Bến Bình Đông ở Chợ Lớn nơi có hàng loạt nhà máy xay lúa - Ảnh: tư liệu
Cùng với TS Nguyễn Thị Hậu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp có buổi trò chuyện về đề tài thú vị mà ông theo đuổi suốt ba năm, cho đến khi hoàn thành tập sách này.
Chú tâm vào mảng doanh nghiệp và công nghiệp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp trong tập sách của mình đã dựng lại bức tranh kinh tế ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ 19 cho đến nửa đầu thế kỷ 20.
Theo ông, buổi đầu của doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh thuộc về các cộng đồng người Hoa, người Pháp và người Ấn.
Phần đầu của tập sách, ông Hiệp khảo sát kỹ về hoạt động kinh tế, kỹ nghệ và thương mại của người Pháp tại Sài Gòn và Nam Kỳ.
Hàng loạt các công ty, xưởng, dịch vụ được tìm hiểu, từ công xưởng hải quân (xưởng Ba Son) đến các công ty dịch vụ tàu hơi nước, công ty dịch vụ tàu biển, ngân hàng Đông Dương, các công ty bia rượu thuốc lá, các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng...
Nhưng đóng góp quan trọng của tập sách này là phần khảo cứu về Doanh nghiệp và công nghiệp của người Việt ở Sài Gòn và Nam Kỳ.
Nếu nhớ lại Việt Nam mãi đến năm 1999 mới có Luật Doanh nghiệp kết quả của hành trình gần mười năm thực hiện mô hình công ty tư nhân sau Đổi mới, thì việc tại Sài Gòn và Nam kỳ đã có doanh nghiệp của người Việt từ đầu thế kỷ 20 là một dữ liệu đáng xem xét.
Ông Nguyễn Đức Hiệp viết trong tập sách của mình: "Những doanh nghiệp đầu tiên của người Việt ở Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 phần lớn trong ngành in ấn và xuất bản sách báo. Các ông Đinh Thái Sơn, Nguyễn Văn Của, Joseph Viết đã thiết lập các nhà in qua đó phát triển và phổ biến báo chí, văn học chữ quốc ngữ.
Nhưng đây chỉ là số nhỏ doanh nhân người Việt trong thương trường và công nghiệp. Hầu như các công ty, doanh nghiệp quan trọng trong nền kinh tế Sài Gòn và Nam kỳ từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 là của người Pháp và người Hoa".
Cũng theo ông Hiệp, khi ấy, tiếng nói của người Việt trong Hội đồng Thành phố "lép vế" hơn hẳn cộng đồng Pháp, Ấn, Hoa do lâu nay chỉ làm khách hàng của họ. Nên chính những trí thức Việt Nam đầu tiên bước vào thương trường ấy đã vận động một phong trào làm ăn của người Việt, gọi là phong trào Minh Tân, khởi đi từ đầu thế kỷ 20.
Chính trong phong trào Minh Tân này, mà các thương hiệu hàng hóa của người Việt xuất hiện, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của Pháp, của người Hoa, người Ấn trên thị trường, lại còn xuất khẩu đi các nước.
Đó là thương hiệu xà bông Cô Ba của ông Trương Văn Bền, nước mắm Liên Thành của nhóm chí sĩ yêu nước khởi nghiệp từ Phan Thiết, công ty tín dụng An Nam của nhóm trí thức và tài chủ như Lê Văn Gồng, Trần Trinh Trạch (tức Hội đồng Trạch - cha công tử Bạc Liêu), rồi công ty dệt Lê Phát Vĩnh, công ty giấy Lê Văn Trung, công ty xe đò Trần Đắc Nghĩa, công ty thể thao Nguyễn Văn Trân, công ty xây dựng Nguyễn Văn Sâm...
Thú vị hơn, chính các doanh nghiệp Việt nam ra đời trong phong trào Minh Tân trong thời kỳ sơ khai ấy đã gắn sự nghiệp phát triển kinh tế với việc khuyến khích, cấp học bổng cho con em người Việt ra nước ngoài du học, mục tiêu là học lấy công nghệ kỹ thuật hiện đại để quay về làm giàu, canh tân đất nước.
Chính ông Trần Chánh Chiếu - một người tiên phong lập ra công ty Minh Tân Công Nghệ, đã vì các hoạt động xã hội như vậy mà bị người Pháp bắt.
"Việc hướng tới cộng đồng và xã hội là nét tích cực có tính truyền thống của và Nam kỳ. Đặc tính này vẫn còn được duy trì phát huy cho mãi đến ngày nay", TS Nguyễn Thị Hậu nhận xét.
Điều tâm đắc của ông Hiệp khi thực hiện công trình Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1945 là ông nhận ra "nội lực doanh nghiệp của Sài Gòn mạnh từ những ngày đầu như vậy, chỉ cần trong từng hoàn cảnh, gặp được chính sách đúng đắn của nhà đương cục là phát triển rất tốt".
Ông Nguyễn Đức Hiệp (giữa) cho rằng các doanh nghiệp ở Sài Gòn có nội lực tốt từ buổi đầu hình thành - Ảnh: L.Điền
Và khi đề cập điều này, ông cũng cho rằng giai đoạn sau 1975 khi các doanh nghiệp tư nhân bị xóa bỏ là một sai lầm đáng tiếc.
Theo ông, mấy năm trở lại đây có dấu hiệu các thương hiệu nước mắm Liên Thành và xà bông Cô Ba được trở lại, "nhưng chúng ta chưa có cách phát triển tốt các thương hiệu có tuổi đời trăm năm như vậy", ông Hiệp tiếc nuối.
Đề cập đến lợi thế địa chính trị của Sài Gòn, cùng với phân tích sức sống mãnh liệt tiềm ẩn nơi đô thị phía Nam này, cả tác giả Nguyễn Đức Hiệp và TS Nguyễn Thị Hậu đều tin tưởng rằng Sài Gòn vẫn còn giữ nguyên thế mạnh là một trung tâm kinh tế với nội lực lớn mạnh, có thể hấp dẫn các doanh nhân trong nước khởi nghiệp, và tiếp tục hấp dẫn các nhà nghiên cứu viết sách về lịch sử Sài Gòn.
Tập sách mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp về Sài Gòn vừa ra mắt - Ảnh: L.Điền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận