
Hàng trăm người đang làm việc ở tòa nhà Doji Tower chạy ra đường Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM) vì cảm nhận rung lắc do động đất. Ghi nhận lúc 14h30 chiều 28-3 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau 4 tiếng xảy ra vụ động đất mạnh hơn 7 độ tại Myanmar, ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Các khoa học Trái đất (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết khả năng vẫn còn những rung chấn sau trận động đất mạnh vừa rồi.
“Ở khu vực đó hoạt động động đất mạnh, sau trận vừa rồi sẽ còn những dư chấn xảy ra nhưng ít ảnh hưởng tới Việt Nam và TP.HCM do xa. Viện vẫn đang theo dõi trận động đất này để có cảnh báo kịp thời”, ông Xuân Anh nói.
Người dân thoát khỏi các tòa nhà khi cảm nhận rung lắc ở TP.HCM và Bình Dương
Cũng theo ông Xuân Anh, cơ quan chức năng đã ban hành những hướng dẫn ứng phó động đất để người dân nắm, dù nước ta ít xảy ra thiên tai này.
Trước đó vào lúc 13h20 (giờ Việt Nam), một trận động đất mạnh xảy ra ở Myanmar, gây ảnh hưởng nhiều khu vực lân cận, trong đó có Việt Nam.
Dư chấn lan rộng khiến nhiều tòa nhà cao tầng tại TP.HCM bị rung nhẹ, làm người dân cảm thấy choáng váng, lo lắng.
Trên thế giới mỗi năm có trung bình 10 - 20 trận động đất mạnh 7 - 7,8 độ
Các trận động đất mạnh 7 - 7,8 độ được đánh giá là các trận động đất lớn.
Các trận động đất này có khả năng gây hư hại nhiều hoặc tất cả các công trình xây dựng trên nhiều vùng. Một số công trình bị sụp đổ một phần hoặc sụp đổ hoàn toàn, hoặc bị hư hại nghiêm trọng.
Ở mức độ này, các công trình được thiết kế tốt cũng chắc chắn bị hư hại, người dân có thể cảm nhận được động đất trên những vùng rất rộng lớn. Ngưỡng thiệt hại về người có thể lên tới 250.000 người.
Tần suất xuất hiện trung bình trên toàn thế giới mỗi năm 10 - 20 trận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận