UBND TP.HCM đang xem xét tờ trình dự thảo quyết định quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.
Theo dự thảo, 5 loại đất gồm đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối mỗi cá nhân được nhận chuyển quyền để sử dụng vào mục đích làm nông nghiệp được quy định theo hạn mức như sau:
- Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối không quá 45ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.
- Đất trồng cây lâu năm không quá 150ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.
- Đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 450ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.
Trường hợp cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất (đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân đó được xác định theo từng loại đất trên.
Như vậy, nếu cá nhân nhận chuyển quyền đối với cả 5 loại đất trên thì sẽ có tổng hạn mức tối đa 735ha.
Dự thảo quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân trên địa bàn TP theo quy định khoản 1 điều 177 Luật Đất đai 2024.
Hạn mức trên không quy định đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất chăn nuôi tập trung, đất nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật đất đai.
Theo thống kê (tháng 4-2024) về đất đai của TP.HCM, đất trồng cây hằng năm tại TP có 32.442ha, đất nuôi trồng thủy sản có 9.400ha, đất làm muối 2.246ha, đất trồng cây lâu năm 31.522ha, đất rừng sản xuất là rừng trồng 751ha.
Theo đánh giá, hiện nay quỹ đất tại TP.HCM còn rất lớn, trong đó nhiều diện tích đất nông nghiệp chưa được khai thác hiệu quả.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, quy định hạn mức trên nhằm tạo điều kiện cho cá nhân có đất nông nghiệp và cá nhân có nhu cầu nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được sử dụng đất, được thực hiện các quyền của người sử dụng đất; phát huy giá trị đất đai; ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích giá trị kinh tế cao, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao phục vụ đời sống, đáp ứng cho nghiên cứu và xuất khẩu nông sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận