó vào ngày hôm trước, hôm sau đến họ đã đưa giấy phép kinh doanh mới. “Nếu cứ như vậy thì phường, quận và các lực lượng liên ngành có đi kiểm tra cách mấy cũng không thể kiểm soát hết được và cũng không có cách nào để quản lý, ngăn ngừa được các tệ nạn tại địa bàn”, ông Lâm nói.
Ông Lâm đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh) siết lại việc cấp phép, không thể để việc cấp phép thay đổi tràn lan gây khó cho các lực lượng kiểm tra.
Kết luận buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM - đề nghị các cơ quan chức năng lưu tâm đến các phản ánh, kiến nghị của quận để cùng tháo gỡ. "Cơ sở nào cố tình xin nhiều giấy phép kinh doanh để gian lận, gian dối thì xử lý triệt để, hiệu quả, không để các cơ sở lợi dụng, dần biến tướng các hoạt động kinh doanh", ông Bình nhấn mạnh.
Giấy phép đăng ký kinh doanh nhà hàng nhưng hoạt động quán bar
Cũng tại buổi giám sát, UBND nêu tình trạng một số cơ sở đăng ký kinh doanh ngành nghề nhà hàng nhưng lại hoạt động kiểu quán bar, beer club, lounge, hoạt động quá giờ quy định, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Dù một số nhà hàng karaoke không phép dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm, cơ sở xông hơi xoa bóp để xảy ra tình trạng khiêu dâm,... nhưng chỉ có thể xử lý hành chính bởi pháp luật chưa có quy định chế tài buộc đình chỉ hoặc tước giấy phép kinh doanh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị có quy định về đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát sinh tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận