TP.HCM khởi công nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn 1.000 tỉ ở Củ Chi vào sáng ngày 22-11 - Ảnh: C.TRUNG
Ông Châu Phước Minh - đại diện Công ty Cổ phần Tasco - cho biết, nhà máy được xây dựng theo mô hình "làng kinh tế tuần hoàn" của Châu Âu với mục tiêu hướng đến "chất thải bằng 0", giải quyết tình hình rác thải công nhiều bất cập như hiện nay.
Nhà máy này có công suất thiết kế 500 tấn chất thải rắn/ngày, dự kiến csẽ đưa vào sử dụng trong vòng 24 tháng, và thời gian khai thác sẽ kéo dài đến tháng 6-2057.
Khu đất xây dững nhà máy xử lý rác thải rắn ở Củ Chi trong thời gian tới - Ảnh: C.TRUNG
Ông Minh cho biết thêm, nhà máy áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng với hiệu suất cao, không phát tán mùi hôi, giảm thiểu phát thải ô nhiễm, giảm tỉ lệ rác chôn lấp < 3%, tận dụng chất hữu cơ để sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao (hoàn lại chất hữu cơ cho đất trồng).
Bên cạnh đó, còn tận dụng tro xỉ để sản xuất gạch không nung, nước rỉ rác để phát điện, đặc biệt là khí thải từ nhà máy đạt tiêu chuẩn Châu Âu (EU2000) với hệ thống quan trắc online 24/24.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện tại mỗi ngày có khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thải ra, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 14,7% tái chế nhựa và 9,3% đốt không phát điện.
Mục tiêu đến 2020, TP.HCM muốn giảm tỉ lệ chôn lấp xuống còn 50%, năm 2050 còn 20%.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM giữa tháng 7 vừa qua, Sở Tài chính cho biết mỗi năm thành phố dành khoảng 4.000 tỉ đồng để thu gom rác thải và duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước, trong đó 88 tỉ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn, 1.800 tỉ đồng chi xử lý rác thải.
Chủ trương chung của TP.HCM là đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, với công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường, tận dụng được giá trị rác thải bằng các công nghệ tái chế tiên tiến, chuyển hóa rác thành điện năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận