Ngày 18-5, trao đổi tại buổi họp báo, nói về tính cấp thiết của nghị quyết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định: "Việc xây dựng nghị quyết mới rất cần thiết, thậm chí cấp thiết. Với việc đề xuất nghị quyết mới này, TP mong được tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế, đặc biệt huy động được các nguồn lực ngoài xã hội cho đầu tư phát triển".
Đảm bảo nghị quyết được thực hiện ngay
Theo đó, nghị quyết mới vừa giúp TP tháo gỡ các vướng mắc hiện tại vừa mở ra không gian phát triển mới. Từ đó tạo động lực phát triển mới, lớn hơn, mạnh hơn để phát triển và thúc đẩy đầu tàu kinh tế.
Đồng thời, với những cơ chế phân cấp, phân quyền được đề xuất nếu được thông qua sẽ giúp TP giải quyết các vấn đề tồn đọng hiện tại. Đặc biệt tạo cơ chế cho bộ máy chính quyền, tháo gỡ một phần vướng mắc giúp TP Thủ Đức hoạt động tốt hơn", ông Mãi nói.
Nhiều câu hỏi tại buổi họp báo đặt vấn đề tâm thế của đội ngũ cán bộ, công chức có đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ và khối lượng công việc rất lớn đặt ra trong nghị quyết mới?
Trao đổi việc này, ông Mãi cho biết việc chuẩn bị đội ngũ, tâm thế mới là rất quan trọng. Rút kinh nghiệm việc thực hiện nghị quyết 54, TP đã có bước chuẩn bị, cùng với việc cùng các bộ ngành chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội, TP chủ động phân công cho các cơ quan, sở ngành chuẩn bị luôn các đề án, kế hoạch cụ thể hóa các chính sách có thể thực hiện sớm để trình HĐND TP các kỳ họp sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết.
Việc này đảm bảo các chính sách sẽ được thực hiện ngay khi nghị quyết được thông qua. Ví dụ chính sách nâng trần vốn đầu tư trung hạn, ngay từ bây giờ các sở ngành đã phải tính toán có bao nhiêu dự án nằm trong gói, các thủ tục cần thiết để thông qua các dự án như thế nào để chủ động hoàn thiện các thủ tục pháp lý, làm sao năm 2024 có thể triển khai các dự án này.
Đội ngũ trong tâm thế nỗ lực thực hiện nghị quyết
"Tinh thần của TP sẽ là củng cố bộ máy, chuẩn bị tâm thế, chuẩn bị hồ sơ để trong năm này cụ thể hóa được các chính sách ngay khi Quốc hội thông qua. Như vậy để bốn năm còn lại sẽ tập trung thực hiện", ông Mãi nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về vấn đề chuẩn bị đội ngũ đủ lực để thực hiện các chính sách khi được thông qua, ông Mãi cho biết khi kết luận buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu TP hết sức quan tâm, tập trung xây dựng năng lực thực thi, không để sau khi được phân cấp, HĐND TP ra nghị quyết là xong. Các cấp, sở ngành cần tập trung củng cố để làm sao cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện.
Ngoài việc chủ động giao các sở ngành nghiên cứu sớm các đề án, kế hoạch cụ thể hóa chính sách, khi thực hiện cụ thể hóa chính sách, các sở ngành phải nỗ lực, phối hợp nhiều hơn để đảm bảo thực hiện tốt. "Chúng tôi sẽ rà soát các quy chế phối hợp, ví dụ vai trò người chủ trì, thời gian, cách thức tổ chức họp, lấy ý kiến trong bao nhiêu ngày... để đảm bảo công việc chạy thông suốt", ông Mãi nêu.
Tin vào sự năng động của người dân thành phố
Nói về trăn trở có một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, người đứng đầu chính quyền TP.HCM chia sẻ hiện nay có một bộ phận cán bộ còn e dè, thiếu sự năng động, ngại trách nhiệm nhưng đó không phải là tất cả hệ thống.
Thành ủy TP.HCM cũng đã làm các biện pháp về tư tưởng chính trị, động viên, nhắc nhở và cũng có các hình thức hành chính nhất định. Bên cạnh đó, UBND TP cũng rà soát lại để làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, của công chức viên chức và giao nhiệm vụ cụ thể, có tiến độ, có kiểm tra, có đánh giá và có các biện pháp khác chăm lo chế độ cho đội ngũ.
"Tôi tin rằng không chỉ cán bộ, công chức, viên chức của TP mà người dân TP đều có sự linh động của mình và trước những thách thức và nhiệm vụ lớn sẽ có sự nỗ lực phấn đấu tiếp tục xây dựng TP phát triển.
Đông đảo cán bộ, công viên chức và người dân TP.HCM vẫn đang trong tâm thế đó. Với những cán bộ thiếu năng động, ngại trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, có biện pháp hỗ trợ để thay đổi hoặc buộc phải bước ra khỏi hệ thống", ông Mãi nói.
Không loại trừ có xung đột thẩm quyền, pháp lý
Cùng ngày, tại hội thảo về nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 tổ chức ở Học viện Cán bộ TP.HCM, nhiều đại biểu lần nữa khẳng định sự cần thiết mang tính cấp bách của các cơ chế, chính sách mới vượt trội đối với sự phát triển bền vững của TP trong bối cảnh phát triển mới. Từ đó, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung theo tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM".
PGS.TS Trần Ngọc Quang - vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Tạp chí Cộng Sản tại miền Trung - Tây Nguyên - nhìn nhận TP.HCM là đô thị đặc biệt, là nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Cần có cơ chế mới, vượt trội phục vụ phát triển kinh tế TP tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của nhân dân. Trong đó, vấn đề đặt lên hàng đầu là sự phân cấp, phân quyền cho TP.
Tương tự, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cũng cho rằng hiện nay có những quy định pháp luật còn chồng chéo, vừa chung chung vừa xung đột lẫn nhau. Làm sao để TP được phân cấp, phân quyền cho mạnh hơn, tạo điều kiện chủ động cho các địa phương nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm.
"TP cần những cơ chế cơ vượt trội đưa vào nghị quyết mới thay thế nghị quyết số 54. Về lâu dài, căn cơ nên có Luật Đô thị, thậm chí cần có Luật Đô thị đặc biệt", bà Thảo nói.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, phó tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, cho rằng những cơ chế chính sách được đề xuất trong dự thảo phản ánh tư duy mới của Đảng, triết lý phát triển mới của đất nước chứ không đơn thuần nó là câu chuyện của riêng TP.HCM.
Nếu nghị quyết được thông qua, TP sẽ có những cơ chế chính sách mới và phân cấp cho các sở ngành, địa phương, chứ không phải chỉ dừng ở cấp tỉnh.
"Qua đây chúng ta phải đặt ra vấn đề ngay cả trước hoặc sau khi những cơ chế chính sách vượt trội này được thông qua, nó cũng chưa thỏa mãn so với yêu cầu phát triển của TP. Do vậy chúng ta phải dần hình thành cơ chế tự thân, chứ không phải trong quá trình làm thấy chiếc áo chật mới xin chiếc áo mới", ông Hà chia sẻ.
Kết luận hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - cho rằng để đảm bảo tính vượt trội và khả thi các cơ chế, chính sách mới cần hướng tới đảm bảo tính mở, dự liệu được các vấn đề trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các xung đột pháp lý, xung đột về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Cần xác lập cơ chế ưu tiên trong thực hiện các cơ chế, chính sách của nghị quyết mới nếu xảy ra các xung đột trên, cũng như cài đặt giải pháp tháo gỡ, hóa giải các vấn đề trong tiến trình thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận