Xe buýt ở TP.HCM đang giảm khách vì xe công nghệ cạnh tranh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là nội dung trong báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ Giao thông vận tải tổng kết 8 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở TP.HCM.
Trong đó, UBND TP cho biết việc tổ chức các tuyến xe buýt tiêu chuẩn hoạt động khó khăn do đặc thù mạng lưới giao thông đô thị hiện hữu.
Cụ thể, TP có tổng chiều dài 4.391,9km đường, nhưng chỉ có 1.827km mặt đường đạt chuẩn cho xe buýt - có bề rộng lớn hơn 7m, chiếm khoảng 42%. Hơn nữa, hầu hết các tuyến đường tập trung với mật độ khá cao trong khu vực trung tâm TP, chiếm khoảng 67%.
Hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở TP còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Mật độ xe buýt có trợ giá còn rất thấp so với trị số tiêu chuẩn. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận của xe buýt với người dân là chưa cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ.
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn sau năm 2020 và đường sắt đô thị trong tương lai.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện.
Bởi vì từ tháng 9-2019, TP đã ban hành quyết định về xây dựng kế hoạch bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng điện và loại nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên TP chưa thể xây dựng và tổ chức đấu thầu đặt hàng loại phương tiện mới này vì chưa có trong khung định mức kinh tế - kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
Theo UBND TP, tính đến tháng 10-2020 TP.HCM có 127 tuyến xe buýt, trong đó có 90 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến xe buýt không trợ giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận