Đại diện Công an quận 12 phát biểu ý kiến tại buổi giám sát - Ảnh: T.LỤA
Sáng 16-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND quận 12 giám sát về việc thực hiện Luật trẻ em trên địa bàn thành phố.
Như "bắt cóc bỏ dĩa"
Báo cáo của UBND quận 12 cho thấy trong năm 2017 và 2018, trên địa bàn quận đã xảy ra vụ việc bạo hành trẻ tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh, chủ cơ sở đã bị xử lý; có 10 vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị xử lý, vẫn còn trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, bị bố mẹ bạo hành…
Ông Dương Ngọc Hải - phó trưởng Ban nội chính Thành ủy TP.HCM, cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em ở quận 12 có số lượng nhiều hơn, tính chất nghiêm trọng hơn một số quận khác trong thành phố. Ông Hải đề nghị các cấp, ngành của quận 12 báo cáo thực trạng xử lý hành vi xâm hại trẻ em có gì vướng mắc hay không? Có trường hợp nào trẻ em bị ép đi ăn xin, bị "chăn dắt" hay không?
Trả lời vấn đề này, ông Võ Chí Hiếu - Công an quận 12, cho biết địa bàn quận có dân nhập cư nhiều, vì vậy nhiều đối tượng lợi dụng để phạm tội. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn quận 12 chưa có vụ việc nào "chăn dắt" trẻ em hay ép con đi ăn xin.
Mặc dù không có cơ sở cho thấy trẻ em bị ép đi ăn xin nhưng các đại biểu thừa nhận hiện nay tình trạng trẻ em đi ăn xin vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, việc xử lý các em là rất khó. Cụ thể, đứng từ xa thấy các em đi xin tiền nhưng khi lại gần để xử lý thì các em lại nói mình đi bán vé số, bán bánh kẹo…
Đại diện Phòng Lao động - thương binh và xã hội quận 12 cho biết hiện nay có một số trẻ em người Campuchia đi ăn xin ở Việt Nam. Sở Lao động - thương binh và xã hội đã đón các bé về tắm rửa, cho ăn uống rồi cho xe đưa về biên giới Campuchia. Tuy nhiên đến ngày hôm sau các em lại quay lại Việt Nam để ăn xin. Tình trạng này kéo dài đã lâu, lặp đi lặp lại không giải quyết được.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết mới đây đã có kiến nghị phải xử lý thật nặng những người làm bố, làm mẹ lại ép con phải đi ăn xin.
Theo bà Tuyết, thực trạng xử lý trẻ em đi ăn xin hiện nay chỉ là "bắt cóc bỏ dĩa". Lý do vì khi phát hiện trẻ đi ăn xin, lực lượng chức năng sẽ đưa trẻ vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên chỉ trong ngày, bố mẹ trẻ lại đến bảo lãnh xin cho con được về. Và đến ngày mai trẻ lại đi ăn xin ở chỗ cũ.
Dâm ô trẻ em: Không có chứng cứ làm sao xử lý?
Thực trạng xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng được nhiều đại biểu nêu ý kiến. Theo ông Võ Chí Hiếu, hiện nay nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng từ chối giám định, các cơ quan tố tụng phải giám định qua tài liệu nên rất khó để xử lý.
Trả lời câu hỏi một số vụ dâm ô trẻ em không có người làm chứng, đối tượng không thừa nhận thì làm sao xử lý được, ông Hiếu cho biết trong các vụ án dâm ô trẻ em, khi nhận được trình báo của người dân, cơ quan điều tra nên nhanh chóng xuống hiện trường để thu thập chứng cứ, gặp gỡ nhân chứng, trích xuất camera, lấy ý kiến người dân xung quanh xem đối tượng có đến đó không. Nếu thu thập chúng cứ cẩn trọng thì khi đối tượng không nhận tội vẫn xử lý được.
Theo đại diện Viện KSND quận 12, tâm lý những người tiến hành tố tụng thường lo ngại khi xử lý các vụ dâm ô mà đối tượng không nhận tội. Trong trường hợp này, các cơ quan tố tụng thường họp liên ngành để xin ý kiến cẩn trọng trước khi xử lý.
Đại diện Viện KSND quận 12 - Ảnh: T.LỤA
"Thực tế có vụ việc cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã thống nhất khởi tố bị can tội hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên sau đó bị can chỉ bị xử lý về tội giao cấu với người dưới 16 tuổi. Lý do vì luật sư của bị can đã tư vấn, tác động đến gia đình bị hại. Sau khi bị tác động, bị hại đã tự nguyên thay đổi lời khai từ 'bị dùng vũ lực ép quan hệ tình dục' sang 'bị hại đồng thuận quan hệ'" - đại diện Viện kiểm sát quận 12 cho biết.
Một số đại biểu kiến nghị các cơ quan chức năng nên sớm có hướng dẫn thế nào là "hành vi quan hệ tình dục khác", sờ vào đâu sẽ bị xử lý về tội "dâm ô", từ đó mới có căn cứ giải quyết trên thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận