Du khách đến tham quan và tìm tour tại diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam tổ chức ở TP.HCM ngày 8-8 - Ảnh: N.BÌNH
Một trong những kế hoạch truyền thông quảng bá du lịch TP.HCM năm 2022, trong đó khai thác lợi thế của kênh truyền thông quốc tế và các ứng dụng truyền thông số. TP.HCM nằm trong danh sách điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất.
TP.HCM - điểm đến tăng trưởng cao
Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50 - 75%. Trong khi đó, TP.HCM nằm trong danh sách các điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất cùng với Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An...
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, khi khoảng cách về địa lý vẫn còn là rào cản hậu dịch COVID-19, để tiếp xúc trực tiếp đến du khách khắp thế giới, con đường số hóa tiếp thị là nhanh nhất.
Vì thế, một chiến dịch truyền thông quảng bá điểm đến cho TP thông qua đẩy mạnh tiếp thị bằng công nghệ, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch đã được chú trọng.
Đến nay, du lịch TP đã thực hiện tương tác trên hệ sinh thái Google - công cụ tìm kiếm phổ biến và nổi tiếng nhất hiện nay, tối ưu chuẩn SEO (Search Engine Optimization) tiếp cận đến đông đảo người dùng và tăng mức độ nhận diện cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch TP trên website riêng.
TP cũng đang đẩy mạnh xuất hiện hình ảnh trên kênh truyền hình, trang điện tử của Hãng truyền thông quốc tế CNN. Ngoài ra là kế hoạch ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 nhằm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quảng bá phát triển du lịch.
Hiện sở cũng đang phối hợp với Trung tâm kinh doanh VNPT TP thiết lập, kết nối tổng đài 1022 để làm đầu mối cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách trong và ngoài nước khi đến TP.
Với những lợi thế đang có sau dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam cần quảng bá mạnh mẽ để vượt lên các điểm đến khác.
Ông GRAHAM COOKE (chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tổ chức World Travel Awards)
Đi cùng xu hướng
Theo ông Graham Cooke - chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tổ chức World Travel Awards (Giải thưởng Du lịch thế giới), tiếp thị số là xu hướng tất yếu của du lịch thế giới. Ngay trong thời điểm dịch đã xuất hiện rất nhiều tour du lịch ảo, sử dụng công nghệ 3D, du lịch trực tuyến đem lại cảm giác độc nhất vô nhị cho du khách.
Ví dụ Flyover Zone, chuyên cung cấp tour khám phá các kỳ quan thế giới bằng thực tế ảo, Airbnb phát triển dòng sản phẩm chủ nhà sẽ dẫn tour khám phá cho du khách khi họ không thể tới điểm đến bằng vật lý, hay nền tảng Indagare, thực hiện tour thử rượu vang, học nấu ăn hay văn hóa lịch sử bằng hình thức trực tuyến...
"Với những lợi thế đang có sau dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam cần quảng bá mạnh mẽ để vượt lên các điểm đến khác. Để làm được điều này, yếu tố then chốt là vận dụng mạng xã hội, kênh thông tin trực tuyến. Đây là công cụ chi phí thấp, hiệu quả cao và có thể làm ngay", ông Graham Cooke nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng cho biết TP xác định du lịch thông minh sẽ là định hướng quan trọng trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, sở đã phối hợp tích cực cùng các đơn vị liên quan triển khai hai nội dung quan trọng của đề án Du lịch thông minh là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ du lịch, phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý.
"Bên cạnh tầm quan trọng của việc làm sản phẩm mới, thì đẩy mạnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá du lịch tập trung vào truyền thông điểm đến và đa dạng hóa thị trường khách du lịch là cách thức để đẩy nhanh quá trình phục hồi, thu hút du khách quốc tế đến nhiều hơn", người đứng đầu ngành du lịch TP.HCM khẳng định.
Sẽ có những quảng bá mới ngay tại TP.HCM
Theo Sở Du lịch TP.HCM, đã có kế hoạch về quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch TP trên màn hình LED tại các cửa ngõ, sân bay Tân Sơn Nhất và điểm tập trung đông du khách. Dự kiến thời gian tới người dân TP.HCM sẽ nhìn thấy những hình ảnh sắc màu, sôi động của TP ở những nơi công cộng, để cảm nhận rõ hơn về một sức sống mới của TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận