Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Ảnh: HOÀNG LỘC
Sáng 26-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thay mặt Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia đã dẫn đầu đoàn làm việc với ngành y tế TP.HCM về công tác cách ly quản lý người nhập cảnh và công tác tiêm vắc xin ở các cơ sở y tế.
Liên quan đến ca bệnh vừa được công bố tại TP.HCM, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói trường hợp này không phải lây nhiễm trong cộng đồng mà thuộc diện nhập cảnh trái phép.
"Ngay khi xảy ra tình huống này, Bộ Y tế có chỉ đạo các địa phương phản ứng nhanh để khoanh vùng khống chế dập dịch một cách thật nhanh, tránh để dịch lây lan diện rộng", ông Tuyên nói.
Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết theo kế hoạch, TP.HCM được cấp 8.000 liều vắc xin ngừa COVID-19. Khi vắc xin được phân bổ, thành phố đã tổ chức tiêm ngày đầu tiên (8-3) ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Tất cả quy trình tiêm đều đảm bảo đúng tiến độ và an toàn. Từ ngày 23-3, thành phố bắt đầu tiêm vắc xin đợt đầu tiên, đến nay có 8 bệnh viện đang triển khai tiêm. Tổng số tiêm là 1.151 mũi, và trong ngày 26-3 sẽ tiêm 113 mũi. Dự kiến tiến độ tiêm kéo dài đến giữa tháng 4-2021.
"Xác định đây là loại vắc xin mới, trước khi bắt tay triển khai tiêm cho nhân viên y tế, thành phố đã tổ chức tập huấn về xây dựng kế hoạch tiêm, sốc phản vệ, các dây chuyền lạnh. Và để đảm bảo an toàn, thành phố chuẩn bị rất kỹ như lên danh sách đúng đối tượng, đồng thời ký cam kết đồng thuận trước khi tiêm", bác sĩ Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết theo chủ trương, đợt này tập trung tiêm cho lực lượng nhân viên y tế. Tuy nhiên, ông khẳng định ở TP.HCM có đặc thù là các đối tượng làm việc trong sân bay, hải quan và các khu cách ly có thu phí ở khách sạn (hiện có 34 khách sạn, sắp tới bổ sung khoảng 40 khách sạn). Đây là các đối tượng rất nguy cơ, thậm chí nguy cơ cao hơn các nhân viên y tế.
"Việc tiêm vắc xin cho các đối tượng này là rất quan trọng, do đó thành phố đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia phân bổ thêm 7.000-8.000 liều vắc xin để tiêm cho họ, song song với cán bộ y tế. Nếu được như thế thì mới an tâm, và tránh các tình huống xuất hiện ca bệnh ở các điểm nóng này", ông Bỉnh đề xuất.
Tính đến ngày 26-3, TP.HCM phát hiện 217 ca dương tính, trong đó có 73 ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng. Thành phố vẫn duy trì việc lấy mẫu xét nghiệm tại các nơi có nguy cơ cao như chợ, bến xe, nhà ga, sân bay, các trại dưỡng lão…
Đề nghị TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19
Hiện tại, TP.HCM đã có 1.151 người được tiêm vắc xin COVID-19. Trong buổi làm việc ở TP.HCM với vai trò là Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị ngành y tế thành phố cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho các lực lượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tính đến 17h ngày 25-3 cả nước có 42.300 người được tiêm vắc xin. Tuy có xảy ra một số phản ứng phụ tương đối nặng nhưng cơ bản đã được xử trí tốt.
Ông Tuyên đánh giá công tác phòng chống dịch ở TP.HCM "rất khác" với các tỉnh khác và khẳng định với thành phố sẽ luôn có sự quan tâm đặc biệt từ các đơn vị, đặc biệt là từ Bộ Y tế.
Trước dự kiến về tiến độ tiêm vắc xin kéo dài đến giữa tháng 4-2021 mới kết thúc, ông Tuyên khẳng định kế hoạch này "vẫn nằm trong khung của ban chỉ đạo", nhưng đề nghị TP.HCM phải đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.
Về vấn đề nhập cảnh trái phép, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng vừa qua Ban chỉ đạo phòng chống dịch có đặt ra vấn đề này khá liên tục. Điển hình là đã có các ca dương tính có sự "giao lưu" ở nước ngoài sau đó "lọt" về nước. Tại sao họ là người người Việt Nam nhưng khi nhập cảnh lại trái phép?
Ông Đức cho rằng có thể trước đó những người này đã xuất cảnh trái phép và khi về nước nếu khai báo lo ngại phải cách ly 14 ngày.
"Có chăng các cơ quan liên quan cần quan tâm đến việc xuất cảnh bất hợp pháp, tôi cho rằng đây cũng là nguồn nguy cơ và cần kiểm soát để tránh nguy cơ xảy ra trong tương lai".
Trước các dự báo về đợt dịch mới có thể xảy ra ở các địa phương, ông Đức khẳng định TP.HCM là địa bàn trọng điểm, có sự giao thương rất lớn nên nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn tiềm ẩn.
Khẳng định trong bối cảnh này, TP.HCM không thể "đóng cửa", ông đề nghị mọi ban ngành cần nỗ lực phòng chống dịch, đồng thời khuyên mọi người dân cũng cần:"Tập thói quen sống chung và sống khỏe với dịch bệnh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận