Sáng 8-12, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM đã giám sát chuyên đề về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2016-2025.
Nhiều bất cập trong phát triển nhà ở xã hội
Báo cáo kết quả thực hiện, ông Trần Hoàng Quân - giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết giai đoạn 2021-2025, TP đặt mục tiêu phát triển khoảng 35.000 căn nhà, tương ứng khoảng 2,5 triệu m2.
Trong giai đoạn này, TP có 91 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 210ha, với quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong 49 dự án có đến 46 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.
Kết quả đến quý 2-2023, TP.HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với quy mô 623 căn hộ. Có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô gần 5.000 căn. Ngoài ra, TP.HCM có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Giai đoạn còn lại, TP phấn đấu phát triển 2,4 triệu m2 sàn. UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Quỹ phát triển nhà ở TP cho các đối tượng mua nhà ở xã hội vay vốn để tạo lập nhà ở. Đến nay, đã có 184 khách hàng vay với 87 tỉ đồng.
Theo ông Quân, quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án rất khó khăn, tiến độ thực hiện chậm, thậm chí không thực hiện được.
Hiện TP chưa bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội ở một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất… Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu từ quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao và đất do các doanh nghiệp từ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, loại hình nhà ở xã hội chưa đa dạng, các loại căn hộ có diện tích nhỏ 25 - 30m2 có giá bán 300 - 400 triệu đồng và nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Vận dụng nghị quyết 98 phát triển nhà ở xã hội
Báo cáo giám sát của HĐND TP.HCM cho thấy mặc dù các dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020 phát triển nhanh nhưng kết thúc giai đoạn này TP không đạt chỉ tiêu phát triển 1,78 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội (chỉ đạt tỉ lệ 66,8%).
Giai đoạn 2021-2025, khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương 35.000 căn hộ) là rất thấp, khó khả thi.
Về phương hướng sắp tới, ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết vận dụng nghị quyết 98, thời gian tới TP sẽ tập trung giải quyết các vấn đề đang vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai đối với dự án nhà ở xã hội.
Từ tháng 11-2022 đến nay, TP đã chủ trì 11 cuộc họp với các sở ngành và các đơn vị có liên quan họp chuyên đề về nhà ở xã hội, nhận dạng được nhiều nhóm vướng mắc.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, UBND TP đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành và các cơ quan liên quan giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, các vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nhiều số liệu báo cáo không thống nhất
Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM - cho rằng nhiều số liệu báo cáo của UBND TP.HCM chưa thống nhất.
Theo báo cáo 262 tháng 9-2023 của UBND TP.HCM gửi đoàn giám sát, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM có 93 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất hơn 256 ha, quy mô dự kiến hơn 120.000 căn. Kết quả có 20/93 dự án đã hoàn thành (chiếm 21,5%), 14/93 dự án đang triển khai (chiếm 15,1%) và 59/93 dự án chưa triển khai (chiếm 63,4%).
Trong 20 dự án đã hoàn thành, có 6 dự án đã và đang được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với quyết định 5087 của UBND TP.HCM được ban hành tháng 11-2018 có tới 53/93 dự án nằm ngoài danh mục. Ngược lại, có 14 dự án thuộc danh mục được đề cập trong quyết định 5087 không được thống kê trong báo cáo mà UBND TP.HCM gửi đoàn giám sát.
Dựa trên báo cáo UBND TP.HCM gửi đoàn giám sát, trong số 20 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành giai đoạn này, có 18 dự án hoàn thành toàn bộ, 2 dự án hoàn thành một phần.
Về nguồn vốn, có 19 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp, 1 dự án sử dụng vốn ngân sách. Thế nhưng, kết quả của đoàn giám sát Thường trực HĐND TP.HCM ghi nhận từ báo cáo của UBND TP.HCM năm 2022 có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách, 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp, 1 dự án vừa sử dụng vốn ngân sách vừa sử dụng vốn doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận