Bên trong lò sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG nhằm sử dụng cho hệ thống máy chụp PET/CT ở các bệnh viện tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thông tin này vừa được ông Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết tại hội thảo phòng chống ung thư lần thứ 22 tổ chức ngày 5-12.
PET/CT được đánh giá là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay mở ra hi vọng cho hàng ngàn người có thể phát hiện, điều trị ung thư giai đoạn sớm.
Như vậy, sau Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay TP.HCM có thêm Bệnh viện Ung bướu đưa vào hoạt động đơn vị PET/CT phục vụ trong việc chẩn đoán điều trị ung thư.
Theo ông Dũng, hiện nay trong chẩn đoán không chỉ còn chẩn đoán bằng hình thái học mà còn cho biết về đặc điểm sinh học của bướu, các xét nghiệm mới về miễn dịch, giải trình tự gen cũng đã được thực hiện tại Việt Nam.
Bệnh nhân được chụp PET/CT tại Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hình ảnh học với PET/CT giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, từ đó hỗ trợ ra quyết định trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư được cá thể hóa, chính xác hơn và làm tăng kết quả điều trị.
Ngoài ra, các kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật nội soi bằng robot, vi phẫu, tái tạo…hay các phương pháp xạ trị hiện đại như SBRT, IMRT, IGRT đã được áp dụng rộng rãi cho bệnh nhân.
Bệnh nhân đã có thể tiếp cận với thuốc hóa trị, thuốc nhắm trúng đích mới, ghép tủy cho các bệnh lý huyết học… được áp dụng ngay tại Việt Nam. Đặc biệt, liệu pháp miễn dịch - một phương pháp điều trị ung thư mới nhất - đã được áp dụng.
"Hiện nay các phương pháp điều trị không chỉ hướng đến tăng hiệu quả, còn hướng đến giảm độc tính, giảm di chứng, tăng chất lượng cuộc sống, giữ được chức năng sinh học và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh", ông Dũng nhấn mạnh.
PET/CT khác gì CT, MRI?
Theo các chuyên gia y tế, so với chụp CT hay MRI, PET/CT là một phương pháp cung cấp đồng thời hình ảnh cấu trúc giải phẫu rõ nét của CT và hình ảnh tổn thương sớm ở mức độ tế bào, mức độ phân tử của PET.
Do vậy PET/CT có độ nhạy, đặc hiệu, chính xác cao, có khả năng phát hiện tổn thương hoặc bệnh lý ở giai đoạn rất sớm.
Đặc biệt, đây được đánh giá là kỹ thuật chẩn đoán ung thư mới có thể tìm kiếm các vị trí ung thư di căn, phát hiện tổn thương nguyên phát của ung thư, thậm chí phát hiện ung thư ngay khi cơ thể chưa hình thành tổn thương về mặt cấu trúc - điều mà chụp CT, MRI... đều không thể phát hiện ra.
Việc áp dụng kỹ thuật hiện đại như chụp PET/CT là một giải pháp vô cùng quan trọng nhằm chẩn đoán, phát hiện và điều trị ung thư sớm.
Tính cả Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đến nay cả nước có 10 đơn vị ứng dụng hệ thống này gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y Trung ương 108, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Vinmec Times City, Bệnh viện K.
Tuy nhiên, theo thống kê chung thì nước ta đang rất thiếu máy PET/CT, thông thường thế giới cứ 1-2 triệu dân đầu tư 1 máy, như vậy nước ta cần ít nhất 45 máy PET/CT mới đủ sử dụng để chụp chiếu chẩn đoán cho bệnh nhân ung thư, trong khi nước ta mới có khoảng 1/4 số máy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận