Phiên làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) về nhóm thị trường carbon và tài chính thuộc WB, ông Mani Mathukumara, chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường của WB, khẳng định TP.HCM có đủ điều kiện đi đầu xây dựng đô thị xanh, bền vững.
Cần bắt kịp xu hướng của thị trường carbon
TP.HCM đã đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.
Theo ông Mani Mathukumara, lượng phát thải của TP.HCM chủ yếu từ lĩnh vực năng lượng cố định dùng trong sản xuất và lĩnh vực giao thông, chiếm 93,6% tổng lượng phát thải và hấp thụ. Do vậy, đây sẽ là hai lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở TP.HCM.
"Việc giảm lượng phát thải từ giao thông khó hơn so với cắt giảm từ khối sản xuất. Vì hiện nay, bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức để có thể tồn tại, họ phải chuyển đổi sản xuất xanh, tuân thủ các quy định mới của thị trường", ông Mani Mathukumara nói.
WB cho rằng thị trường carbon là nguồn lực quan trọng để thu hút tài chính tư nhân trên toàn cầu, và để tài trợ cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam muốn chuyển đổi năng lượng.
"Để phát triển thị trường carbon, chúng ta phải xác định người mua và người bán. Sự cắt giảm phát thải của doanh nghiệp phải được xác nhận của một đơn vị, để người mua có niềm tin chứng chỉ. Và cần có nguồn tài chính cho người mua lẫn người bán.
Điểm lợi của việc thành lập một thị trường carbon không chỉ giúp cho TP.HCM có thêm nguồn tài chính từ ngân hàng, mà còn bán được tín chỉ carbon ra thế giới. Ngoài ra, các khoản vay cũng sẽ rẻ hơn ít nhất 20% nếu chứng minh được mục đích", đại diện WB nói thêm.
Thị trường tín chỉ carbon nội địa hứa hẹn sôi động, nhưng trước tiên Việt Nam cần có giao dịch bán tín chỉ carbon ra nước ngoài. Đó cũng là lý do tại sao WB đang hợp tác và hỗ trợ TP.HCM tạo cơ chế để có thể kết nối với các đơn vị xác minh, cũng như kết nối cung cầu về tín chỉ carbon.
Gặp gỡ nhóm đại biểu của WB và Nhóm Công tác chung TP.HCM - World Bank (HWG), do bà Carolyn Turk, giám đốc WB tại Việt Nam, làm trưởng đoàn, lãnh đạo TP.HCM và nhóm đại biểu đã cùng nhìn lại kết quả đạt được trong năm qua của Nhóm Công tác chung TP.HCM - WB.
Theo bà Carolyn Turk, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, TP.HCM cần mạnh dạn hơn nữa để thay đổi chính mình, trở thành thành phố xanh và thị trường carbon là cách để làm được việc này.
Chẳng hạn với thị trường tín chỉ carbon, các diễn biến thay đổi hằng ngày, TP.HCM cần cập nhật thông tin về quá trình vận động của thị trường và hành động nhanh chóng để bắt kịp xu hướng của thị trường. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM về kỹ thuật và nguồn vốn để sớm tham gia kịp thị trường chung của quốc tế.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), đơn vị được giao điều phối chương trình tín chỉ carbon, cho biết HFIC đã làm việc với WB để xây dựng khung chính sách.
Tuy vậy, tín chỉ carbon là mảng mới, chưa có trong chức năng của một tổ chức tài chính như HFIC, nên đơn vị vẫn đang nỗ lực song song. Một mặt hoàn thiện chính sách để có chức năng mới, mặt khác chủ động làm việc với WB để nhận hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển thị trường carbon.
TP.HCM sẽ học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP rất quan tâm và sẽ tích cực tham gia để thực hiện mục tiêu giảm phát thải và tham gia thị trường tín chỉ carbon. Ngoài ra, TP cũng đang nghiên cứu những vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế xanh và vấn đề mới, trong đó năng lượng áp mái, hiện Việt Nam đang vướng nhiều quy định để doanh nghiệp tiếp cận năng lượng sạch, có tín chỉ xanh tham gia thị trường.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định nghị quyết 98 có rất nhiều nội dung giúp thành phố huy động nguồn tài chính lớn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
"TP.HCM đang cùng WB triển khai trao đổi về thị trường tín chỉ carbon và dự kiến trong quý 1-2024 sẽ hoàn thành khung hợp tác. Các nỗ lực không chỉ tạo môi trường kinh doanh, mà còn tiếp nhận khuyến nghị để làm sao TP.HCM kiến tạo môi trường kinh doanh phát triển bền vững", ông Mãi thông tin.
Trong dịp này, TP.HCM chuẩn bị danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh, trong đó có các dự án trong lĩnh vực điện tử, vi mạch, trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao, một số dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, các dự án giao thông, xử lý nước thải, chỉnh trang đô thị…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận