15/09/2021 10:41 GMT+7

TP.HCM: Giảm nước ngầm, tăng nước sạch

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - TP.HCM đã hoàn thành mục tiêu tất cả người dân được tiếp cận nước sạch. Nhưng vẫn có nhiều khu vực do các yếu tố như quy hoạch 'treo', nhà chưa có sổ hộ khẩu..., người dân còn phải sử dụng nước ngầm thông qua giếng đào, giếng khoan.

TP.HCM: Giảm nước ngầm, tăng nước sạch - Ảnh 1.

Khai thác nước ngầm quá mức khiến sụp lún địa tầng là một trong những nguyên nhân gây ngập tại TP.HCM thời gian qua - Ảnh: LÊ PHAN

Để giảm việc khai thác nước ngầm, tránh các hệ lụy về môi trường, ngập nước mà TP đang đặt ra việc cấp nước phải đến từng nhà dân và không cấp phép khai thác nước ngầm mới. 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP đã có nhiều giải pháp để triển khai kế hoạch này.

Nước sạch đến sát nhà nhưng vẫn phải xài nước giếng

Chuyển về đường TTT17 sống gần một năm nay, anh Nguyễn Tấn Châu (ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) cho biết anh vẫn phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, tắm giặt. 

Căn nhà anh đang thuê thuộc diện không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng và được phân lô xây dựng nên chưa được gắn đồng hồ nước sạch. Trong khi đó, hộ gia đình bên nhà anh lại được cấp nước sạch.

Theo anh Châu, ở khu anh sống cũng có rất nhiều hộ phải sử dụng nước giếng khoan dù đường ống cái cấp nước đã được lắp đặt dọc tuyến đường chính. 

Gia đình anh Châu là một trường hợp trong hàng ngàn trường hợp người dân trên địa bàn TP.HCM vẫn còn sử dụng nước giếng dù nước sạch đã tới sát nhà.

Về vấn đề này, đại diện Sawaco cho biết theo kế hoạch số 3333 của UBND TP.HCM ban hành năm 2019 quy định "không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng (đặc biệt là các công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng, công trình từ một giấy phép xây dựng thành nhiều căn và mua bán dưới hình thức lập vi bằng)". 

Hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân đang sử dụng đất nhưng chưa có chủ quyền sử dụng đất (chủ yếu giấy tờ tay, vi bằng...) nên số lượng hồ sơ đảm bảo pháp lý được gắn đồng hồ nước theo quy định ít hơn so với dự kiến.

Đối với những trường hợp này, Sawaco đã triển khai cung cấp nước cho người dân bằng nhiều giải pháp như lắp đặt bồn chứa nước tập trung, lắp đặt các thiết bị lọc nước, lắp đặt đồng hồ tổng... 

Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tích cực rà soát từng trường hợp cụ thể có thể xem xét giải quyết.

Thống kê trong năm 2020, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm 8% tổng số khách hàng (tương ứng 121.604 khách hàng) và 9% khách hàng có mức tiêu thụ rất ít từ 1m3 đến 4m3/tháng (tương ứng 129.527 khách hàng). 

Trong đó, số lượng hộ dân không sử dụng nước tại các quận vùng ven cao hơn rất nhiều lần so với mức bình quân toàn TP. 

Chẳng hạn, khách hàng không sử dụng nước tại huyện Hóc Môn chiếm 37% (trong tổng số đồng hồ nước được lắp đặt trên địa bàn), tại quận 12 khách hàng không sử dụng nước chiếm 25%.

Nguyên nhân do thói quen người dân sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi và lo ngại tốn kém. Việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khi đã có đồng hồ nước gây lãng phí rất lớn nguồn vốn đã đầu tư. 

Và mặc dù khách hàng không sử dụng nước, đơn vị cấp nước vẫn phải tốn chi phí thực hiện các nghiệp vụ như đọc số, in và phát hành hóa đơn, sửa chữa rò rỉ mạng lưới... để duy trì việc cung cấp nước liên tục cũng rất khó khăn.

TP.HCM: Giảm nước ngầm, tăng nước sạch - Ảnh 2.

Dùng nước sạch ở quận 10 (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Không cấp mới khai thác nước ngầm

Muốn giảm khai thác nước ngầm, ngoài việc thay đổi thói quen sử dụng nước của người dân thì việc siết cấp phép khai thác nước cho các đơn vị, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất cũng được TP vạch lộ trình rõ ràng.

Vừa qua Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) TP.HCM đã đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ TN-MT không cấp mới và giảm lưu lượng khai thác công trình đã cấp phép đối với các doanh nghiệp có công trình khai thác nước ngầm từ 3.000m3/ngày trở lên. 

Đối với các công trình thuộc thẩm quyền TP, Sở TN-MT không cấp phép mới cho mọi đối tượng đề nghị cấp phép, không cấp lại giấy phép cho các doanh nghiệp hết hạn giấy phép. 

Đồng thời, sở này yêu cầu các doanh nghiệp còn hạn khai thác phải có lộ trình giảm khai thác nước ngầm theo lộ trình của TP.

Riêng đối với các doanh nghiệp đề nghị gia hạn giấy phép với lý do nằm trong vùng chưa có mạng cấp nước hoặc mạng cấp nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì chỉ gia hạn 1 - 2 năm. Đối với các doanh nghiệp không có giấy phép vẫn khai thác sẽ bị xử lý nghiêm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sawaco cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm lượng nước khai thác dưới đất thêm 40.000m3/ngày (từ 70.000m3/ngày về mức 30.000m3/ngày), tuân thủ theo lộ trình giảm khai thác nước ngầm của UBND TP. 

Mặc dù vậy, việc giảm nhanh lượng khai thác nước ngầm cũng ảnh hưởng nhất định đến phương án dự phòng sự cố cho nguồn nước mặt của hệ thống cấp nước.

Trả lời về phương án đảm bảo cấp nước cho người dân khi giảm mạnh việc khai thác nước ngầm được dự trù như thế nào, Sawaco cho biết trong điều kiện nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, để đảm bảo việc cấp nước cho người dân trong 5 năm tới, Sawaco dự kiến tiếp tục mở rộng nâng công suất của hệ thống cấp nước lên 2,9 triệu m3/ngày (phần lớn từ hệ thống khai thác nước mặt). 

Song song đó, công ty sẽ đẩy nhanh công tác phát triển, cải tạo, sửa chữa hệ thống ống truyền tải, mạng lưới phân phối cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước và tăng cường giám sát chất lượng nước.

Các giải pháp về tăng cường năng lực dự phòng nguồn nước thô như xây hồ chứa kết hợp với nâng cao năng lực chuyển tải, dự trữ trên mạng lưới cấp nước cũng được đặc biệt chú ý trong giai đoạn tới.

TP.HCM hạn chế sử dụng nước ngầm TP.HCM hạn chế sử dụng nước ngầm

TTO - TP.HCM đã ban hành lộ trình giảm dần việc sử dụng nước ngầm, coi đây như một biện pháp vừa bảo vệ, dự trữ nguồn nước ngầm, vừa góp phần hạn chế tình trạng lún sụt.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp