
Điều dưỡng và bác sĩ nhập hồ sơ bệnh án lên hệ thống tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 10-4, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị "Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế TP".
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết theo thống kê, đến nay trên địa bàn TP có 9 bệnh viện đã thẩm định bệnh án điện tử và đã công bố (nhóm 1) gồm các bệnh viện: Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng thành phố, Hùng Vương, Lê Văn Thịnh, Nhân dân Gia Định và Răng hàm mặt TP.
Ngoài ra có 7 bệnh viện đã đủ điều kiện triển khai nhưng chưa thực hiện hồ sơ thẩm định (nhóm 2) và 35 bệnh viện chưa làm được bệnh án điện tử (nhóm 3) vì chưa đạt điều kiện.
Trong năm 2025, đối với những bệnh viện thuộc nhóm 3, Sở Y tế yêu cầu cần khẩn trương có kế hoạch triển khai đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để triển khai bệnh án điện tử.
Cụ thể, đến tháng 9-2025, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các bệnh viện phải triển khai bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy.
Năm 2025, Sở Y tế TP.HCM đặt mục tiêu 100% bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện của TP.
Đến năm 2030, 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Tại hội nghị, Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã giới thiệu mô hình bệnh án điện tử toàn diện, từ khâu đăng ký khám bệnh không giấy, kê đơn điện tử, cho đến quản lý dữ liệu bệnh nhân liên thông với bảo hiểm và các cơ sở y tế tuyến dưới.
Bác sĩ Trương Quang Định - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho hay bệnh án điện tử hướng đến mô hình bệnh viện không giấy, ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa toàn diện trong hoạt động khám chữa bệnh.
Theo đó bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy truyền thống. Triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho việc in phim X-quang, CT, MRI.
Đồng thời áp dụng chữ ký số trong các quy trình khám chữa bệnh. Sử dụng sổ sức khỏe điện tử hoặc thẻ khám bệnh thông minh thay thế các loại giấy tờ như sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.
Hệ thống này không chỉ tối ưu hóa quy trình chuyên môn mà còn hỗ trợ mạnh mẽ công tác quản trị bệnh viện, ra quyết định chính xác, giảm tải cho nhân viên y tế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết TP có 51 bệnh viện công lập, mới có 9 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử và 7 bệnh viện sắp triển khai. Còn 3/4 bệnh viện chưa đủ điều kiện thực hiện, hạn cuối là tháng 9-2025 phải thực hiện.
Các giám đốc bệnh viện nhận thức rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành trong bối cảnh kỷ nguyên số hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Việc chậm trễ trong chuyển đổi số, đặc biệt là hồ sơ bệnh án điện tử, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của toàn ngành.
"Nếu sau thời gian này bệnh viện nào chưa có bệnh án điện tử, lãnh đạo phải làm kiểm điểm", PGS Thượng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành y tế TP cũng chia sẻ thêm hiện đang nỗ lực xây dựng dữ liệu ngành y tế, với hai trụ cột chính là dữ liệu sức khỏe người dân và dữ liệu bệnh án điện tử.
Việc triển khai đồng bộ hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các bệnh viện là yếu tố then chốt để liên kết và khai thác hiệu quả các dữ liệu này, hướng tới xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân TP.
Để hỗ trợ các bệnh viện trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là về hạ tầng công nghệ thông tin, UBND TP.HCM đã đồng thuận đầu tư ngân sách đáng kể.
Các bệnh viện tuyến hạng hai sẽ được cấp 20 tỉ đồng, trong khi các bệnh viện tuyến hạng một nhận được 40 tỉ đồng để củng cố hạ tầng, đảm bảo an ninh mạng.
Chỉ số đáng sống của TP.HCM tăng lên 6 bậc
Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Phước Lộc chia sẻ kế hoạch của ngành y tế TP là hướng đến y tế thông minh hiện đại, để đồng bộ với nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM, trong đó có trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
Năm 2024, chỉ số đáng sống TP tăng 6 bậc, dựa trên chỉ số của giáo dục đào tạo và y tế. Ngành y tế nếu quan tâm chuyển đổi số thì sẽ phát triển ngành y tế, theo đó chỉ số đáng sống sẽ tăng lên nhiều bậc.
Phó bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ cho giám đốc bệnh viện, người đứng đầu các cơ sở y tế phải rà soát, quyết tâm chính trị cao nhất, củng cố hạ tầng, đầu tư nhân lực công nghệ thông tin.
Đồng thời nhanh chóng thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, nếu không thực hiện đồng bộ được sẽ không thể liên thông được. Bao phủ bệnh án điện tử trước hết cho tất cả phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, tiến đến toàn người dân.
Các sở ngành tiếp tục phối hợp ngành y tế để chuyển đổi số, sớm đưa TP trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận