Lễ hội áo dài TP.HCM lan tỏa tình yêu với áo dài của dân tộc, được tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 3 hằng năm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, bắt đầu từ năm 2014 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Để thực hiện ý tưởng này, Ban tuyên giáo vừa dự thảo 13 sự kiện văn hóa nghệ thuật, lễ hội của thành phố để công bố lấy ý kiến người dân từ nay đến ngày 15-11-2019.
Trong 13 sự kiện, có những lễ hội đã khá quen thuộc và thu hút đông đảo người dân TP.HCM tham dự như: Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa xuân tại công viên Tao Đàn, Lễ hội áo dài TP.HCM, Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ...
Bên cạnh đó là các hoạt động khuyến khích người dân tìm về văn hóa truyền thống, văn hóa đọc, quan tâm đến văn hóa ứng xử trong gia đình: Liên hoan nghệ thuật văn hóa dân gian Việt Nam (tổ chức cách 1 tuần trước lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ); Ngày hội văn hóa đọc (tháng 6 hằng năm tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1); Ngày hội gia đình hạnh phúc (tổ chức trong 1 tuần vào tháng 6 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ).
Lĩnh vực âm nhạc có nhiều sự kiện dự tính được tổ chức thường niên bao gồm: Liên hoan nghệ thuật hàn lâm Giai điệu mùa thu (tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần vào tháng 8 tại Nhà hát TP.
Đây là chương trình nghệ thuật hàn lâm có chất lượng và hiện là liên hoan nghệ thuật hàn lâm tổ chức định kỳ duy nhất của cả nước); Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM (tổ chức vào đầu tháng 12 hằng năm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng).
Liên hoan nhạc kèn TP.HCM (tổ chức vào cuối tháng 12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng); Liên hoan hợp xướng TP.HCM mở rộng (tổ chức vào tháng 5 hằng năm).
Lĩnh vực sân khấu góp mặt với sự kiện cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương: Giải thưởng Trần Hữu Trang (diễn ra trong 3 tuần của tháng 9 tại Nhà hát Trần Hữu Trang).
Ngoài ra còn có Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh - Ngôi nhà chung của chúng ta (dự kiến tổ chức vào tháng 12 hằng năm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng hoặc công viên 30-4).
Lễ hội sẽ giới thiệu văn hóa ẩm thực của TP.HCM, sách và trò chơi dân gian, ban tổ chức sẽ kết hợp lễ hội này với Liên hoan lân sư rồng TP.HCM, Liên hoan ẩm thực món ngon các nước...
Tại cuộc họp báo sáng 1-11, một số ý kiến cho rằng việc tổ chức thường niên các sự kiện văn hóa của TP.HCM nên lưu ý đến tính thị trường trong hoạt động văn hóa, trong đó lĩnh vực mỹ thuật và sân khấu kịch là hai lĩnh vực có thế mạnh vừa thực hiện các sản phẩm văn hóa vừa có doanh thu.
Đặc biệt dòng tranh thủy mặc của Sài Gòn - TP.HCM là thế mạnh độc đáo nổi trội so với cả nước, có thể tổ chức một sự kiện về mỹ thuật thường niên để giới họa sĩ các trường phái có dịp thi thố tài năng và khẳng định thế mạnh qua thị trường tranh thực tế.
Các góp ý gửi về địa chỉ: Phòng văn hóa văn nghệ Ban tuyên giáo Thành ủy, 127 Trương Định, P.7, Q.3, TP.HCM; email: [email protected]. Nội dung gửi về ghi rõ “Góp ý về tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội thường niên TP.HCM”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận